Cập nhật Covid-19 ngày 27/8: EU cảnh báo về tiêm vaccine mũi 3; tiêm chủng cứu hơn 100.000 người khỏi 'cửa tử' ở Anh; khẩu trang diệt virus SARS-CoV-2

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:35, 27/08/2021

Baoquocte.vn. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận gần 215,5 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có xấp xỉ 4,49 triệu trường hợp tử vong và hơn 192,6 triệu bệnh nhân bình phục.
Chương trình tiêm chủng của Anh đã ngăn ngừa hơn 100.000 ca tử vong do Covid-19 tại nước này. (Nguồn: WSJ)
Chương trình tiêm chủng của Anh đã ngăn ngừa hơn 100.000 ca tử vong do Covid-19 tại nước này. (Nguồn: WSJ)

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có hơn 703.000 ca mới và gần 10.650 ca tử vong.

Trong đó, Mỹ cao nhất khi chiếm tới gần 164.764 ca mới, tiếp sau là Ấn Độ (44.558 ca), Anh (38.281 ca), Iran (36.758 ca).

Về số ca tử vong do Covid-19, trong 24 giờ qua, Mỹ cũng là quốc gia có số bệnh nhân không qua khỏi cao nhất, 1.183 ca.

Tính trên toàn thế giới, số ca mắc Covid-19 mới trong 7 ngày qua đã tăng 0,4% so với tuần trước đó, trong đó, khu vực Bắc Mỹ tăng tới 9%, châu Âu tăng 3%, còn châu Á giảm 3%, Nam Mỹ giảm 10%, châu Phi giảm 9% và châu Đại Dương giảm 2%.

* Tại châu Mỹ

Tại Mỹ, Thống đốc bang Illinois J.B. Pritzker đã ban hành quy định bắt buộc tiêm vaccine đối với toàn bộ người làm trong ngành giáo dục và y tế.

Bang Illinois đồng thời siết chặt quy định phòng chống dịch, bắt buộc mọi người từ 2 tuổi trở lên đều phải đeo khẩu trang trong không gian kín.

Nhiều cơ quan bộ ngành của Mỹ cũng ban hành quy định bắt buộc nhân viên tiêm chủng.

Mỹ hiện là quốc gia có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới với 39,33 triệu ca mắc và gần 652.000 ca tử vong.

Trong 7 ngày qua, nước này ghi nhận thêm 1,07 triệu ca nhiễm, tăng 9% so với tuần trước đó.

Ngày 26/8, Mexico đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Sinopharm (Trung Quốc) sau khi đánh giá chất lượng, tính an toàn và hiệu quả của chế phẩm này.

Mexico đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trước tình trạng số ca nhiễm mới và tử vong tăng mạnh trở lại, bình quân 20.000 ca nhiễm mới/ngày và gần 800 ca tử vong/ngày.

Quốc gia Nam Mỹ này đã tiếp nhận trên 90 triệu liều vaccine Covid-19 và tiêm cho gần 57 triệu người, trong số này trên 31,7 triệu người hoàn thành tiêm chủng.

Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học quốc gia Mexico (UNAM) đã sáng tạo ra loại khẩu trang có khả năng tiêu diệt Covid-19 bằng việc sử dụng các lớp nano bạc và đồng.

Khẩu trang 3 lớp mới được phát triển có tên gọi SakCu. Nghiên cứu chỉ ra rằng khi tiếp xúc với lớp nano bạc-đồng, màng SARS-CoV-2 bị vỡ và RNA của virus bị triệt tiêu.

Loại khẩu trang này có thể tái sử dụng và giặt rửa lên đến 10 lần mà không làm mất đi khả năng diệt khuẩn. Điều đáng tiếc, UNAM hiện chỉ có khả năng sản xuất 200 chiếc/ngày.

* Tại châu Âu

Những nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) quyết định khuyến nghị tiêm mũi vaccine thứ 3 tăng cường có thể sẽ phải đối mặt với các rủi ro pháp lý vì hiện Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) chưa phê chuẩn tiêm mũi này.

Hiện nay, 8 nước châu Âu đã khuyến nghị tiêm mũi tăng cường và hơn 10 nước khác sẽ sớm có hành động tương tự.

Anh thông báo sẽ bổ sung Thái Lan và Montenegro vào "danh sách đỏ" buộc những người từ hai nước này khi trở về Anh phải cách ly trong khách sạn.

Trong khi đó, "danh sách Xanh" không phải cách ly bắt buộc sẽ được bổ sung Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Lithuania, Thụy Sỹ, Liechtenstein...

Số liệu của Cơ quan Y tế Công cộng England (PHE) công bố ngày 26/8 cho thấy chương trình tiêm chủng của Anh đã ngăn ngừa hơn 100.000 ca tử vong do Covid-19.

Cụ thể, ước tính chương trình tiêm chủng đã trực tiếp ngăn chặn từ 102.500 đến 109.500 trường hợp tử vong, cao hơn con số ước tính từ 91.700 đến 98.700 ca trước đó.

Khoảng 82.100 ca nhập viện cũng đã được ngăn chặn nhờ tiêm chủng. Đây là minh chứng cho hiệu quả của chương trình tiêm chủng.

Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho rằng làn sóng dịch bệnh thứ 4 tại nước này vẫn chưa qua đi, đồng thời hối thúc người dân nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch tại thời điểm học sinh tựu trường đón năm học mới.

Ngày 26/8, hãng dược phẩm Rovi của Tây Ban Nha - một trong những cơ sở sản xuất vaccine Moderna, khẳng định đến nay không phát hiện bất kỳ vấn đề nào liên quan ảnh hưởng đến tính an toàn và hiệu quả của loại vaccine này.

Trước đó, Nhật Bản quyết định đình chỉ sử dụng 1,63 triệu liều vaccine của Moderna do nhận được báo cáo về các lọ vaccine bị cho là có tạp chất lạ.

Rovi cho rằng vấn đề có thể nằm ở một trong những dây chuyền sản xuất của hãng. Hiện Rovi đang tiến hành điều tra vụ việc.

Trong khi đó, Slovakia quyết định các hạn chế nghiêm ngặt hơn sẽ được áp dụng từ tuần tới đối với 14 trên tổng số 79 huyện do sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng trở lại.

Slovakia đã xác nhận 161 trường hợp nhiễm mới vào ngày 25/8, đây là mức tăng hằng ngày cao nhất trong ba tháng qua ở đất nước có dân số 5 triệu người.

* Tại châu Phi

Ngày 26/8, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ gửi hơn 2 triệu liều vaccine Covid-19 hỗ trợ 3 nước châu Phi là Algeria, Ghana và Yemen đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ ba.

Dự kiến, các lô vaccine trên sẽ đến châu Phi vào cuối tuần này. Đây sẽ là đợt viện trợ vaccine đầu tiên của Mỹ cho cả 3 nước này.

Ngoài ra, Mỹ gần đây đã viện trợ vaccine cho nhiều nước khác ở châu Phi như Nigeria và Nam Phi.

Châu Phi hiện đang trong làn sóng lây nhiễm thứ ba và đang nỗ lực thúc đẩy các chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng. Đến nay, mới chỉ có gần 2% người dân châu lục này đã được tiêm phòng.

Với dân số 32 triệu người, ban đầu, Ghana được ca ngợi là mô hình ứng phó hiệu quả với dịch bệnh khi đã huy động cả máy bay không người lái để vận chuyển vaccine đến các vùng sâu vùng xa.

Ghana cũng là nước đầu tiên nhận vaccine thông qua cơ chế COVAX vào tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, hiện chưa đến 3% dân số nước này được tiêm đủ vaccine.

* Tại châu Á

Từ tuần tới, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ quy định hạn chế nhập cảnh đối với hành khách đến từ các nước Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Schengen.

Quyết định này cũng sẽ cho phép người mang hộ chiếu Hàn Quốc được miễn thị thực với thời hạn lưu trú lên đến 90 ngày khi nhập cảnh các quốc gia EU và Khu vực Schengen.

Theo một nghiên cứu mới đây của Trung Quốc, các triệu chứng như mệt mỏi và khó thở vẫn ảnh hưởng tới nhiều bệnh nhân 1 năm sau khi phải nhập viện vì căn bệnh này.

Nghiên cứu cho biết một nửa số bệnh nhân vẫn phải chịu đựng ít nhất 1 triệu chứng (hầu hết là mệt mỏi hoặc yếu cơ) kéo dài 12 tháng sau khi ra viện.

Khoảng 1/3 bệnh nhân vẫn còn biểu hiện khó thở trong thời gian đó. Con số này thậm chí còn cao hơn ở các bệnh nhân bị nặng hơn.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi gần 1.300 người phải nhập viện vì Covid-19 từ tháng 1-5/2020 tại thành phố Vũ Hán, nơi đầu tiên bị tác động của đại dịch.

Huyền Trâm