TS. Giáp Văn Dương: 'Không nhất thiết phải cho trẻ lớp 1, lớp 2 học trực tuyến bằng mọi giá'

Xã hội - Ngày đăng : 16:25, 30/08/2021

Chuyên gia giáo dục, TS. Giáp Văn Dương - Chủ tịch Hội đồng giáo dục của Trường Tiểu học Times School nêu quan điểm, không nhất thiết phải cho trẻ lớp 1, lớp 2 'đến trường', tức học trực tuyến bằng mọi giá. Bởi lẽ, ở vùng sâu vùng xa hoặc các khu vực nông thôn còn khó khăn, không thể dạy học trực tuyến do học sinh và gia đình chưa có đủ phương tiện.
Dạy học trực tuyến là một thách thức của ngành giáo dục
TS. Giáp Văn Dương cho rằng, đừng để dạy học trực tuyến trở thành sự đối phó, mà hãy xem đây là lựa chọn giáo dục mới.

Là một chuyên gia giáo dục, ông nhận định thế nào về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến lĩnh vực giáo dục thời gian qua?

Trong gần hai năm vừa qua, Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của ngành giáo dục. Rõ thấy nhất là học sinh phải nghỉ học nhiều tháng ở nhà để tránh dịch. Hình thức học tập và kiểm tra đánh giá cũng thay đổi. Chưa kể, kế hoạch giáo dục cũng phải điều chỉnh rất nhiều.

Nhưng nếu so với các ngành khác như du lịch, nhà hàng, khách sạn… thì ngành giáo dục chịu ảnh ảnh hưởng ít hơn nhiều. Trừ khối giáo dục tư phải tự lo, thì ngành giáo dục hoạt động nhờ ngân sách Nhà nước.

Kế hoạch giáo dục cũng không có tính cấp bách, có thể "co giãn" cả tháng trời. Chưa kể, ngành giáo dục có thể triển khai dạy và học trực tuyến như một lựa chọn mới trong việc đối phó với đại dịch.

Những điều này đã giúp cho ngành giáo dục có sự chủ động lớn hơn so với các ngành khác. Vì vậy, về tổng thể, dịch Covid-19 có gây ảnh hưởng lớn và tiêu cực đến ngành giáo dục, làm giảm chất lượng và gây ra nhiều khó khăn trong vận hành của các nhà trường. Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch đến giáo dục không lớn như đối với các ngành y tế, du lịch, khách sạn, nhà hàng…

"Ứng dụng công nghệ trong giáo dục, cụ thể là dạy học trực tuyến, đang là vũ khí chính giúp ngành giáo dục chống đỡ đại dịch. Về dài hạn, bên cạnh chất lượng của người thầy, thì công nghệ chính là giải pháp và chìa khóa giúp giáo dục phát triển nhanh và bền vững hơn, cũng là điều kiện để tạo ra những công dân thạo việc sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của xã hội".

Ngoài ra, ngành giáo dục may mắn vì còn có các phụ huynh đồng hành trong suốt quá trình dạy và học. Vì thế, ngành giáo dục cần tận dụng các thuận lợi này để vượt lên trong đại dịch.

Công nghệ có giúp các đơn vị giáo dục vượt qua khó khăn và phát triển lâu dài?

Một trong những lợi thế của ngành giáo dục khi đối phó với đại dịch chính là lựa chọn dạy và học trực tuyến. Đây là sự may mắn mà không phải ngành nào cũng có được.

Chẳng hạn, với ngành y tế, chúng ta đang chứng kiến sự quá tải của hệ thống y tế, vì người dân phải đến bệnh viện, phải được sử dụng các trang thiết bị y tế, điều trị bởi thuốc men dưới sự theo dõi và chỉ đạo của bác sĩ chứ không thể chữa bệnh trực tuyến được.

Chúng ta cũng không thể kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng… trực tuyến như dạy học trực tuyến trong giáo dục. Vì thế, ứng dụng công nghệ trong giáo dục, cụ thể là dạy học trực tuyến, đang là "vũ khí" chính giúp ngành giáo dục chống đỡ đại dịch.

Về dài hạn, bên cạnh chất lượng của người thầy, thì công nghệ chính là giải pháp và chìa khóa giúp giáo dục phát triển nhanh và bền vững hơn, cũng là điều kiện để tạo ra những công dân thạo việc sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của xã hội.

Trẻ có những thế mạnh nào để thích nghi với những thay đổi trong phương thức tiếp cận giáo dục, trong đó có việc chuyển sang học online?

Từ thực tế làm giáo dục, cả trong trường phổ thông và trong gia đình, tôi thấy trẻ nhỏ thích nghi với việc học trực tuyến rất nhanh. Chỉ sau 1-2 buổi, các con đã thành thạo việc đăng nhập, làm chủ thiết bị học tập trực tuyến.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là phương pháp sư phạm và nội dung chương trình còn chưa phù hợp với hình thức dạy và học trực tuyến.

"Cả thầy và trò cần ý thức mình đang trong một hình thức học tập mới, để lắng nghe nhau, điều chỉnh nhau, điều chỉnh chính mình, sao cho việc dạy và học hiệu quả hơn".

Hiện nay, cả chương trình và phương pháp dạy học trực tuyến vẫn giữ nguyên như cũ, làm cho thời gian học trực tuyến quá dài, gây ra sự mệt mỏi cho học sinh và giảm chất lượng giáo dục nói chung.

Nếu không tháo gỡ được hai nội dung này thì dạy học trực tuyến sẽ mãi là một sự đối phó, mà không thể chuyển mình thành một lựa chọn giáo dục mới.

Vai trò của phụ huynh và giáo viên trong việc hỗ trợ học sinh tiếp cận các phương pháp giáo dục mới là gì, thưa ông?

Với dạy học trực tuyến, hình thức dạy và học phù hợp nhất là dạy và học qua dự án. Khi đó, giáo viên và phụ huynh sẽ đóng vai trò là người hỗ trợ học sinh hoàn thành các dự án học tập.

Dạy học trực tuyến là một thách thức của ngành giáo dục
“Dừng đến trường nhưng không dừng việc học” là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, khi triển khai vào thực tế thì cần phải xét các điều kiện cụ thể của từng nơi, từng trường. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Tuy nhiên, việc dạy và học trực tuyến vẫn triển khai theo cách cũ, giống hệt cách học ở trên lớp ngày thường. Bản thân cách dạy và học cũ đã không còn phù hợp, nay chuyển sang trực tuyến, lại càng kém hiệu quả.

Do đó, thay đổi phương pháp dạy học trực tuyến, cấu trúc lại nội dung chương trình, để phụ huynh và giáo viên trở thành những người hướng dẫn và hỗ trợ học sinh học trực tuyến, là một trong những thách thức của ngành giáo dục.

Giáo viên cũng chịu những sức ép không nhỏ từ việc dạy online. Việc dạy và học trực tuyến sẽ gặp những khó khăn gì? Cả thầy lẫn trò phải thay đổi để thích nghi với giáo dục trực tuyến?

Dạy online, giáo viên có những thuận lợi và khó khăn riêng. Thuận lợi là có nhiều công cụ và học liệu để khai thác sử dụng cho tiết dạy. Nhưng khó khăn là việc khai thác sao cho hiệu quả và làm sao để duy trì hứng thú cho học sinh khi học.

Kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy, thời gian soạn bài giảng trực tuyến thường mất gấp đôi so với soạn bài dạy trực tiếp. Còn duy trì sự hứng thú của học sinh thì khó khăn hơn rất nhiều.

Vì thế, cả thầy và trò cần ý thức mình đang trong một hình thức học tập mới, để lắng nghe nhau, điều chỉnh nhau, điều chỉnh chính mình, sao cho việc dạy và học hiệu quả hơn.

Liệu chúng ta có phải nhất quyết cho trẻ lớp 1, lớp 2 "đến trường" bằng mọi giá để đạt tiến độ năm học hay không?

“Dừng đến trường nhưng không dừng việc học” là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, khi triển khai vào thực tế thì cần phải xét các điều kiện cụ thể của từng nơi, từng trường.

Ví dụ, ở vùng sâu vùng xa hoặc các khu vực nông thôn còn khó khăn không thể dạy học trực tuyến do học sinh và gia đình không có đủ phương tiện.

Do đó, không nhất thiết phải cho trẻ lớp 1, lớp 2 “đến trường”, tức học trực tuyến bằng mọi giá. Nhưng nếu các điều kiện sẵn sàng thì có thể cho trẻ học trực tuyến, với thời lượng vừa phải, và nội dung được điều chỉnh, cắt giảm sao cho phù hợp.

Điều quan trọng nhất không phải là có học hay không, mà là điều kiện có sẵn sàng hay không; nội dung, thời lượng và phương pháp được điều chỉnh ra sao cho hiệu quả.

Chuẩn bị bước vào năm học mới, ông có lời khuyên nào cho phụ huynh trong việc đồng hành với con trong mùa dịch?

Đại dịch là một thực tế mà chúng ta phải đối mặt. Điều quan trọng nhất là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch để không bị dính virus, giữ sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần cho cả gia đình.

Sau đó là tranh thủ dạy con những gì mà nhà trường không dạy, như kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhà… Cuối cùng, là đồng hành cùng con trong việc học trực tuyến, để con không cảm thấy đơn độc và bị bỏ lại phía sau trong một hình thức học tập mới.

Xin cảm ơn ông!

Phi Khanh