Thủ tướng: "Huyện gọi thì Trung ương đáp" để các ca bệnh nặng không phải chuyển lên tuyến trên

Tin Y tế - Ngày đăng : 09:30, 08/08/2021

Đến nay, 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối khám chữa bệnh từ xa- Telehealth. Theo đó, các ca bệnh nặng, khó trong đó có điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu, không cần chuyển lên tuyến trên.

Các ca bệnh COVID-19 khó sẽ được các chuyên gia hàng đầu hội chẩn từ xa

Chiều 8/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấnkhám, chữa bệnh từ xa(Teleheath) tới 100% cơ sở y tế tuyến huyện và ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chốngdịch COVID-19Quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành tham dự buổi lễ.

Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế phối hợp tổ chức với sự tham gia của các đơn vị liên quan và đại diện các cơ sở y tế tại tuyến huyện trên toàn quốc qua kết nối hệ thống Telehealth.

Thủ tướng:

Phát biểu tại buổi lễ Thủ tướng nhấn mạnh, việc kết nối sử dụng nền tảng khám chữa bệnh từ xa - Teleheath tới các cơ sở y tế tuyến huyện sẽ giúp hỗ trợ, chẩn đoán và điều trị kịp thời. "Huyện gọi thì Trung ương đáp" để các ca bệnh nặng không phải chuyển lên tuyến trên. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gắn với thông điệp "5K +vaccinevà công nghệ", chỉ trong hơn 2 ngày, các doanh nghiệp công nghệ gồm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ra quân thần tốc hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố.

Đây là các cơ sở y tế cấp huyện còn chưa được kết nối theo danh sách do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cung cấp.

Như vậy, đến nay 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến. Các ca bệnh khó, trong đó có điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không cần chuyển lên tuyến trên.

Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đã chứng kiến các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) kết nối hệ thốngTelehealthvới Bệnh viện Cần Giờ TP Hồ Chí Minh, Bệnh viên đa khoa Hậu Nghĩa (Long An), Bệnh viện Thuận An (Bình Dương) và nhiều Trung tâm Y tế tại các huyện, thị trong toàn quốc để hội chẩn, tư vấn điều trị cho các trường hợp mắc COVID-19 đang chuyển biến nặng.

Thủ tướng đã lắng nghe ý kiến của nhiều trung tâm y tế ở các điểm vùng xa, vùng sâu và ở những nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như tại như Bình Dương, Đồng Nai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Gia Lai, Đồng Tháp, Bình Phước, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Khánh Hoà, Đắk Lắk, Phú Yên, Nghệ An...

Theo các y bác sĩ tại các điểm cầu, đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ. Cùng với đó, giúp các y bác sĩ tại các vùng sâu, vùng xa yên tâm, tự tin hơn trong điều trị bệnh nhân.

"Huyện gọi thì Trung ương đáp"

Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều sự quan tâm đến tuyến đầu chống dịch COVID-19, đồng thời gửi lời thăm hỏi, động viên đến các y, bác sĩ tại các điểm cầu và trên cả nước.

Qua trao đổi Thủ tướng nhấn mạnh, việc kết nối sử dụng nền tảng khám chữa bệnh từ xa - Teleheath tới các cơ sở y tế tuyến huyện sẽ giúp hỗ trợ, chẩn đoán và điều trị kịp thời; chủ động xin tư vấn để điều trị các ca bệnh có chiều hướng nặng hơn, hạn chế qúa tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

Thủ tướng nêu rõ, cách đây một tháng, Thủ tướng đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thôngthành lập Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia, trong đó nhấn mạnh đến việc khám chữa bệnh từ xa với tuyến huyện là rất quan trọng.

Thủ tướng cho rằng qua thử nghiệm vừa rồi có thể yên tâm hệ thống này có thể vận hành, quan trọng là tiếp tục hoàn thiện quy trình, về lâu dài đây là hệ thống khám chữa bệnh từ xa không chỉ ứng dụng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 mà còn với nhiều bệnh khác...

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao ý nghĩa của việc này, góp phần vào chuyển đổi số. Kịp thời cứu chữa cho người bệnh, giúp cơ sở có thêm kiến thức, tự tin, giảm quá tải tuyến trên. Kịp thời là yếu tố hết sức quan trọng, đó là tận dụng "giờ vàng" ngay từ tuyến cơ sở.

"Chúng ta vui mừng khi mỗi ngày có nhiều người khỏi bệnh, được chữa bệnh. Khám chữa bệnh từ xa, tư vấn khám chữa bệnh từ xa có tác dụng rất lớn là các cơ sở y tế tự tin điều trị kịp thời cho người bệnh ngay tại tuyến cơ sở. Và người bệnh cũng tự tin"- Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị từng bước hoàn thiện quy trình phòng, chống dịch COVID-19. Trước đây là 5K. Sau đó là 5K+ vaccine; rồi 5K + vaccine + thuốc; và bây giờ là 5K + thuốc + vaccine+ công nghệ và tới đây có thể là cộng các biện pháp khác. Vấn đề chữa bệnh ở đây không chỉ là khoa học, xã hội mà cả niềm tin, tâm lý, nhân văn, tôn trọng thực tiễn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, biểu dương sự cố gắng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, sự cố gắng của các đơn bị công nghê và các y bác sĩ của các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện dù mới vận hành nhưng đã bước đầu làm quen hệ thống...

Thủ tướng:

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đại biểu tại lễ ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế phải tổ chức thêm các buổi tập huấn, bảo đảm nhuần nhuyễn, tiến tới có trung tâm cấp cứu ở tuyến huyện. Bất cứ ở cơ sở nào "huyện gọi thì Trung ương đáp" để các ca bệnh nặng không phải chuyển lên tuyến trên.

Thủ tướng nếu rõ, dịch COVID-19 lây lan không phân biệt quốc gia, dân tộc nào... là dịch nguy hiểm vì thế sử dụng chung nền tảng công nghệ trên toàn quốc là hiệu quả trong chống dịch, do vậy Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các giải pháp trong phòng chống dịch COVID-19, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa đất nước phát triển ổn định, thịnh vượng.

Thủ tướng tin tưởng qua sự kiện này, tuyến huyện có thêm kiến thức, sự tự tin để xử lý công việc nhuần nhuyễn hơn, góp phần cứu chữa, cứu sống thêm người bệnh.

Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế đồng tổ chức. Trung tâm đã phát triển và cung cấp các nền tảng công nghệ dùng chung, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ y tế trong phòng, chống dịch.

Trung tâm sau 2 tháng thành lập, từ đầu tháng 6/2021, đã thu hút sự chung tay của gần 20 doanh nghiệp công nghệ số từ miền Bắc đến miền Nam, của hàng nghìn cán bộ, chuyên gia công nghệ, lập trình viên trong và ngoài nước

Thái Bình