Học sinh lớp 4 bị điện giật chết thương tâm: Trong mọi tình huống không nên để trẻ ở một mình quá lâu

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 14:06, 11/09/2021

Sự cố của em nhỏ 10 tuổi ở Thanh Xuân (Hà Nội) khiến nhiều phụ huynh giật mình bởi không ít người vẫn đang để con em tự xoay xở khi học trực tuyến.

Sự việc đau lòng một lần nữa cảnh báo các bậc phụ huynh quan tâm đến con, không phó mặc con khi học trực tuyến, mặc con tự kết nối các thiết bị Internet, kết nối nguồn điện khi máy tính, điện thoại hết pin.

77e158410003e95db012.jpeg
Hiện trường vụ việc đau lòng

Chia sẻ về sự việc này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng ở bậc tiểu học, việc chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến khiến các gia đình, thầy cô đều cảm thấy bỡ ngỡ và căng thẳng.

Bên cạnh sự thiếu hụt mang tính hệ thống của việc đảm bảo hạ tầng, thiết bị và các tài nguyên số cần thiết (băng thông, đường truyền) thì còn rất nhiều yếu tố liên quan đến an toàn cần có sự cam kết đồng hành của cha mẹ.

“Để học được online, học sinh cấp 1 cần được đảm bảo thứ nhất (an toàn), thứ 2 (thoải mái) thì sau đó các con mới học được.

Khi nói đến an toàn, tôi không chỉ muốn nói đến là an toàn trước các tai nạn thương tích có thể xảy ra trong nhà như bỏng, ngã, điện giật, ngộp nước trong bồn tắm, bị thương bởi các vật sắc nhọn mà còn cả những nguy cơ trên mạng internet khi con học trực tuyến nữa.

Và nguyên tắc an toàn đối với những đứa trẻ từ 10 tuổi trở xuống là không được phép để trẻ ở một mình không kiểm soát quá 4 tiếng, không được để đứa trẻ 10 tuổi trông đứa trẻ 6 tuổi mà không có sự để mắt của người lớn.

Bởi lẽ, trong các tình huống phải ở một mình lâu, đứa trẻ có thể trở nên rất lo lắng và mất kiểm soát hành vi. Và trong tình huống này cha mẹ đã vi phạm nguyên tắc đầu tiên là an toàn. Vô ý bỏ mặc con dẫn đến tai nạn này”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

411a6904.jpeg
Ảnh minh họa

Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam thì cần chú ý rằng các kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích là một nội dung của chương trình Đạo đức 1.

Có nghĩa là các con ngay từ lớp 1 đã được học để nhận ra các tình huống nguy hiểm có thể gây ra tai nạn do điện giật. Hiểu được nguyên tắc an toàn phòng tránh tai nạn điện giật. Và có khả năng xử lý các tình huống nguy hiểm do điện giật cũng nhắc nhở người khác thực hiện.

Câu hỏi đặt ra là chương trình đã được dạy như thế nào, bố mẹ đã đồng hành giúp con kết nối tri thức với cuộc sống ra sao để những kỹ năng an toàn cơ bản này vẫn chưa thể hình thành khi con đã học lớp 4?

Sự việc học sinh lớp 4 bị điện giật tử vong là một bài học thương tâm cảnh tỉnh cho tất cả các cha mẹ.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, các bậc phụ huynh đều đang chịu nhiều stress và phản ứng thông thường của chúng ta trước stress là huy động năng lượng để chiến đấu lại, bỏ chạy hoặc trở nên tê liệt.

Nhưng với cha mẹ, việc huy động năng lượng để chiến đấu lại trong cuộc sống hàng ngày lại biến thành việc giận cá chém thớt, bạo hành quát mắng con cái. Trong khi đó, phản ứng bỏ chạy lại trở thành việc bỏ mặc con cái, lơ là các trách nhiệm, không để tâm đáp ứng các nhu cầu an toàn của con và không đủ nhạy cảm để nhận ra những cảm xúc tiêu cực của con.

Cuối cùng, phản ứng tê liệt trong cuộc sống thể hiện qua việc lo lắng thái quá, dừng lại mọi hoạt động và phóng chiếu thêm sự lo lắng lên các con.

"Điều cần làm lúc này là cha mẹ hãy chậm lại, cân bằng và kiểm soát căng thẳng của chính mình. Lưu tâm đến các yếu tố an toàn và thoải mái của con trước khi để con học trực tuyến.

Việc học trực tuyến bản thân cũng vốn là một tình huống gây stress và phải đối diện với rất nhiều nguy cơ nên không thể để các con một mình khi chưa chắc chắn về những kỹ năng bảo vệ sự an toàn bản thân của con chưa sẵn sàng”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Trước đó, trường Tiểu học Thái Thịnh (Hà Nội) cho biết học sinh H.H.D là học sinh của nhà trường, nạn nhân tử vong vào khoảng 7 giờ 30 phút tại nhà riêng.

Trước đó, trường Tiểu học Thái Thịnh (Hà Nội) cho biết học sinh H.H.D là học sinh của nhà trường, nạn nhân tử vong vào khoảng 7 giờ 30 phút tại nhà riêng.

Thời gian đó mẹ học sinh này đi làm, bố chạy ra ngoài có việc riêng, ở nhà chỉ có hai anh em là H.H.D và em gái đang học lớp 3.

Theo lịch học hàng ngày của lớp H.H.D: Khoảng 7 giờ 50 phút các học sinh vào phòng học để điểm danh và 8 giờ bắt đầu tiết học đầu tiên (giáo viên chủ nhiệm báo cáo sĩ số với BGH nhà trường).

Buổi sáng 10/9, do đường truyền mạng không ổn định nên cô giáo chủ nhiệm và một số học sinh không vào được phòng học đầu giờ sáng.

Sau khi hết tiết 2 môn Tin học, khoảng 9 giờ 15 phút, cô giáo chủ nhiệm vào phòng học nhưng không thấy H.H.D nên đã gọi điện cho phụ huynh và không liên lạc được.

Khoảng 11 giờ cùng ngày, có phụ huynh cùng lớp đã biết việc và báo với giáo viên chủ nhiệm rằng học sinh H.H.D. đã tử vong vì điện giật điện do cầm kéo chọc vào ổ điện.

MINH AN