Giáo viên là một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công của giáo dục

Xã hội - Ngày đăng : 17:55, 30/08/2021

Tại Hội nghị tổng kết ngành giáo dục, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội cho rằng, giáo viên là một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công của giáo dục. Do vậy, phải có cơ chế chính sách và môi trường tốt để nhà giáo phát huy hết năng lực, tâm huyết.
Không phải chi nhiều tiền thì thành công hơn trong giáo dục
GS.TS Nguyễn Văn Minh nhận định, giáo viên là một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công của giáo dục.

GS. Minh cho rằng, không phải chi nhiều tiền hơn thì thành công hơn trong giáo dục, dẫu ai cũng biết rằng, không có nguồn lực tài chính thì khó làm được việc gì cả, vấn đề là cách thức sử dụng nguồn tài chính đó một cách hiệu quả.

Singapore chi ít hơn cho mỗi đầu học sinh so với hầu hết các nước giàu khác nhưng giáo dục của họ thì đáng học hỏi. Cũng không phải là học nhiều hơn thì thành công hơn. Học sinh Phần Lan bắt đầu đi học muộn hơn (7 tuổi bắt đầu học lớp 1) và thời gian học trên lớp ít hơn so với các nước giàu khác, nhưng các nước luôn dẫn đầu trong phát triển giáo dục, đó là Phần Lan, Canada, Nhật, Singapore và Hàn Quốc. Các nước này thu nhập của giáo viên thuộc hạng cao trong xã hội".

Từ những chia sẻ trên, GS.TS Nguyễn Văn Minh đề xuất nhiều vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục.

Phải có những nhà giáo giỏi nhất, tâm huyết nhất

GS Nguyễn Văn Minh cho rằng, điều này không phải mới, điều này ai cũng biết, nhưng chúng ta vẫn lúng túng. Giáo viên là một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công của giáo dục.

Phần Lan là một minh chứng; Singapore duy trì quản lí tập trung hệ thống đào tạo giáo viên; Đài Loan (Trung Quốc) cũng có cách tương tự, họ chọn trong số 30% học sinh xuất sắc để xét đăng kí vào đào tạo sư phạm trên cơ sở nhu cầu của ngành giáo dục; sau khi tốt nghiệp sẽ phân bổ đến các trường.

Theo GS Minh, trước đây chúng ta có chính sách miễn học phí, gần đây chúng ta có Nghị định 116; Bộ GD&ĐT cũng đã có những dự báo khá cơ bản về nhu cầu và có những hướng dẫn. Một trong các việc quan trọng, đó là sự phối hợp của UBND các tỉnh, họ cần công khai nhu cầu tuyển dụng, thiếu thông tin này người học sẽ băn khoăn.

"Nghị định 116 thể hiện một chính sách kịp thời và tiến bộ, nhưng đó mới là điều kiện cần, điều kiện đủ phải là vị trí việc làm và chế độ chính sách, môi trường, cách thức làm việc để họ phát huy hết năng lực của họ. Điều kiện đủ phải bắt đầu từ các UBND các tỉnh, từ Bộ Nội vụ", GS Minh nhấn mạnh.

Phải có cơ chế chính sách và môi trường tốt

Nói đến cách thức quản lý trường học, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng: Phải có cơ chế chính sách và môi trường tốt để nhà giáo phát huy hết năng lực, tâm huyết với thiên chức cao quý của họ.

Trong thực tế, không ít cơ sở giáo dục đã hành chính hóa trong điều hành công tác giáo dục, công tác dạy và học. Nội dung chương trình phải chuẩn, người dạy phải đáp ứng những yêu cầu đó, nhưng mỗi người có một cách dạy khác nhau phù hợp với các đối tượng khác nhau; có không ít nơi "khuôn mẫu hóa" khiến tâm lý tuân thủ đặt cao hơn sự sáng tạo.

Những gì diễn ra trong trường học hôm nay chính là hiện thân của xã hội trong tương lai. Muốn học sinh sau này sáng tạo thì người thầy phải được sáng tạo trước. Ai cũng nhận thức được rằng, đất nước ta còn nghèo, nhưng muốn phát triển phải đầu tư để có nguồn nhân lực tốt, và không có cách nào tốt hơn là đầu tư cho giáo dục, trong đó có nhà giáo. Lao động nào cũng đáng quý, khi nó là chân chính.

Sự đánh đồng lao động của một nhà hoạch định chính sách, một nhà nghiên cứu, một nhà giáo theo cách tính cơ học thì nên tư duy lại. Đây là cơ sở căn cốt nhất để đưa ra chính sách tiền lương, chế độ cho họ.

Điều này cũng đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết 29: "Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng."

Nếu chỉ đạo này được hiện thực hóa thì chắc chắn sự nghiệp giáo dục sẽ có những bước chuyển quan trọng. Chính phủ đã dành nhiều nguồn để kiên cố hóa trường học, dành cho trang thiết bị, nhưng nếu mạnh dạn đầu tư cho thầy cô để những người giỏi vào nghề, tâm huyết và yên tâm công tác thì chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ khác hẳn".

Bình đẳng trong tiếp cận giáo dục

Theo GS Minh, trong 5 năm qua, một bằng chứng rất rõ là từ kỳ thi tốt nghiệp, mặt bằng chung của các tỉnh miền núi, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên vẫn cho chúng ta những trăn trở. Ngoài việc Nhà nước ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, đến lúc cần đầu tư nhân lực.

"Trong năm qua, tôi đã đến một số tỉnh miền núi phía Bắc, họ thiếu nguồn giáo viên tin học, ngoại ngữ trầm trọng. Trước đây, chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc phân công công tác giáo viên và đã có nhiều tác động tích cực về phát triển giáo dục miền núi, vùng khó khăn. Nghiên cứu để có chính sách cho vấn đề này là rất cần thiết nhằm từng bước phát triển giáo dục các vùng này và chỉ có thế mới có thể tạo ra sự tiếp cận bình đẳng trong giáo dục", GS Minh nói.

Sớm triển khai quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm

Nghị quyết 29 đã nhấn mạnh: "Phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm; khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo".

Chính phủ đã có QĐ số 1292/QĐ-TTg ngày 24/8/2020 về việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT. Tính đến tháng 7/2017, cả nước có 13 cơ sở GDĐH đào tạo chuyên về sư phạm và 61 cơ sở GDĐH đa ngành có đào tạo sư phạm và một số cơ sở khác.

GS. Minh cho rằng, số lượng trường đông nhưng không mạnh. Chúng ta thiếu một số cơ sở có tính đầu tàu, thiếu cơ sở đại học sư phạm có tầm nghiên cứu tư vấn. Chính vì vậy, mỗi lần cải cách, đổi mới là gặp phải sự lúng túng. Với số lượng nêu trên, khó mà có đầu tư trọng điểm, như nhà nghèo đông con.

GS. Minh kiến nghị, khi thực hiện quy hoạch các trường sư phạm cần lưu ý giải quyết vấn đề quy hoạch cần phải tính đến các đặc điểm bối cảnh hiện nay; Quy hoạch cần xem xét đến yếu tố địa lý, kinh tế xã hội của từng vùng, miền trong mối tương quan với các cơ sở trọng điểm; Quy hoạch nhằm mục đích ổn định, phát triển và tạo ra đột phá và Quy hoạch phải dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.

Nhật Hồng