Tình hình Afghanistan: Trung Quốc nghĩ suy khi Kabul thất thủ

Đối ngoại - Ngày đăng : 15:00, 20/08/2021

Baoquocte.vn. Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với Mỹ để đảm bảo “hạ cánh mềm” ở Afghanistan, song vẫn cân nhắc xây dựng quan hệ tốt hơn với Taliban.
Trung Quốc lên tiếng về hậu quả về việc Mỹ rút quân khỏi ở Afghanistan
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã xúc tiến điện đàm với người đồng cấp Mỹ và Nga về tình hình tại Afghanistan. (Nguồn: fmprc.gov.cn)

“Nhộn nhịp” điện đàm

Các nhà ngoại giao hàng đầu từ Mỹ, Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác đã hội đàm khẩn cấp về tương lai Afghanistan sau khi Kabul rơi vào tay Taliban.

Thảo luận qua điện thoại với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 16/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Washington để ngăn Afghanistan trở thành thảm họa nhân đạo hay điểm nóng khủng bố.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Mỹ cần giảm bớt áp lực lên Trung Quốc. Bởi lẽ, Washington không thể vừa “làm suy yếu các quyền và lợi ích hợp pháp của Bắc Kinh, vừa trông chờ vào sự hỗ trợ và hợp tác của nước này”,

Điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đồng ý tăng cường liên lạc và phối hợp giữa Bắc Kinh và Moscow về Afghanistan nhằm thúc đẩy Taliban đảm bảo an toàn cho công dân và tổ chức của họ, đồng thời khuyến khích lực lượng này áp dụng chính sách tôn giáo ôn hòa, chống khủng bố.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng thảo luận về Afghanistan với những người đồng cấp từ Nga, Pakistan, Ấn Độ, Liên minh châu Âu, NATO, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.

Các cuộc thảo luận căng thẳng giữa các bên liên quan đã làm nổi bật những bất ổn về tương lai của Afghanistan. Hiện có ngày càng nhiều lời kêu gọi đối với các chính phủ nước ngoài chấp nhận người tị nạn Afghanistan, khi những hình ảnh về đám đông tuyệt vọng tại sân bay quốc tế và trên các máy bay quân sự tràn ngập trên truyền thông đại chúng.

Trong bối cảnh hỗn loạn sau khi Taliban tiếp quản Kabul, Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ mục tiêu “hạ cánh mềm”, chuyển giao quyền lực trật tự, không đổ máu tại Afghanistan.

Toan tính Mỹ-Trung

Nhà Trắng đã phải đối mặt với phản ứng gay gắt sau khi tiến hành rút quân khỏi Afghanistan. Tổng thống Joe Biden đã phát biểu bảo vệ hành động quyết định này, cho rằng việc Lầu Năm Góc phải gánh chịu chi phí ở Afghanistan là sai lầm.

Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh hiện diện quân sự lâu hơn của Mỹ sẽ không tạo ra khác biệt trong cuộc chiến chống Taliban. Theo ông Joe Biden, “các đối thủ cạnh tranh chiến lược thực sự” của nước này, Trung Quốc và Nga, muốn Mỹ tiếp tục dành nguồn lực và sự chú ý vào Afghanistan vô thời hạn.

Đối với Trung Quốc, nước này lo lắng sự bất ổn ở Afghanistan sẽ là cơ hội cho phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) - nhóm chiến binh Duy Ngô Nhĩ mà Bắc Kinh đổ lỗi cho tình trạng bất ổn ở vùng đất phía tây Tân Cương.

Trong điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken ngày 16/8, ông Vương Nghị cho rằng quyết định loại ETIM khỏi danh sách khủng bố của chính quyền cựu Tổng thống Doanld Trump là “nguy hiểm và sai lầm”, kêu gọi Washington “gỡ bỏ rào cản” để Trung Quốc hợp tác về Afghanistan và chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh hỗn loạn sau khi Taliban tiếp quản Kabul, Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ mục tiêu “hạ cánh mềm”, chuyển giao quyền lực trật tự, không đổ máu tại Afghanistan.

Thêm vào đó, dù chưa chính thức công nhận Taliban song Bắc Kinh đã liên tục tiếp xúc nhóm này để giải quyết lo ngại liên quan về ETIM. Tháng trước, Ngoại trưởng Vương Nghị đã gặp với các thủ lĩnh cấp cao của Taliban ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.

Lo ngại khủng bố

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc-Arab tại Đại học Ninh Hạ, ông Lý Thiệu Tiên, Trung Quốc “rất lo ngại” rằng Afghanistan trở thành đấu trường cho chủ nghĩa khủng bố và cực đoan tôn giáo.

Dù vậy, cách tiếp cận của Taliban khi tiếp quản nước này dường như cho thấy tiềm năng cho một tiến trình hòa giải bao trùm để ổn định đất nước.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, Bắc Kinh vẫn tỏ ra dè dặt đối với các cam kết của Taliban, vì lịch sử và mối quan hệ của nó với các nhóm khủng bố.

Giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson, ông Michael Kugelman cho rằng Bắc Kinh đã đặt nền móng cho quan hệ chính thức với lực lượng này qua các cuộc tiếp xúc những năm gần đây.

Trung Quốc tin tưởng rằng một chế độ Taliban sẽ chú ý đến các mối lo ngại về khủng bố của họ so với một chính phủ chống Taliban yếu kém và rối loạn, đặc biệt là khi ETIM mang lại ít giá trị cho Taliban.

Trong khi đó, chuyên gia về Trung-Nga tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Tô Sướng cho biết biên giới Trung Quốc-Afghanistan từng là một trong những tuyến phòng thủ quan trọng nhất đối với miền Tây Trung Quốc.

“Cuộc chiến ở Afghanistan đã kết thúc trong vài ngày và điều này không bình thường”. Chuyên gia này cho rằng việc Taliban tiếp quản Kabul tương đối hòa bình có thể là kết quả của đàm phán trước đó.

Huy Sơn