Vụ ám sát tổng thống Haiti vén bức màn bí ẩn về lực lượng lính đánh thuê ở Colombia

Đối ngoại - Ngày đăng : 16:37, 09/08/2021

Theo New York Times, trong thập kỷ qua, những cựu binh Colombia trở thành bộ phận quan trọng trong ngành công nghiệp lính đánh thuê toàn cầu - một lĩnh vực đang phát triển mạnh, nhưng ít chịu sự quản lý.

Vụ ám sát tổng thống Haiti vén bức màn bí ẩn về ngành công nghiệp xuất khẩu lính đánh thuê ở Colombia, vốn hình thành bởi cuộc nội chiến kéo dài và sự bất mãn của các cựu binh.

Tại Haiti, các nhà điều tra tiếp tục truy tìm kẻ chủ mưu thực sự đã thuê hơn 20 cựu binh sĩ Colombia cho nhiệm vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise, khiến nước này rơi vào khủng hoảng.

Và cũng trong khoảng thời gian này, cách đó 1.600 km, ở Colombia, vụ 18 cựu binh nước này bị bắt trong âm mưu ám sát cố Tổng thống Moise mở ra cuộc tranh luận về cách Colombia đối xử với những người từng phục vụ trong quân ngũ.

Vụ ám sát tổng thống Haiti vén bức màn bí ẩn về lực lượng lính đánh thuê ở Colombia
Lính đặc nhiệm Colombia trong một cuộc duyệt binh ở thủ đô Bogota. Ảnh: Limacharlienews

Theo Bộ Quốc phòng Colombia, mỗi năm có khoảng 10.000 quân nhân rời quân ngũ, nhưng phần lớn là những người có cấp bậc thấp với đồng lương ít ỏi, ít học, một số thậm chí mù chữ. Những người này gần như không có cơ hội tìm được công việc trong nước.

Khi cơ hội trong nước không có, hàng nghìn người tìm kiếm việc làm ở nước ngoài. Các chuyên gia cho biết với nguồn cung nhân lực lớn, kinh nghiệm và sẵn sàng làm việc cùng mức lương tương đối thấp, khiến lính đánh thuê Colombia trở nên có giá trị đặc biệt.

“Chúng tôi là những cỗ máy chiến tranh. Đó là những gì chúng tôi được huấn luyện. Chúng tôi không biết phải làm gì ngoài điều đó”, Isaias Suache, 44 tuổi, một cựu biệt kích và là người đứng đầu hiệp hội cựu chiến binh Colombia, nói.

Được biết, khoảng 20 cựu lính đặc nhiệm Colombia đã đến Haiti vào đầu năm, sau khi một đồng nghiệp hứa cung cấp cho họ công việc ở một công ty an ninh với mức lương 2.700 USD/tháng, gấp gần 7 lần mức lương hưu 400 USD/tháng mà họ nhận được.

Những năm gần đây, cựu binh Colombia đến Iraq, Afghanistan để làm việc cho các nhà thầu tư nhân Mỹ. Họ cũng đến Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), tham gia các hoạt động can thiệp quân sự vào Yemen. Thậm chí, một số cựu chiến binh cảnh báo nếu cơ hội ở quê nhà không được cải thiện, những người lính sau khi xuất ngũ sẽ được đưa ngay vào ngành công nghiệp lính đánh thuê toàn cầu ngày càng phát triển. Từ đó có thể dẫn đến nhiều hoạt động gây bất ổn hơn trên khắp thế giới.

Vụ việc ở Haiti và sự tập trung vào sự tham gia của các cựu binh Colombia diễn ra vào thời điểm đặc biệt phức tạp đối với các cựu binh. Sự ủng hộ của công chúng dành cho quân đội đang ở mức thấp kỷ lục sau vụ bê bối giết hại hàng nghìn thường dân vào năm 2000.

Bên cạnh đó, các cựu binh đối mặt với môi trường làm việc ngày càng khó khăn. Nền kinh tế đất nước đang gặp khó bởi đại dịch Covid-19. UAE dừng can thiệp vào Yemen khiến nhu cầu lính đánh thuê từ Colombia sụt giảm theo.

Vì vậy, khi có cơ hội ở Haiti, những cựu binh nhảy vào cuộc chiến. Nhiều người lên đường mà không biết họ sẽ làm việc ở quốc gia nào, đang làm việc cho ai, trong bao lâu, và nhiệm vụ cụ thể của họ là gì.

Hà Linh (TH)