Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã thỏa thuận những gì với Taliban?

Đối ngoại - Ngày đăng : 22:13, 17/08/2021

Một năm rưỡi sau ngày đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump đạt được "thỏa thuận hòa bình" giữa Mỹ và Taliban, diễn biến thực địa đã không có bất cứ hòa bình nào cho Afghanistan.

Những ngày qua, thay vì đàm phán phương án chia sẻ quyền lực với chính phủ Afghanistan, Taliban đã mở hàng loạt chiến dịch quân sự giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước ngay khi quân đội Mỹ rời đi. Và dù đại diện Mỹ cứ lặp đi lặp lại rằng bạo lực không phải là giải pháp cho cuộc nội chiến ở Afghanistan, nhưng Taliban lại nghĩ và hành động theo cách khác.

Được biết, không quan chức Mỹ nào dành nhiều thời gian mặt đối mặt với Taliban hơn đặc phái viên Khalilzad. Xuất thân là người gốc Afghanistan, ông Khalilzad đã có 2 năm đảm nhiệm vai trò đại sứ Mỹ tại Kabul sau sự kiện 11/9/2001.

Trong hơn một năm đàm phán, Khalilzad tìm cách thuyết phục đại diện Taliban đối thoại với chính phủ Afghanistan. Và Taliban chỉ đồng ý sau khi Washington cam kết rút quân khỏi Afghanistan.

Tháng 2/2020, ông Khalilzad tươi cười bắt tay với đại diện Taliban trong lễ ký kết thỏa thuận hòa bình ở Doha. "Hôm nay là ngày của hy vọng", đặc phái viên của Mỹ nói tại lễ ký kết.

Cụ thể, theo thỏa thuận này, Mỹ cam kết rút tất cả lực lượng khỏi Afghanistan. Đổi lại, Taliban hứa bắt đầu đàm phán hòa bình với chính quyền Kabul, đồng thời bảo đảm sẽ không để Afghanistan trở thành nơi chứa chấp khủng bố.

Và dù đàm phán giữa các phe phái ở Afghanistan không đạt được kết quả, cựu Tổng thống Trump vẫn rút quân như kế hoạch ban đầu.

Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã thỏa thuận những gì với Taliban?
Đặc phái viên Zalmay Khalilzad sau lễ ký thỏa thuận hòa bình với đại diện Taliban. Ảnh: AFP

Dưới thời cựu Tổng thống Trump, Nhà Trắng đã bỏ qua đồng minh Kabul, cho phép đặc phái viên Khalilzad toàn quyền đối thoại với Taliban mà không cần đại diện chính phủ Afghanistan cùng tham dự.

Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cho biết, thỏa thuận hòa bình tháng 2/2020 chính là vấn đề, văn kiện này đã khiến chính quyền Biden hiện nay không có nhiều lựa chọn.

Cụ thể, Taliban cam kết không tấn công quân đội Mỹ với điều kiện Washington giữ lời hứa rút quân. Nếu chính quyền ông Biden quyết định ở lại, "binh sĩ Mỹ sẽ trở thành mục tiêu" của Taliban, quan chức này nói.

Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã thỏa thuận những gì với Taliban?
Lực lượng Taliban tràn vào dinh tổng thống Afghanistan. Ảnh: Al Jazeera

Giới chức Mỹ cho rằng, một lượng nhỏ binh sĩ có mặt trên chiến trường sẽ không thể thay đổi chiều hướng cuộc chiến, chứ đừng nói giành lại phần thắng cho chính phủ Afghanistan.

Theo lời đặc phái viên Khalilzad, thỏa thuận của Mỹ và Taliban hướng đến triển khai song song việc rút quân Mỹ và đàm phán hòa bình giữa Taliban và chính phủ Afghanistan. Ông Khalilzad nhiều lần khẳng định đây là chiến lược rút quân "có điều kiện".

Nhưng một khi Mỹ hứa với Taliban sẽ rút quân theo một thời gian biểu cố định mà chẳng có bất cứ cam kết ràng buộc nào từ phía Taliban về việc đạt được thỏa thuận hòa bình với chính phủ Afghanistan, thì cơ hội đàm phán chấm dứt chiến tranh đã không còn.

Hiện tại, Kabul đã sụp đổ, Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi đất nước, chính quyền Afghanistan đã tan vỡ. Một số chính phủ nước ngoài có lẽ sẽ lựa chọn chấp nhận thực tế mới ở Afghanistan và thỏa thuận riêng với Taliban.

Hà Linh (TH)