Vụ bác sĩ rút ống thở của mẹ để cứu thai phụ: Cộng đồng mạng tìm ra nhiều điểm bất thường

Vận may - Ngày đăng : 10:36, 08/08/2021

Đêm 7/8 cộng đồng mạng vô cùng xúc động khi đọc được câu chuyện về một vị bác sĩ tên Khoa đã rút ống thở của mẹ để cứu một thai phụ sinh đôi.

Nội dung câu chuyện về bác sĩ Khoa được lan truyền trên mạng xã hội như sau:

“BÁC SĨ KHOA, CHÚNG TÔI NỢ ANH VÀ BỐ MẸ ANH SỰ SỐNG!

Câu chuyện nhói tâm can tại Sài Gòn hôm nay: Bác sĩ quyết định rút ống thở của mẹ để cứu sống một thai phụ bên cạnh

Hôm nay, bác sĩ Khoa trực cấp cứu, trong 2 bệnh nhân nặng, có mẹ anh và một phụ nữ mang thai chuẩn bị sinh đôi. Thai phụ đang cần được cứu sống ngay, nhưng chiếc ống thở đang gắn trên mũi mẹ bác sĩ Khoa.

Lựa chọn giữa tình thân và một thai phụ, bác sĩ Khoa đã rút ống thở của mẹ mình, để đặt lên mũi thai phụ".

khoa2.jpeg
Đoạn chat được cho là của bác sĩ Khoa và đồng nghiệp khi quyết định rút máy thở của mẹ nhường cho sản phụ song sinh

Còn trên trang cá nhân, bác sĩ Khoa viết:

"Con chào ba, chào mẹ!

Con mãi nhớ về ba, về mẹ người gắng với con cả cuộc đời!

Con vẫn chưa kịp vẽ lên ước mơ cho ba mẹ, thì giờ đây con đã mất đi ba mẹ.

Con không thể làm khác phải không ba? Ba vào tâm dịch, chiếc áo ấy vẫn mặc, ba trở bệnh khi ấy vẫn cầm thuốc cho người cần.

Mẹ cùng ba đi khắp Sài Gòn, cùng ba làm những việc ba mẹ cho là hạnh phúc. Con cũng thế mẹ ạ!

Xa nhà bao năm, tình yêu con có cũng chỉ là những chuyến mẹ ba sang thăm, tình yêu ấy lớn lắm. Con quyết định nhường đi chiếc máy khi sản phụ ấy cần. Con tin mẹ cũng thế!

Cúi đầu tiễn biệt ba mẹ lần cuối.

SG 07/08/21

Ngày tôi mồ côi".

khoa1.jpeg
Dòng trạng thái của bác sĩ Khoa được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội

Câu chuyện cảm động được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, ai cũng đau buồn trước hành động rút ống thở của mẹ để cứu bệnh nhân khác của bác sĩ Khoa.

Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, loạt bài viết về bác sĩ Khoa bỗng chốc “bay màu” vì bài viết có dấu hiệu được dàn dựng, không có thật.

Ngay sau đó, cộng đồng mạng phát hiện ra hình ảnh hai em bé song sinh trong câu chuyện của bác sĩ Khoa là lấy lại từ tấm ảnh em bé sơ sinh trước đó ngày 21/7 của bác sĩ Cao Hữu Thịnh và một em bé cắt từ một tấm ảnh khác trong phòng sinh trước khi dịch.

khoa3.jpeg
Hình ảnh hai em bé song sinh trong status bác sĩ Khoa lấy lại từ tấm ảnh em bé sơ sinh trước đó ngày 21/7 của bác sĩ Cao Hữu Thịnh

Hơn nữa, nhiều người còn đặt ra câu hỏi bệnh nhân COVID-19 nặng tại sao lại nằm chung phòng với sản khoa cấp cứu?

Ngay sau đó, trên trang Facebook cá nhân của nhà báo Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP. HCM cũng đã công khai xin lỗi vì chia sẻ câu chuyện về bác sĩ Khoa mà chưa kiểm chứng.

khoa4.jpeg
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP. HCM xin lỗi vì chia sẻ sự việc về bác sĩ Khoa mà chưa kiểm chứng

“Tối qua tôi có đưa hình ảnh và những dòng trạng thái Facebook của bác sĩ Khoa và bạn anh. Tôi tin vào điều tốt và tuyệt đối tin vào những gì liên quan đến sinh mệnh người khác nhất là khi con cái viết về sinh mệnh của đấng sinh thành.

Tôi tin vào bác sĩ.

Tôi nghĩ mình đã thiếu bình tĩnh và kiểm chứng một cách cần thiết dù đã yêu cầu tòa soạn xác minh đến 2h nhưng kết qủa xác minh không đủ khiến tôi tin vào những cảm xúc mình đã chia sẻ là dựa trên sự thật. Thậm chí nhiều anh chị cũng chỉ ra những hình ảnh sai trên các tấm được cho là của hai em bé sinh đôi và hàng loạt điểm phi lí về quy trình nghiệp vụ y khoa.

Tôi xin lỗi vì để cảm xúc đi trước. Rất xin lỗi”, trang Facebook cá nhân của nhà báo Nguyễn Đức Hiển viết.

Còn trên báo Tuổi trẻ, trợ lý của bác sĩ Cao Hữu Thịnh - từng công tác tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - xác nhận hình ảnh hai em bé sơ sinh lan truyền trên mạng là hình của mình, bị gán ghép vào một nội dung không có thật. Bác sĩ Thịnh đang ở trong phòng mổ, ủy quyền cho trợ lý trả lời báo chí.

Theo trợ lý bác sĩ Thịnh, hai hình ảnh trẻ sơ sinh nêu trên được các đồng nghiệp chụp, sau ca mổ do bác sĩ Thịnh thực hiện tại Bệnh viện An Sinh thời gian gần đây.

"Đây là hành vi lừa đảo, việc sử dụng hình ảnh không xin phép vào một mục đích như trên là phạm pháp. Trong lúc dịch bệnh khó khăn, lực lượng y bác sĩ và ngành y tế đang rất vất vả chống dịch, không thể chấp nhận được hành vi lừa đảo nêu trên. Đề nghị các cơ quan chức năng xác minh xử lý nghiêm vụ việc này", đại diện bác sĩ Thịnh nói.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - giám đốc điều hành Bệnh viện hồi sức COVID-19 - cho hay thông tin nêu trên là giả. "Không có bác sĩ nào tên Khoa và không có sự việc mổ bắt con tại bệnh viện", ông nói.

Phía Sở Y tế TP.HCM đơn vị này cho biết đang phối hợp Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP.HCM vào cuộc xác minh thông tin một bác sĩ nhường máy thở của ba mẹ để cứu sản phụ mang song thai, lan truyền trên cộng đồng mạng.

MINH AN (t/h)