Làm việc, học tập online khổ đủ đường khi điện thoại, laptop mua dễ giao khó

Xã hội - Ngày đăng : 17:27, 06/09/2021

Điện thoại, laptop phục vụ cho nhu cầu này không được xem là đồ thiết yếu, khiến việc vận chuyển khó khăn hơn bao giờ hết.

Nhiều nhà phân phối cho biết thậm chí giao laptop cho các bệnh viện để làm việc từ xa cũng gặp khó khi chuẩn bị bao nhiêu giấy tờ vẫn không thể giao được và đành "lỡ hẹn".

Giao hàng quá gian nan

Theo chị Tuyết (Bình Thuận), khi hay tin sau khai giảng năm nay học sinh sẽ học online vì dịch COVID-19, chị đã đặt mua điện thoại tại một chuỗi bán lẻ để cho con chị thuận tiện theo dõi bài vở theo yêu cầu nhà trường nhưng mãi đến nay vẫn chưa thể nhận máy.

"Tôi đặt hàng và thanh toán thành công từ 20/8 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được điện thoại. Hệ thống báo lại do vận chuyển khó khăn nên mong thông cảm", chị Tuyết cho hay khi vẫn đang mong điện thoại đến từng ngày để con mình không lỡ buổi.

hoc-online-kho-du-duong-khi-dien-thoai-laptop-mua-de-giao-kho-1.jpg
Điện thoại, laptop đang rất cần thiết cho học sinh khi học online ở nhà.

Cùng tình cảnh với chị Tuyết, anh Hoàng (Quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết đã mua 1 laptop nhưng hiện 4 ngày rồi vẫn chưa được giao bởi shipper nói mặt hàng này không thiết yếu và vẫn đang tìm cách gửi hàng.

"Không biết học online kiểu gì khi mà máy tính là phương tiện bắt buộc để theo dõi và cài đặt chương trình học online", anh Hoàng nói.

Một cửa hàng bán lẻ điện thoại, laptop tại Vĩnh Long cho biết, mấy nay nhu cầu mua thiết bị này khá cao nhưng giao hàng vẫn hạn chế bởi khâu vận chuyển chiếm đa số thời gian.

"Nếu như trước kia thời gian giao hàng chỉ 1 - 3 ngày thì nay phải hơn 10 ngày nếu liên tỉnh bởi vận chuyển khó khăn. Đó là chưa kể mặt hàng này hiện chưa được xem là thiết yếu nên còn khó trăm bề, bên nhà vận chuyển cũng không cam kết thời gian tối thiểu mà phụ thuộc khu vực", nhân viên cho biết.

Không chỉ mua thiết bị công nghệ khó khăn, nhiều phụ huynh cho biết còn gặp tình trạng rớt mạng cho ngày đầu học online, khiến việc theo dõi bài vở của con em bị ảnh hưởng.

"Tôi đang lo lắng con nhà sẽ học online cách nào khi mà thiếu thiết bị lẫn đường truyền khi nhanh khi chậm, chưa kể ứng dụng học online cũng khó dùng với các trẻ", một phụ huynh chia sẻ.

Phí giao hàng tăng cao vì không được coi là ngành thiết yếu 

hoc-online-kho-du-duong-khi-dien-thoai-laptop-mua-de-giao-kho.jpg
Cửa hàng kinh doanh điện thoại, laptop gặp khó khi không chỉ tạm đóng cửa, mà còn ở khâu giao hàng.

Tình hình giao hàng công nghệ khó khăn đã khiến nhiều thương hiệu bị ảnh hưởng khi nhu cầu đang tăng cao vì sợ hụt chuỗi cung ứng.

Đại diện một hãng máy tính cho hay mấy tháng nay tình hình hụt chuỗi cung ứng đã xảy ra khi đại lý giao hàng đến người dùng cuối gặp khó.

"Hàng từ cảng được công ty giao xuống đại lý cũng mất cả tuần, rồi đại lý bán ra vận chuyển cũng lâu đáng kể khiến thị trường dù cung cầu dồi dào nhưng vẫn bị hụt vì khâu vận chuyển", đại diện hãng chia sẻ.

Trong khi đó, theo nhiều shipper tại TP.HCM cho biết, hiện nay việc ship laptop, máy tính bảng, điện thoại... phí 350.000 đồng đến 400.000 đồng vẫn khó có người giao. Riêng vùng đỏ thì chi phí còn cao hơn nhiều nhưng vẫn là bài toán nan giải.

hoc-online-kho-du-duong-khi-dien-thoai-laptop-mua-de-giao-kho-2.jpg
Học sinh học online khổ đủ đường khi mạng chậm, thiết thiết bị hỗ trợ.

Gỡ khó khâu vận chuyển hàng hóa thiết yếu

Trước những khó khăn về việc thực hiện Chỉ thị 16 ở các tỉnh giãn cách xã hội khiến lưu thông vận chuyển hàng hóa thiết yếu gặp khó, cuối tháng 7/2021, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đã gửi công văn tới Sở Công Thương các tỉnh, thành trên cả nước thông tin cụ thể về danh mục hàng hóa thiết yếu.

Theo đó, 4 nhóm hàng hóa bao gồm Nhóm thực phẩm; Nhóm hàng hóa nguyên liệu phục vụ; Nhóm nhiên liệu, năng lượng. Riêng Nhóm các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương đều khá chung chung, gây khó cho mặt hàng công nghệ khi nhu cầu đang cấp thiết trong việc học online.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương cũng đã có công văn đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa "cấm lưu thông" thay vì liệt kê danh mục "hàng hóa thiết yếu" được phép lưu thông nhằm hạn chế cách hiểu mỗi nơi mỗi kiểu, đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp lẫn người dân cho nhu cầu cần thiết của mình.

Đến thời điểm hiện tại, theo phản ánh của các doanh nghiệp, một trong những vấn đề nổi cộm ảnh hưởng không nhỏ đó là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong quy định, chính sách áp dụng của các địa phương về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hóa, quy định về thiết yếu, gây khó cho người dân lẫn doanh nghiệp.

Võ Thanh Bình