'Không nên ép học sinh quá nhỏ tuổi học online'

Xã hội - Ngày đăng : 17:33, 31/08/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, cần những quyết định sao cho việc học không áp lực với trẻ, không nên ép học sinh quá nhỏ tuổi học online để đảm bảo tiến độ năm học.
Không nhất thiết phải bắt ép học sinh nhỏ tuổi học online để đảm bảo tiến độ năm học
Thực tế, trẻ sẽ không thể phát triển tốt nếu phụ thuộc quá mức vào công nghệ. Trẻ vẫn cần sống hòa nhập với thiên nhiên và cộng đồng. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Chỉ là giải pháp tạm thời

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Và theo nhiều người kỳ vọng, dạy học trực tuyến sẽ là giải pháp để chuyển đổi số trong giáo dục phát triển hơn.

Tuy nhiên, thực tế học online chỉ giúp trẻ đạt được 30% mục tiêu học tập. Đây chỉ có thể là hình thức học tạm thời thay thế trong điều kiện dịch bệnh. Rõ ràng, những vấn đề bất cập nảy sinh trong suốt thời gian qua cho thấy, học online không thể là hình thức học tập phù hợp, không thể thay thế toàn bộ học chính khóa. Thậm chí, việc học online kéo dài còn dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho trẻ hiện tại và trong tương lai.

Cụ thể, học online sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ. Ngồi quá nhiều trước các thiết bị điện tử sẽ có hại cho mắt, não và các bộ phận khác của cơ thể. Việc ngồi nhiều bên máy cũng khiến tâm lý trẻ không ổn định, dễ cáu gắt, giảm khả năng tập trung và trí nhớ.

Việc hướng dẫn trẻ cầm bút sao cho chuẩn, viết đúng từng nét chữ hay giúp trẻ phát triển các mối quan hệ xã hội trong lớp học qua online không phải việc dễ dàng. Những việc đó phải được diễn ra trực tiếp, phải hình thành qua cả quá trình lâu dài chứ không phải trong ngày một, ngày hai.

Để việc học tập đạt kết quả và giảm áp lực cho trẻ, nhà trường nên hướng việc học tập từ chỗ tuân theo sự hướng dẫn của giáo viên sang việc tự học, tự tìm kiếm thông tin, thu thập, phân tích và xử lý thông tin. Các phương pháp như xây dựng sơ đồ tư duy, đọc thêm sách tham khảo, tìm hiểu kiến thức thông qua các công việc cụ thể sẽ giúp trẻ học nhanh mà không chán.

Chưa kể thời gian làm việc phụ thuộc vào máy móc sẽ ngắn nhưng lại hiệu quả hơn. Thực tế, trẻ sẽ không thể phát triển tốt nếu phụ thuộc quá mức vào công nghệ. Trẻ vẫn cần sống hòa nhập với thiên nhiên và cộng đồng.

Những sức ép không nhỏ

Giáo viên cũng chịu những sức ép không nhỏ từ việc dạy online. Máy móc là phương tiện, cũng là vật cản trong dạy học online. Khi học sinh bật mic lên phát biểu thì lớp rất ồn và cô giáo không thể quản lớp, khó khăn trong việc tăng hiệu quả bài giảng.

Học sinh tự do điều khiển máy, tình trạng trẻ ngắt mic, ngắt camera của cô giáo, ngắt các kết nối diễn ra rất phổ biến. Thời gian quản lớp, ổn định lớp khi học online rất lâu, ảnh hưởng đến việc học tập rất nhiều.

Đó là chưa kể tình trạng trẻ lợi dụng việc học online để chơi điện tử, vào mạng xem phim, chat và làm các việc riêng khác rất phổ biến. Hiệu quả học online rất thấp và gây ức chế cho giáo viên.

Do đó, theo tôi việc học online chỉ có giá trị "chữa cháy" trong thời gian dịch bệnh kéo dài, là biện pháp tình thế giảm thiểu áp lực thời gian năm học. Hiệu quả việc học online không cao nhưng vẫn giúp các bạn nhỏ cập nhật phần nào tiến độ bài học. Vì thế, chúng ta chỉ nên hy vọng học online giúp các con trong khi chưa thể thực sự cắp sách tới trường.

Cần các yêu cầu học tập phù hợp

Phương pháp học mới ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ là thách thức không nhỏ đối với trẻ có hoàn cảnh khó khăn trong việc tiếp tục hành trình giáo dục. Do đó, sách luôn là giải pháp trong mọi hoàn cảnh.

Với những gia đình khó khăn, cho con đọc sách là phương án đơn giản và hiệu quả. Sách cũng có thể dễ dàng tìm kiếm được nhờ vào các chương trình trao đổi hoặc ủng hộ sách. Nếu các thầy cô giáo hướng trẻ đến với sách, mọi khó khăn sẽ vượt qua.

Có thể nói, đại dịch Covid-19 sẽ khiến việc học tập của trẻ bị gián đoạn nhiều. Các khoảng thời gian giãn cách sẽ gây ảnh hưởng đến lịch học trong năm của trẻ. Khó khăn là đương nhiên, nhiều mục tiêu học tập của trẻ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu nhìn lạc quan, ta vẫn thấy có một số cơ hội.

Học online không chỉ là bài toán giáo dục, nó còn là bài toán kinh tế, xã hội. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: "Có cần thiết tiến hành một khảo sát để hiểu rõ những khó khăn của các gia đình trong việc đáp ứng tiêu chuẩn về phương tiện vật chất khi con phải học online hay không?".

Theo tôi, với những trẻ nhỏ sống tại vùng sâu vùng xa, gia đình khó khăn thì việc học tập online đôi khi là điều không tưởng. Tuy nhiên, những trẻ sống tại các vùng đó lại có khoảng không gian trước, sau nhà rộng lớn, có điều kiện khám phá hơn các bạn nhỏ ở thành phố trong thời gian giãn cách.

Vì thế, giáo viên có thể sử dụng chính thế mạnh này để các con tranh thủ khám phá, tìm tòi kiến thức khoa học xung quanh. Việc học tập đơn giản như vẽ trên nền đất, ôn tập toán từ các công việc gia đình, ôn tập khoa học như chăm sóc vật nuôi, cây trồng, viết các bài văn miêu tả cảnh quan, con người xung quanh… Những việc ấy rõ ràng vẫn có thể thực hiện được nếu như giáo viên đề ra các yêu cầu phù hợp.

Với từng hoàn cảnh, chúng ta sẽ tìm được những cách thức tốt để giáo dục trẻ. Vì thế, câu chuyện xoay trở lại vấn đề cung cấp sách và các yêu cầu học tập phù hợp với điều kiện của từng gia đình.

Dịch bệnh phức tạp, cần những quyết định sao cho việc học không quá áp lực với trẻ, nhất là đối với trẻ lớp 1, lớp 2. Theo tôi, không nhất thiết phải bắt ép học sinh quá nhỏ tuổi học tập online chỉ để đảm bảo tiến độ năm học. Việc học tuy không liền mạch nhưng không vì thế mà khiến trẻ mất đi các cơ hội trong cuộc đời.

Đôi khi, trong hoàn cảnh này, chúng ta cần kiên nhẫn để hiểu trẻ hơn, có thể giúp trẻ theo đuổi mục tiêu dài hơi.

TS. Vũ Thu Hương