'Tôi đi học' thời Covid-19

Xã hội - Ngày đăng : 18:43, 06/09/2021

20 năm sau lễ khai giảng đầu đời của mình, một lần nữa tôi lại xúc động khi được chứng kiến một lễ khai giảng rất đặc biệt khác. Lễ khai giảng thời Covid-19, không tiếng trống trường, không tiếng ríu rít của các cô cậu học trò… và một cậu học trò nhỏ lần đầu tiên... "đến trường" online.
'Tôi đi học' thời Covid-19
Học sinh lớp Một có một khai giảng đầu đời đáng nhớ thời Covid-19. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

"Khai giảng năm học 2021 - 2022 sẽ được tổ chức trên truyền hình vào ngày 5/9 và học sinh sẽ bắt đầu học online qua phần mềm zoom từ ngày 6/9.", thông báo được Nhà trường gửi đến gia đình người bác họ của tôi, trước ngày "cậu cả" chính thức trở thành "tân sinh viên đại học chữ to".

"Lo lắng không tên" ở đâu như bao trùm căn phòng trọ nhỏ khoảng 20m2. Họ đều là lao động tự do, lăn lộn để bám trụ lại Hà Nội, cả nhà ba người gọi là tạm đủ sống.Trước thềm năm học mới, cả gia đình lo lắng đủ điều để anh họ tôi có thể xin được vào học ở một trường Hà Nội và giờ đây, khi internet với những người lao động nghèo còn là thứ gì đó rất mơ hồ, thì họ vẫn buộc phải tìm mọi cách để cho con "phổ cập" học online, theo kịp bạn bè.

Anh họ tôi loạn thị bẩm sinh và chưa bao giờ biết đến máy tính. Hai bác tôi có hai chiếc điện thoại thông minh cũ, khá chập chờn, thường chỉ dùng để liên lạc nghe gọi và không có kết nối internet.

Ngày tựu trường – một ngày vốn quen thuộc với bao thế hệ người Việt Nam, năm nay lại trở nên thật đặc biệt. Anh họ tôi cũng háo hức dậy rất sớm, vệ sinh cá nhân, rồi thay bộ quần áo yêu thích nhất để chuẩn bị “đi” khai giảng. Nhưng, thay vì được “mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp” như trong truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh, thì ngày khai giảng đầu tiên của anh họ tôi lại diễn ra ngay trên giường.

Đúng 7h30, lễ khai giảng truyền hình trực tiếp trên TV bắt đầu.

Năm học 2021-2022 là năm thứ hai, học sinh phải đổi mới phương thức học tập, hàng triệu học sinh trên cả nước không thể đến trường, trong đó, biết bao em nhỏ vừa vào lớp Một đã phải trải qua ngày tựu trường đầu tiên thật đặc biệt. Hình ảnh các em nghiêm trang chào cờ bên màn hình TV thay thế cho hình ảnh “em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ” và có lẽ trở thành một hình ảnh vô cùng khó quên đối với học sinh và phụ huynh.

“Hàng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”, tôi chợt nhớ tới câu văn ấy mà thấy lòng có chút bồi hồi và lo lắng.

'Tôi đi học' thời Covid-19
Buổi gặp mặt với giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh và học sinh sau khai giảng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Sau lễ khai giảng, giáo viên chủ nhiệm có buổi gặp mặt qua zoom với phụ huynh và học sinh để làm quen và nghe chương trình học trong thời gian tới.

Theo thời khoá biểu, mỗi ngày, học sinh lớp 1 sẽ học trên TV từ 14h-15h30 từ thứ 2-6 hàng tuần. Buổi tối, lớp học 45 bạn sẽ được chia thành 3 nhóm, học từ thứ 2-4, riêng thứ 5-6 cả lớp sẽ tập trung cả lớp. Như vậy, ngoài học theo chương trình trên TV, anh họ tôi sẽ mượn tạm máy tính của tôi khi học qua zoom, tôi sẽ dùng điện thoại của mình để phát wifi, công việc của tôi sẽ tạm dừng trong khoảng thời gian đó.

Trong khoảng 1 giờ học qua zoom, đường mạng “rớt” trên dưới 5 lần, cả cô và trò phải liên tục thoát ra, rồi vào lại. Anh họ tôi - một cậu bé 6 tuổi không thể tập trung hoàn toàn, chừng 5-10 phút lại quay ngang, quay dọc, khi thì nằm thượt ra ghế, tay chân không để yên khi nào. Không chỉ vậy, do thị lực không tốt, nhìn màn hình một lúc, cậu lại đưa tay lên dụi mắt không ngừng.

Tôi biết rằng, vào lớp Một, nhiều em chưa biết mặt chữ và trong số các phụ huynh, rất có thể dù ngồi kèm bên cạnh, nhưng khó mà theo kịp chương trình học hiện nay để hướng dẫn con. Điều này chắc chắn mang lại không ít khó khăn cho các gia đình.

Trải qua hai năm trong “vòng vây” của Covid-19, cùng nhau nếm trải không ít những khó khăn, một năm học mới lại về với hàng trăm nỗi lo và điều đó rất cần sự chung tay đoàn kết, sẻ chia của toàn xã hội cũng như mỗi gia đình.

Giáo viên bắt đầu năm học mới giữa bộn bề, lo toan cuộc sống, vừa chống dịch vừa bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để thích ứng với tình hình mới; phụ huynh lo lắng con có thể tập trung học trực tuyến không, ảnh hưởng về thể chất không khi con ngồi hàng giờ trước màn hình điện tử, sắp xếp thời gian kèm cặp việc học của con thế nào khi nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn treo lơ lửng trên đầu và có gia đình lo lắng làm sao để có đủ tiền mua một thiết bị có thể kết nối mạng cho con theo học trực tuyến...; còn học sinh không thể chờ hết dịch Covid-19 mới trở lại việc học hành.

Thực tế cho chúng ta thấy, năm 2021-2022 mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song đây sẽ là năm để ngành giáo dục cùng nhau “vượt khó” và cùng nhau tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Đó là cơ hội để ngành giáo dục thích ứng, rà soát, hoàn thiện phương thức dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa, tập trung phát triển học liệu điện tử, nâng cao năng lực thích ứng công nghệ cho đội ngũ giáo viên…

Như trong thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2021-2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viết: “Đã 53 năm, ngành giáo dục của chúng ta giờ đây đang đối diện với những thử thách rất lớn do đại dịch Covid-19 diễn ra khắp toàn cầu…

Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, nhiều học sinh, sinh viên đã trải qua những tháng ngày hết sức khó khăn do phong tỏa, giãn cách. Việc học trực tuyến còn những hạn chế, bất cập và không đồng bộ, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, những gia đình thiếu các điều kiện, phương tiện để học trực tuyến. Tất cả chúng ta đều rất lo lắng và đồng cảm khi chứng kiến cảnh những F0, F1 là các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học, thậm chí là bậc mẫu giáo, những thiếu niên, nhi đồng phải rời gia đình, làng xóm để đi điều trị hoặc cách ly tập trung; do vậy đã bị ngắt quãng việc học…

Tuy nhiên, như lịch sử đã chứng minh, không có thách thức nào có thể vượt cao hơn tinh thần hiếu học, không khó khăn nào có thể làm chùn bước ý chí phấn đấu quyết tâm mài dùi kinh sử, chinh phục tri thức để làm rạng danh tiên tổ, để phụng sự đất nước của dân tộc Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm văn hiến”.

'Tôi đi học' thời Covid-19
Ngày khai trường minh hoạ trong sách giáo khoa của những lớp thế hệ học trò trước. (Ảnh chụp SGK)

Một năm học mới với những kiến thức mới, những người bạn mới… bắt đầu một ngày khai giảng với phương thức mới, nhưng chúng ta tin rằng, tinh thần ngày khai giảng thời Covid-19 sẽ vẫn trong sáng, hồn nhiên và "nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng".

Chúng ta cùng mong ước, một năm học mới, thầy và trò trên khắp cả nước sẽ cùng nhau vượt gian nan, có một năm học an toàn, chất lượng. Và mong rằng, dịch bệnh sẽ sớm chất dứt để những đứa trẻ thực sự được đến trường với một năm học mới êm đềm và bình yên, như những áng văn trong truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh xuất bản tròn 80 năm trước.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.

Nguyễn Hồng