Hiểu như thế nào về cụm từ 'di biến động dân cư'?

Xã hội - Ngày đăng : 17:29, 15/08/2021

Những ngày qua, sau khi cơ quan chức năng triển khai áp dụng hệ thống khai báo y tế để quản lý di chuyển của người dân, cụm từ 'di biến động dân cư' được sử dụng nhiều trên báo chí gây nhiều thắc mắc và phản ứng trái chiều.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trên mạng xã hội rằng  cụm từ ghép "di biến động dân cư" là không đúng ngữ pháp, không căn cứ, không logic và đang bị lạm dụng làm rối ren tiếng Việt.

Di biến động dân cư là kiểu nói gộp?

Phân tích trên báo Tuổi Trẻ ngày 15/8, tác giả Đỗ Thành Dương giải thích "di biến động" dân cư đây không phải là một từ, mà là một tổ hợp từ gồm 2 từ ghép "di động" và "biến động" kết hợp lại, rút gọn một từ tố thứ hai. Theo đó, các nhà ngôn ngữ học tạm gọi là hiện tượng "nói gộp", tạo nên "từ gộp".

Ùn ứ vì kiểm tra di biến động dân cư. Ảnh: SGGP

Thường là gộp 2 từ song tiết Hán Việt kiểu chính phụ mà tiêu biểu là từ gộp "công nông nghiệp" có trong các từ điển tiếng Việt, thậm chí có trường hợp gộp 3 từ theo mô hình Ax+Bx+Cx = ABCx như "công nông lâm nghiệp" (công nghiệp, nông nghiệp và lâm nghiệp).

Tương tự theo mô hình này, có thể tìm thấy nhiều trường hợp gộp từ đã rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày như: y bác sĩ, thanh kiểm tra, quân dân y, đông tây y, thanh quyết toán, ca nhạc sĩ, phối kết hợp...; cả từ thuần Việt cũng có hiện tượng nói gộp này: thầy cô giáo, ông bà ngoại, anh chị sui...

Theo tác giả Đỗ Thành Dương, "biến động" là động hoặc tính từ với nghĩa biến đổi nhiều, không ở trạng thái tĩnh. Ví dụ: Sự vật luôn biến động. Thời tiết biến động. Những biến động trong tâm hồn.

Còn động từ "di động" có nghĩa là chuyển động và dời chỗ, không ở vị trí cố định, như dùng trong các trường hợp: Mục tiêu di động, điện thoại di động.

Từ gộp "di biến động" ngược nghĩa với tính từ "cố định", có nghĩa là có trạng thái được giữ nguyên, không di động, không biến đổi, ví dụ: Ở cố định một nơi.

Theo đó, hiện chưa rõ từ "di biến động" xuất hiện lần đầu tiên từ khi nào. Tuy nhiên có thể thấy trong Luật số 64/2006/QH11 ban hành ngày 29-6-2006 của Quốc hội: Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã có "Điều 16. Phòng, chống HIV/AIDS trong các nhóm người di biến động"; và ở điều 2, mục 14 giải thích từ ngữ nêu rõ: "Nhóm người di biến động là những người thường xuyên sống xa gia đình, thay đổi chỗ ở và nơi làm việc".

"Như vậy, kiểu nói gộp tạo nên các từ là không mới, không lạ; từ "di biến động" đã được sử dụng hơn 15 năm qua trong nhiều trường hợp, có lẽ do phạm vi sử dụng ít phổ biến, rộng rãi; nay đột ngột được sử dụng với tần số nhiều nên có vẻ lạ lẫm, mới mẻ, gây nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận" - tác giả Đỗ Thành Dương nhận định.

2021-08-15_153141.png

Có thể dùng thay thế bằng cụm từ phổ thông hơn

Tác giả cho rằng "nói gộp"  là hiện tượng không xa lạ trong tiếng Việt mục đích giảm bớt lượng ngôn từ, giúp việc diễn đạt gọn lại nhưng vẫn giữ được đầy đủ ý nghĩa, làm cho người nghe vẫn hiểu đúng lời của người nói, đạt hiệu quả cao trong giao tiếp.

Bên cạnh đó nói gộp còn là cách tạo từ mới. Miễn sao từ mới ấy ổn định, nhanh chóng trở nên phổ biến, nhìn chung có thể nghe hiểu hay đọc hiểu được mà không cần phải gắn với một văn cảnh cụ thể, vẫn giữ được sự trong sáng của tiếng Việt là được.

"Quan điểm của chúng tôi là không nên cực đoan phản đối các hiện tượng nói gộp, giản lược từ, rút gọn từ nhằm đảm bảo các yêu cầu trong hoạt động giao tiếp. Tuy nhiên, từ ngữ sử dụng trong các văn bản hành chính luôn phải đạt yêu cầu tường minh, rõ nghĩa, đơn nghĩa.

Trong trường hợp trên, nếu xét thấy cụm từ quen thuộc, phổ biến "khai báo di chuyển", "khai báo đi lại" có thể thay thế được cụm từ "khai báo di biến động" thì nên sử dụng cho người dân dễ hiểu hơn, tránh những phản ứng trái chiều không đáng có." -  tác giả Đỗ Thành Dương nhận xét.

Ngưng kiểm tra di biến động dân cư tại các chốt liên quận ở TP.HCM

Trong diễn biến khác, trước tình hình ùn ứ kéo dài, nhiều chốt kiểm soát giao thông liên quận tại TP.HCM đã ngưng kiểm tra di biến động dân cư.

Theo ghi nhận của báo Pháp Luật TPHCM đầu giờ chiều 15-8, nhiều chốt kiểm soát chỉ kiểm tra giấy tờ, lý do người dân ra đường, không còn yêu cầu khai khai di biến động dân cư.

2021-08-15_153159.png

Tại địa bàn TP Thủ Đức, một lãnh đạo CSGT cho biết đơn vị này đã nhận được thông tin ngưng triển khai kiểm tra khai báo di biến động dân cư trên địa bàn TP. Theo lãnh đạo CSGT này, theo thông báo của Công an TP thì chỉ triển khai khai báo di biến động dân cư tại các chốt liên tỉnh, thành.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trường phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết, hiện phòng CSGT vẫn duy trì kiểm tra và hướng dẫn người dân khai báo di biến động dân cư tại 12 chốt kiểm soát ở các cửa ngõ ra vào TP.

Gần đây, Bộ Công an đã đưa vào sử dụng hệ thống khai báo y tế do Bộ Công an chủ động nghiên cứu, xây dựng xuất phát từ những yêu cầu trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Qua việc quản lý tập trung sự đi lại của công dân trên toàn quốc, khi có yêu cầu cần khoanh vùng, truy vết phát hiện F0, F1 hệ thống sẽ đưa ra lịch trình di chuyển của F một cách chính xác.

Hiện công dân sẽ thực hiện kê khai thông tin trên website http://suckhoe.dancuquocgia.go... thông qua thiết bị di động smartphone hoặc máy tính có kết nối Internet. Cùng với việc khai báo trực tuyến, người dân cũng có thể khai báo y tế bằng giấy tại các điểm kiểm soát dịch, trên cơ sở tạo thuận lợi nhất cho người dân, thông tin trên website của Bộ Công an cho hay.

TRUNG NGUYỄN (Tổng hợp)