TPHCM: quận, huyện, thành phố Thủ Đức phải đăng ký thời hạn, tiến độ mở lại chợ

Kinh doanh - Ngày đăng : 12:00, 14/08/2021

TPHCM yêu cầu các quận, huyện, thành phố Thủ Đức phải đăng ký chính xác thời hạn, tiến độ mở lại chợ truyền thống.

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gởi Sở Công thương, Sở Y tế, UBND thành phố Thủ Đức, UBND các quận, huyện về xây dựng phương án tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn.

Người dân đi chợ truyền thống. Ảnh: Lê Vũ

Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Công thương theo dõi, hướng dẫn UBND thành phố Thủ Đức và UBND các quận, huyện xây dựng phương án tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn đối với các chợ truyền thống trên địa bàn và các điểm bán lương thực thực phẩm thiết yếu.

Đặc biệt, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện phải đăng ký thời hạn, tiến độ triển khai mở lại chợ, kịp thời báo cáo kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để Sở Công thương kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ.

UBND TP.HCM yêu cầu bám sát các hướng dẫn của Sở Công thương, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương khẩn trương thực hiện khảo sát, đánh giá và xây dựng phương án tổ chức hoạt động lại trong điều kiện an toàn đối với các chợ truyền thống. Hoặc triển khai phương án tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng tươi sống tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động.

Trong đó, ưu tiên chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đảm bảo việc cung ứng hàng hóa cho người dân được nhanh chóng, kịp thời và an toàn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP.HCM.

UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cần chỉ đạo đơn vị y tế phối hợp các đơn vị quản lý chợ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh, ngẫu nhiên đối với tiểu thương, người mua hàng tại chợ/điểm bán. Thực hiện phun xịt, khử khuẩn định kỳ đối với điểm bán hiện đang hoạt động.

Sở Công thương TP.HCM cho biết, bên cạnh việc tổ chức phát phiếu mua hàng cho người dân, Sở liên tục tăng cường các điểm bán, trong đó mở lại các điểm bán lương thực, thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống, các điểm bán của chợ, các hoạt động bán hàng lưu động. Các địa phương tổ chức đi chợ thay giúp người dân hạn chế ra khỏi nhà, ít tiếp xúc với bên ngoài.

Đồng thời, Sở phối hợp với các đơn vị tổ chức “siêu thị mini”, “chợ nghĩa tình” chủ yếu phát phiếu cho người dân mua hàng hóa tại các khu phong tỏa với 70 mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

cho.jpg

Theo Sở Công thương TP.HCM, tính đến nay TP.HCM có 40 chợ đang hoạt động và 197 chợ tạm ngưng (tính cả 3 chợ đầu mối) trong tổng số 237 chợ. Như vậy, TP.HCM có thêm 8 chợ được hoạt động lại so với thời điểm cuối tháng 7. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quận, huyện đóng cửa toàn bộ các chợ truyền thống trên địa bàn.

Các địa phương hiện đã đóng toàn bộ các chợ trên địa bàn gồm: thành phố Thủ Đức, Quận 3, 4, 5, 6, 7, 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Huyện Hóc Môn, Nhà Bè.

Tính đến nay, toàn TP.HCM có 6/106 siêu thị ngưng hoạt động do tình hình dịch bệnh và 132/2895 cửa hàng tiện lợi ngưng hoạt động.

TRUNG NGUYỄN (Tổng hợp)