Cho shipper hoạt động trở lại, đơn hàng tới tấp

Kinh doanh - Ngày đăng : 21:38, 02/09/2021

Lượng hàng hoá các shipper vận chuyển tăng nhanh từng ngày và cao hơn hẳn lượng "đi chợ hộ" của cả TP HCM đang thực hiện ở thời điểm cao nhất.

Đơn hàng tăng vọt

Ghi nhận trong các ngày 1/9, và 2/9/2021, các công ty cung cấp dịch vụ shipper cho hay số lượng shipper hoạt động trở lại và số lượng đơn hàng đã tăng vọt so với trước đó. Sau khi TP.HCM cho phép shipper hoạt động trở lại tại các “vùng đỏ” từ 30/8 thì số lượng shipper hoạt động trở lại tại các “vùng xanh”, “vùng đỏ” tăng trung bình khoảng 20-30% trong khi đó số lượng đơn hàng tăng khoảng 50-70% so với trước ngày 30/8, đại diện các công ty cung cấp dịch vụ shipper cho biết.

Cho shipper hoạt động trở lại, đơn hàng tăng vọt. Ảnh: Tường Vi

Anh Thanh Hiếu một shipper hoạt động tại “vùng đỏ” quận 8 TP.HCM cho biết: “trong ngày 1/9 tôi bắt đầu ra xe hoạt động trở lại sau khi chuẩn bị đủ giấy tờ cung cấp cho công ty, giấy đi đường… cũng như đi xét nghiệm nhanh vào sáng sớm. Trong sáng nay tôi nhận hơn chục đơn ship từ người dân trong quận. Đơn hàng của người dân chủ yếu là rau củ quả, thịt cá và thuốc men”.

Sở Công Thương TP.HCM ngày 2/9 cho hay số lượng đăng kí các đơn hàng đi chợ hộ trong những ngày vừa qua. Cụ thể, ngày 31/8, 101.645 hộ đăng kí, 101.443 hộ đã nhận đơn hàng. Ngày 1/9, 89.489 đơn hàng đăng kí, 93.153 đơn hàng đã nhận. Ngày 2/9, 100.745 hộ đăng kí, 115.130 hộ đã nhận đơn hàng. Nhìn chung, số đơn hàng được nhận ngày càng tăng do lực lượng, hệ thống phân phối được tăng cường.

Về đội ngũ giao hàng (shipper) được tăng cường, ngày 1/9, số lượng shipper hoạt động là 10.782 người, hỗ trợ cung ứng 196.635 đơn hàng. Từ đó, giúp giảm tải công việc cho lực lượng đi chợ hộ, để họ tập trung những công tác chống dịch khác.

Theo đại diện Sở Công Thương TP.HCM, việc khai thác lực lượng này đã giúp giảm tải rất nhiều cho địa phương trong việc đi chợ thay và giúp đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của người dân.

Trước đó, nhằm kịp thời bổ sung nguồn hàng và thực phẩm thiết yếu đến với người dân, Sở Công Thương TP.HCM đã đề nghị UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức hỗ trợ triển khai mô hình đi chợ hộ của Shopee, Tiki, Be, Sendo và Grab.

Đa số shipper hiện đảm nhậm vai trò trung gian vận chuyển hàng hóa giao cho người dân và nhận "đi chợ hộ". Thông qua lực lượng này, người dân chủ động đặt hàng hóa thực phẩm, hàng thiết yếu theo nhu cầu.

Trong khi đó, hình thức "đi chợ hộ" thông qua lực lượng hỗ trợ của các phường, xã, thị trấn phần lớn tiếp nhận đăng ký mua hàng theo combo mà ít nhận đặt hàng tự do. Việc phối hợp nhận đơn hàng, chuyển đơn hàng, giao hàng... tại nhiều nơi vẫn còn lụp chụp, quá tải khiến thời gian xử lý đơn hàng kéo dài, người dân khó mua được hàng hóa, thực phẩm cần thiết.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến phản ánh khó đặt được shipper giao hàng dù trong địa bàn nội quận hoặc đặt được nhưng chi phí cao gấp 3-4 lần so với trước khi giãn cách xã hội.

Qua quá trình phối hợp với quân đội thực hiện mô hình đi chợ thay người dân, đại diện Saigon Co.op kiến nghị các cơ quan chức năng cần xem xét bổ sung giấy đi đường cho đội ngũ giao hàng của các siêu thị để chở hàng tới các địa phương, nhằm giảm áp lực cho hệ thống vận chuyển công nghệ (shipper) và quân đội, nhất là đến các “vùng xanh”.

Siêu thị, sàn thương mại điện tử quá tải

Trong ngày 1/9, 2/9 nhiều sàn thương mại điện tử, siêu thị đã hoạt động trở lại, bắt đầu nhận đơn hàng online và... nhanh chóng quá tải.

AEON Việt Nam cho biết chỉ riêng siêu thị AEON Bình Tân, đã có một số thời điểm số lượng đơn quá tải, nhưng đáng tiếc số nhân viên giao hàng vẫn hạn chế nên nhiều đơn không được giao nhận.

Hiện hai siêu thị AEON tại TP.HCM mở lại kênh đi chợ online trên ứng dụng Grabmart và NowFresh (ShopeeFood), trước mắt chỉ giao ở khu vực quận Tân Phú và Bình Tân, đồng thời bán theo dạng combo chứ không bán lẻ từng món. Mỗi ngày một siêu thị có thể chuẩn bị và giao tối đa hơn 2.000 combo, chưa kể các sản phẩm khác.

Do đơn hàng được đại diện các khu vực tổng hợp và gửi đến siêu thị trước từ 1-2 ngày, hệ thống có thể chủ động đặt hàng tươi sống (rau, củ, quả, cá, thịt), từ đó tránh tình trạng tồn hàng, đồng thời bảo đảm sản phẩm luôn được tươi mới mỗi ngày.

Trong khi đó, đại diện Satra cũng cho biết đã đưa vào hoạt động trở lại 16 điểm bán trong chuỗi SatraFoods ngay khi được bổ sung, cấp phép giấy đi đường cho nhân viên bán lẻ. Dự kiến, đến ngày 5/9, sẽ có thêm 7 cửa hàng SatraFoods mở cửa trở lại, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo nền tảng ShopeFood, ngay khi dịch vụ Fresh (đi chợ) và Shopee Express Instant (giao hàng) chính thức được hoạt động nội quận tại TP Thủ Đức và 7 quận, huyện trong "vùng đỏ" ở TP.HCM, nền tảng này ghi nhận nhu cầu đặt hàng của người dùng tại TP.HCM là rất lớn.

Hiện hãng vẫn hỗ trợ người giao hàng cũng như người dùng đáp ứng nhu cầu mua sắm, giao nhận hàng hóa thiết yếu trong giai đoạn thành phố áp dụng nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội.

Đại diện sàn Lazada cho hay trong thời điểm hiện nay, sàn sẽ tập trung vào các mặt hàng được khách quan tâm nhiều nhất như ngành hàng bách hóa, thực phẩm tươi sống, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và ngành sách, văn phòng phẩm.

Theo các nhà bán lẻ, trong thời gian đầu hoạt động trở lại, số lượng shipper vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu của người dân, nên sẽ có đơn hàng bị hủy hoặc giao chậm sau 1-2 ngày.

Về việc cung ứng hàng hóa tại các địa phương, Sở Công Thương TP.HCM đã triển khai tới 22 quận, huyện, TP Thủ Đức yêu cầu soát việc cung ứng hàng hóa khi phân bổ tại địa bàn cho các điểm bán, siêu thị, cửa hàng và thông tin về Sở Công Thương khi có dấu hiệu quá tải để có sự điều chỉnh và phân bổ lại nguồn lực.

THANH PHƯỢNG (Tổng hợp)