Chuyện giành giật kim chi của người Hàn Quốc và Trung Quốc

Ẩm thực - Ngày đăng : 15:39, 21/08/2021

Các quan chức Hàn Quốc đã nỗ lực suốt nhiều năm để phân biệt rạch ròi kim chi của họ với phiên bản tương tự tại Trung Quốc.

Tranh cãi về kim chi đã tạo nên một cuộc chiến ngầm giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong tháng 7, phía Hàn Quốc thể hiện sự cứng rắn khi đưa ra những hướng dẫn sửa đổi chính thức về ngôn ngữ nước ngoài cho một số món ăn nước này.

Kim chi được chú ý nhiều hơn cả khi phía Hàn Quốc quy định xinqi là tên chính thức của món này tại Trung Quốc, thay cho pao cai (rau muối lên men) mà đất nước tỷ dân vẫn hay dùng.

Rạch ròi xinqi và pao cai

Đầu tiên phải nói đến việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc không tìm được từ có ký tự Trung Quốc phù hợp để miêu tả kim chi. Phía Bộ Nông nghiệp nước này cũng cho biết đã xem xét khoảng 4.000 ký tự tiếng Trung trước khi quyết định chọn xinqi.

Từ này có cách phát âm gần kim chi nhất. Nó được cấu tạo từ hai chữ tiếng Hán là "xin" (cay) và "qi" (độc đáo).

Chuyện giành giật kim chi của người Hàn Quốc và Trung Quốc-1
Kim chi tạo nên cuộc tranh cãi văn hóa dai dẳng giữa cư dân mạng 2 nước. Ảnh: iStock.

Với tên gọi này, Seoul hy vọng sẽ rạch ròi 2 khái niệm kim chi và rau ngâm của Trung Quốc. Từ pao cai vẫn được người Trung Quốc dùng để gọi kim chi và điều này gây nên sự hiểu nhầm lớn về văn hóa.

Về bản chất, kim chi có cách làm tương đối giống pao cai nên vẫn thường bị nhầm lẫn. Tại Hàn Quốc, kim chi là cách gọi chung cho hơn 100 loại rau được làm theo hình thức lên men. Tuy nhiên, nó nổi tiếng khắp thế giới với cải thảo lên men, trộn cùng gia vị như ớt bột, tỏi, gừng...

Trong khi đó, pao cai lại có nghĩa rau ngâm trong tiếng Trung Quốc. Nó chỉ các loại rau (cải bắp, cà rốt...) được ngâm trong dung dịch nước muối, có hoặc không có gia vị. Món này sẽ được lên men ở nhiệt độ phòng.

Tranh luận nổ ra

Năm 2020, Bắc Kinh nhận được chứng nhận từ Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) cho pao cai. Ngay sau đó, nhiều tờ báo Trung Quốc đã gọi đây là "tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp kim chi do Trung Quốc dẫn đầu".

Dù vậy, ISO đã bác bỏ quan điểm này và chỉ rõ đây là chứng nhận cho pao cai, không phải kim chi. Cuộc tranh luận gay gắt giữa dân mạng 2 nước đã diễn ra. Nhiều người Hàn Quốc gọi đây là chiêu trò "chiếm dụng văn hóa" và "cưỡng bức kinh tế".

Chuyện giành giật kim chi của người Hàn Quốc và Trung Quốc-2
Kim chi và pao cai có những điểm tương đồng. 

Điều này buộc Hàn Quốc phải làm rõ khái niệm kim chi trong tiếng Trung Quốc với thuật ngữ xinqi thay vì để lẫn lộn với pao cai.

Theo CNN, đây không phải lần đầu Hàn Quốc nỗ lực làm điều này. Năm 2013, Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc đã cố gắng tìm một cái tên mới cho kim chi tại thị trường Trung Quốc. Thời điểm đó, nhiều sản phẩm kim chi do Trung Quốc sản xuất được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, trong đó có cả Hàn Quốc.

Kể từ năm 2006, Hàn Quốc đã bị thâm hụt thương mại kim chi với Trung Quốc. Trong giai đoạn năm 2007 đến năm 2011, nhập khẩu kim chi từ Trung Quốc của Hàn Quốc đã tăng ít nhất 10 lần.

Năm 2017, thông tin từ hải quan nước này cho biết Hàn Quốc đã nhập khẩu 275.631 tấn kim chi trong khi chỉ xuất khẩu được 24.311 tấn. 99% lượng kim chi nhập khẩu đến từ Trung Quốc.

Trở lại năm 2013, khi thông tin Hàn Quốc tìm tên gọi mới cho kim chi ở Trung Quốc được đưa ra. Phản ứng nhận được từ phía Trung Quốc là rất dữ dội. Họ không chấp nhận cái tên xinqi mà nhất quyết gọi là pao cai.

Chuyện giành giật kim chi của người Hàn Quốc và Trung Quốc-3
Hàn Quốc nỗ lực thay đổi khái niệm kim chi ở Trung Quốc. Ảnh: One More Thing.

Cũng trong năm đó, Hàn Quốc thành công trong việc đưa "kimjang" - truyền thống làm kim chi - vào danh sách Di sản Phi vật thể của UNESCO. Nỗ lực này giúp kim chi thực sự trở thành niềm tự hào văn hóa của Hàn Quốc.

"Kim chi là quốc ẩm của Hàn Quốc. Không chỉ vì người Hàn Quốc ăn nó trong hầu hết bữa mà còn bởi đây là món ăn Hàn Quốc nổi tiếng nhất thế giới. Nhiều người phương Tây không phân biệt nổi gimbap và sushi nhưng đều biết kim chi đến từ Hàn Quốc", Elaine Chung - giảng viên Nghiên cứu Trung Quốc tại đại học Cardiff và là nhà nghiên cứu Đông Á - nhấn mạnh.

Theo cô, câu chuyện xinqi và pao cai đã khiến những cuộc tranh luận trở nên căng thẳng hơn giữa dân mạng Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc chính phủ công bố tên gọi mới là cách họ thể hiện với người dân mình đang đấu tranh giành lại bản quyền kim chi.

Không chỉ là câu chuyện văn hóa

Tranh cãi không chỉ dừng lại ở những cuộc đấu đá giữa dân mạng. Kim chi và pao cai thực sự khiến nhiều người đứng giữa gặp khó vì đủ thứ lý do.

Tờ CNN gọi đây là "xung đột vượt biên giới ẩm thực, lấn sang giải trí lẫn kinh doanh".

Cây viết Maggie Hiufu Wong của CNN dẫn chứng việc xây dựng khu phố người Hoa ở Gangwon đã phải tạm hoãn vào tháng 4 cũng vì câu chuyện kim chi. Hàng nghìn cư dân mạng đã ký vào văn bản kiến nghị.

Trong khi đó, bộ phim truyền hình Joseon Exorcist đã bị dẹp bỏ chỉ sau 2 tập. Lý do là công chúng Hàn Quốc không thích những cảnh nhân vật chính mặc đồ Trung Quốc, uống rượu Trung Quốc hay ăn đồ ăn Trung Quốc như bánh Trung thu, bánh bao...

Chuyện giành giật kim chi của người Hàn Quốc và Trung Quốc-4
Nhiều người bị cuốn vào cuộc tranh cãi kim chi, pao cai. Ảnh: BTS Story.

BTS, nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc, cũng bị cuốn vào vòng xoáy này. Trong lần nhóm tham gia một chương trình hồi tháng 6, ban biên tập đã dịch kim chi thành pao cai khiến dân mạng phẫn nộ. Họ nói đây là hành động tiếp tay quảng bá pao cai cho Trung Quốc.

Đại diện Naver, công cụ tìm kiếm lớn nhất Hàn Quốc và là nền tảng trực tuyến đứng đằng sau chương trình, giải thích bản dịch tuân theo hướng dẫn mới nhất do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cung cấp.

"Chúng tôi sẽ thay đổi phụ đề có vấn đề sau khi nhận được hướng dẫn mới", một phát ngôn viên của Naver nói với Korea Herald sau vụ việc.

Khoảng một tháng sau, Bộ đã ban hành hướng dẫn mới về xinqi - chính thức tuyên bố sự khác biệt giữa 2 khái niệm.

Phía Naver cũng đã sửa đổi bản dịch tiếng Trung từ pao cai thành xinqi. Website tiếng Trung của Bibigo - thương hiệu thực phẩm toàn cầu của Hàn Quốc - cũng đã sửa đổi theo hướng dẫn.

Cư dân mạng Trung Quốc không thấy thích thú với điều này. Các bình luận trên Weibo hầu hết đều mang tính tiêu cực. Nhiều ý kiến nói họ từ chối sử dụng từ xinqi vì kim chi là món ăn chịu ảnh hưởng từ pao cai của Trung Quốc.

Số khác nói họ biết 2 món có những điểm khác nhau nhưng không thích cách Hàn Quốc dịch kim chi sang tiếng Trung.

"Tôi không hiểu sao chúng ta phải quan tâm bản dịch xinqi do người Hàn đề xuất. Ngôn ngữ chẳng phải phát triển theo thói quen người dùng sao", một tài khoản nói.

Chuyện giành giật kim chi của người Hàn Quốc và Trung Quốc-5
Thuật ngữ xinqi bị nhận xét vô nghĩa, khó thay thế pao cai. Ảnh: LatestNY.

Theo giảng viên Chung, Hàn Quốc thất bại trong nỗ lực đổi tên kim chi trong tiếng Trung do người Trung Quốc không sử dụng thuật ngữ này. Câu chuyện hiện tại cũng không mấy sáng sủa hơn.

Chung nói: "Thật khó để thuyết phục người Trung Quốc đồng ý. Trong tiếng Trung Quốc, 2 ký tự này chẳng có ý nghĩa gì để thay thế thuật ngữ họ đã dùng suốt nhiều năm".

Mặt khác, cái tên xinqi có thể cũng không được chấp nhận hợp pháp ở Trung Quốc. Dù đề xuất đổi tên, văn bản do Chính phủ Hàn Quốc cũng lưu ý các công ty xuất khẩu kim chi sang Trung Quốc phải thận trọng. Luật pháp Trung Quốc quy định các sản phẩm phải sử dụng cái tên quen thuộc với người tiêu dùng nước này.

Điều đó có nghĩa các doanh nghiệp có thể không phải sử dụng từ xinqi thay cho pao cai quen thuộc khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến nói Hàn Quốc mới là những kẻ đang cố "chiếm dụng văn hóa" khi thay thế thuật ngữ pao cai bằng xinqi.

Kim Byeong-gi, Giáo sư đã nghỉ hưu tại Đại học Quốc gia Jeonbuk của Hàn Quốc, nói cái tên mới hoàn toàn vô lý. "Chính phủ thật sai lầm khi tự ý áp đặt thuật ngữ lạ xinqi để quảng bá kim chi và phân biệt nó với món pao cai của Trung Quốc", ông Kim nói.

Những nỗ lực của Hàn Quốc liệu có thành công không vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, theo giảng viên Chung, nó cũng chẳng có tác dụng gì trong việc kết thúc cuộc tranh cãi văn hóa hiện nay.

Theo Zing