Bình Phước "điểm sáng" chống dịch ở Đông Nam Bộ

Tin Y tế - Ngày đăng : 08:58, 06/08/2021

Từ thời điểm xuất hiện ca nhiễm đầu tiên (ngày 30-6-2021) đến nay, Bình Phước đã có 251 ca nhiễm COVID-19 tại 10/11 huyện, thị xã, thành phố. Tỉnh này đã công bố điều trị khỏi 43 người.

Điều trị tháp "3 tầng" và 4 tại chỗ

Bình Phước đang tổ chức thu dung và điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế và nguyên tắc 4 tại chỗ với tổng cộng 1.700 giường bệnh nếu kích hoạt đầy đủ.

2 bệnh viện dã chiến tại TP Đồng Xoài và huyện Đồng Phú củaBình Phướcđã đưa vào sử dụng, đón người nhiễm COVID-19, theo mô hình "tầng 1" và "tầng 2".

Bình Phước

Theo dõi người nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước

Bình Phước cũng đang lên kế hoạch và đang chuẩn bị phương án cho các bệnh viện dã chiến dọc biên giới với số giường được chuẩn bị là 520 giường.

Trong lần đến kiểm tra công tác công tác chống dịch của Bình Phước mới đây,GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt hỗ trợ các tỉnh miền Đông Nam Bộ chống dịch đã rất ấn tượng với công tác chuẩn bị thu dung bệnh nhân của tỉnh Bình Phước ở 2 bệnh viện dã chiến này.

Hai bệnh viện dã chiến đều có quy mô trên 150 giường, cơ sở vật chất đáp ứng tương đối đầy đủ. Các bệnh viện sau khi được kích hoạt đều đang thực hiện điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.

BS Nguyễn Văn Tuý, Phó giám đốc TTYT huyện Đồng Phú kiêm Giám đốc Bệnh viện dã chiến huyện Đồng Phú nói: Khi chuyển đổi công năng từ trung tâm y tế sang bệnh viện dã chiến, chúng tôi tập trung hơn vào việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Bệnh viện dã chiến đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất từ máy siêu âm, máy X-quang, máy thở, bình oxy, cho điều trị bệnh nhân.

Đồng Phú là huyện có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất Bình Phước. Dưới áp lực chống dịch là huyện cửa ngõ của tỉnh, nên việc thành lập bệnh viện dã chiến sẽ giảm tải nỗi lo và chia lửa cho tuyến đầu chống dịch.

Bệnh nhân nặng được điều trị thành công

Đối với "tầng 3" là tầng cao nhất trong tháp điều trị bệnh nhân nặng, Bình Phước đang có kế hoạch triển khai nâng công suất điều trị của BVĐk tỉnh từ 21 giường lên 54 giường.

Bình Phước

Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại BVĐK tỉnh Bình Phước

Thầy thuốc BVĐK tỉnh Bình Phước không thể quên về trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 nặng được cứu sống trong thời gian vừa qua.

Chị Nguyễn Thị Tươi, 37 tuổi, nhiễm COVID-19 đang điều trị ngày thứ 6 ở TTYT huyện Chơn Thành, bất ngờ chuyển biến nặng và lập tức được chuyển lên "tầng 3" là BVĐK tỉnh Bình Phước.

Ngay khi nhập viện, thầy thuốc đã tiến hành hội chẩn và chị Tươi được chẩn đoán: Suy hô hấp, kèm viêm phổi nặng do COVID-19. Có bệnh nền là viêm dạ dày. Bệnh nhân bắt đầu có những biểu hiện mất nhận thức, hôn mê.

Sau nhiều ngày điều trị tích cực tại Khu điều trị cách ly BVĐK tỉnh Bình Phước theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, tình trạng bệnh nhân đã bắt đầu khá hơn, không phải hỗ trợ thở oxy.

Những ngày sau đó, bệnh nhân dần phục hồi, chụp CT phổi khẳng định những tổn thương do virus Sars-CoV-2 gây ra cũng đang hồi phục tốt.

Sau 14 ngày điều trị, chị Tươi được công bố khỏi bệnh và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà trong niềm vui hân hoan của cả gia đình và nhân viên y tế.

Từ thành công này đã tiếp thêm tự tin cho thầy thuốc của tỉnh Bình Phước trong điều trị các ca bệnh nhân nặng.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bình Phước lo lắng khi gặp một số khó khăn về nguồn nhân lực, bao gồm cả số lượng và khả năng chuyên môn, đặc biệt là năng lực hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân nặng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị COVID-19, đặc biệt đối với ca nặng và nguy kịch, Bình Phước rất mong được Bộ Y tế hỗ trợ về nguồn nhân lực và hỗ trợ thiết lập đơn vị hồi sức tích cực (ICU), bệnh viện dã chiến, khu điều trị bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó, tỉnh đề xuất được hỗ trợ thêm nhiều máy thở, 10 máy sinh hóa để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân.

BS Quách Ái Đức, Giám đốc Sở Y tế Bình Phước cho rằng, hướng đi của tỉnh trong thời gian này ngoài nỗ lực bảo vệ "vùng xanh", thu hẹp "vùng đỏ", công tác điều trị sẽ tập trung ở tuyến cơ sở, nơi có nhiều bệnh nhân ở "tầng 1" và "tầng 2", nhằm giảm áp lực cho tuyến trên - "tầng 3", góp phần quan trọng trong việc khống chế thành công dịch.


Anh Văn