Vì sao nhiều chủ quán ăn e ngại mở bán?

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 21:00, 10/09/2021

TP.HCM đã cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có giấy phép kinh doanh được bán mang về từ ngày 8-9-2021 tuy nhiên ghi nhận nhiều nơi người bán dè dặt chưa dám mở bán trở lại.

Ghi nhận với chủ nhiều nhà hàng, quán ăn, hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại TP.HCM trong ngày 9-9 cho thấy nhiều nơi vẫn còn e ngại, dè dặt thậm chí lo âu khi được hỏi có mở bán lại hay không.

Nhiều chủ quán ăn tại TP.HCM vẫn e ngại mở bán. Ảnh: Vietnamnet

Chị Thanh Trang, chủ một nhà hàng nhỏ ở quận 10 TP.HCM cho hay dịch bệnh nên chị đã đóng cửa nhà hàng 1-3 tháng nay. Dù chưa trả mặt bằng song hằng tháng phải đóng hàng chục triệu tiền mặt bằng. Nếu kéo dài lâu chị e phải trả mặt bằng nghỉ bán vì không đủ tiền để duy trì.

"Nghe thông tin cho mở bán lại tôi cũng mừng nhưng lo thì nhiều hơn. Gần chục nhân viên của tôi thì gần một nửa đã nghỉ, về quê chống dịch. Số còn lại chưa nghỉ nhưng cũng không có lương, mấy tháng qua cũng không biết sống thế nào. Giờ huy động bán lại cũng khó vì không đủ người, không có đầu bếp, nhân viên không có giấy đi đường, nhà hàng diện tích nhỏ khó có thể bố trí “3 tại chỗ” được” - chị Trang cho hay.

Còn anh Minh Quang, chủ một quán bún bò ở quận Gò Vấp TP.HCM thì khi nghe tin mở bán lại anh cũng mừng vì 2-3 tháng qua đã nghỉ bán, không có việc gì làm, không có thu nhập. Tuy nhiên cả đêm qua suy nghĩ, tính đi tính lại anh thấy khó lòng mà mở bán trở lại.

"Quán tôi bán bún bò cần rất nhiều rau của quả, gia vị, thịt bò… mà hiện chợ, siêu thị không mở cửa bán tự do, không có người giao nguyên liệu. Bên cạnh đó giá cả các loại rau như hàng lá hiện từ 80-100.000 đồng, gấp 3-4 lần so với trước đây. Hiện muốn có nguyên liệu không thể vào siêu thị tự mua mà phải đặt qua shipper, giá vận chuyển rất đắt. Nhiều siêu thị không có bán những loại gia vị, nguyên liệu như sợi bún, ruốc Huế… nên rất khó nấu món”  - Anh Quang phân tích.

Ghi nhận thêm với nhiều người chủ bán quán ăn, nhà hàng tại TP.HCM cho thấy họ điều e dè chưa muốn mở bán. Nhiều người cho rằng quy định “3 tại chỗ” rất khó thực hiện vì diện tích quán rất nhỏ, nhiều nhân viên chưa được tiêm vaccine, chưa có giấy đi đường.

Bên cạnh đó việc yêu cầu phải có xét nghiệm 1 lần /2 ngày khiến cho chi phí xét nghiệm cho hàng chục nhân nhân viên có thể lên đến cả chục triệu đồng/ 1 tuần.

Nhiều người bán cho biết cái khó lớn hơn là việc hiện nay chợ, siêu thị nhiều nơi đóng cửa, bán hàng hạn chế. Vì vậy khi mở bán thì nguyên liệu rất thiếu chưa kể giá thành cao khiến cho giá sản phẩm đội lên, khó bán.

Nhiều chủ quán ăn còn cho biết hiện nay đặt lương thực, thực phẩm từ siêu thị còn không có shipper để giao nhận nên rất khó đặt shipper để mua nguyên liệu hay giao hàng cho khách hàng. Bên cạnh đó giá ship hiện tăng rất cao, khách hàng rất ngán ngại khi đặt hàng vì có khi giá ship hơn gấp đôi, gấp ba giá một tô phở.

Về việc cung ứng hàng hóa, hiện tại UBND TP.HCM cho phép mở hai điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn cùng với đó là tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả của điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức. Tuy nhiên các chợ đầu mối này chỉ là các điểm tập kết hàng hóa chứ chưa bán trực tiếp nên nhiều chủ nhà hàng, quán ăn cho biết không thể nhập nguyên liệu về chế biến được.

Theo các công ty cung cấp shipper, hiện nay rất thiếu shipper. Chỉ tính riêng lượng shipper để vận chuyển hàng thiết yếu cho người đã không đủ. Vì vậy nếu nhà hàng, quán ăn mở lại nguy cơ người mua không thể đặt shipper là rất cao. Bên cạnh đó hiện nay shipper chỉ được phép giao hàng từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi… với các mặt hàng thiết yếu, có hóa đơn mua bán. Nếu giao hàng từ nhà hàng, quán ăn bên ngoài thì nguy cơ shipper bị phạt rất cao.

Các công ty cung ứng shipper cũng cho biết nếu cho bán hàng mang đi thì phải mở rộng lượng shipper mới có thể đáp ứng đủ. Bên cạnh đó cần cho phép shipper được giao hàng liên quận, giao hàng thực phẩm chế biến sẵn hay vận chuyển nguyên liệu cho nhà hàng, quán ăn.

Trước đó, ngày 8-9 UBND TP.HCM đã ban hành Công văn về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội. Công văn nêu rõ, cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ - 18 giờ hàng ngày theo hình thức bán mang về.

Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Các cơ sở này phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện và thành phố Thủ Đức để được cấp giấy đi đường theo Công văn 2800/UBND-VX ngày 21-8-2021; phải đảm bảo người lao động đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19 và xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 2 ngày/1 lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Từ 8-9 TP.HCM cũng cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) trong phạm vi 1 quận, huyện, thành phố Thủ Đức; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6 giờ - 21 giờ hàng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.

THANH PHƯỢNG (Tổng hợp)