Nếu cạnh tranh Mỹ-Trung tiếp diễn, Nhật Bản cần tính toán chiến lược an ninh quốc gia và kinh tế phù hợp

Đối ngoại - Ngày đăng : 13:35, 05/08/2021

Baoquocte.vn. Tác giả Michio Ueda* trong bài đăng trên The Diplomat nhận định, Nhật Bản đang phải tìm cách tổng hợp chiến lược an ninh quốc gia và kinh tế trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gia tăng.
Nhật Bản
Nhật Bản đang loay hoay tìm lối ra trong bối cảnh cuộc đối đầu Mỹ-Trung ngày khốc liệt. (Nguồn: Getty Images)

Một trong những tính toán chiến lược cơ bản của Nhật Bản là tận dụng sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nhưng vẫn dựa vào Mỹ về an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, tham vọng này đang bị đe dọa bởi cạnh tranh Mỹ-Trung kéo dài, tình trạng mà giới quan sát nhận định sẽ là điều bình thường mới.

Trong bối cảnh đó, Tokyo dường như không đủ trang bị để đối phó với những thách thức bên ngoài đang nổi lên cũng như thích ứng với sự thay đổi này trong môi trường địa chính trị, đặc biệt là về khả năng tổng hợp các mục tiêu kinh tế và an ninh quốc gia.

"Lỗ hổng" từ FEFTA

Những khó khăn mà Nhật Bản phải đối mặt trong tương lai thể hiện qua những vấn đề nổi lên xung quanh những sửa đổi gần đây đối với Đạo luật Ngoại hối và Ngoại thương (FEFTA).

Đạo luật mới được sửa đổi hồi tháng 11/2019 và được ban hành vào tháng 6/2020, trong đó quy định các nhà đầu tư nước ngoài phải được chính phủ Nhật Bản chấp thuận để nắm giữ 1% cổ phần trở lên của một tổ chức cụ thể.

Đây là mức điều chỉnh đáng kể so với ngưỡng trước đó là 10% và nhằm mục đích làm cho quy trình sàng lọc đầu tư nước ngoài của Nhật Bản chặt chẽ hơn và tương đồng hơn với các quốc gia khác như Mỹ.

Sự thay đổi lập pháp này có thể được coi là một bước đi quan trọng của Nhật Bản nhằm tránh nguy cơ biến xứ sở hoa anh đào thành một “kẻ dễ bị lợi dụng” giữa các đồng minh trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Tuy nhiên, các sự kiện gần đây đã làm nổi bật một số kẽ hở trong đạo luật.

Đầu năm nay, Rakuten - tập đoàn của Nhật Bản hoạt động trong nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, dịch vụ tài chính và viễn thông di động - tiết lộ rằng, một công ty con của “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Tencent sẽ mua lại 3,65% cổ phần của tập đoàn.

Thương vụ này đã diễn ra bất chấp việc công ty con của Trung Quốc không xin phép chính phủ Nhật Bản để mua lại hơn 1% cổ phần, mặc dù Rakuten là một thực thể cụ thể theo FEFTA.

Làm cách nào họ có thể lách luật đã sửa đổi?

Được biết, công ty con của Trung Quốc đã yêu cầu một sự miễn trừ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài không có ý định tham gia quản lý công ty mà họ mua cổ phần.

Tuy nhiên, cách họ sử dụng quyền miễn trừ rõ ràng không theo tinh thần của đạo luật sửa đổi. Đầu tư của Trung Quốc vào Rakuten, một thực thể cụ thể và là một phần của mạng lưới cơ sở hạ tầng cơ bản của Nhật Bản, chính xác là loại hình đầu tư mà đạo luật sửa đổi nhắm mục tiêu.

Những thiếu sót của FEFTA sửa đổi, đặc biệt là tập trung vào an ninh quốc gia, càng nổi lên rõ hơn qua những hành động gần đây của Toshiba, công ty điện tử hàng đầu của Nhật Bản.

Toshiba đã bị cáo buộc sử dụng đạo luật này để thao túng cơ chế quản trị doanh nghiệp.

Một bản tin cho biết, tại cuộc họp cổ đông hồi tháng 7/2020, Toshiba đã cố gắng từ chối các đề xuất của cổ đông do các nhà đầu tư hoạt động nước ngoài đưa ra, với lý do không nhận thấy có vấn đề an ninh quốc gia bị đe dọa.

Đáng lo ngại hơn, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã tham gia và gây áp lực đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Một cuộc điều tra do các luật sư tiến hành hồi tháng 6 vừa qua kết luận rằng, các đề xuất không liên quan đến bất kỳ cân nhắc an ninh quốc gia liên quan nào, nhưng sự tham gia của METI không phù hợp với quy định của FEFTA.

Tình tiết này đặt ra câu hỏi về hiệu lực của các sửa đổi trong FEFTA khi chỉ tập trung điều chỉnh đầu tư nước ngoài liên quan đến các mối lo ngại về an ninh quốc gia.

Những nỗ lực của Nhật Bản nhằm nâng cao tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp chắc chắn đã bị tổn hại bởi tình tiết này, cũng như việc phát hiện ban lãnh đạo Toshiba và METI đã cố gắng lợi dụng FEFTA để từ chối các đề xuất của cổ đông.

Nguy cơ bị bỏ lại phía sau

Các ví dụ trên cho thấy, Tokyo vẫn đang gặp khó khăn trong việc điều chỉnh các định hướng chính sách kinh tế và an ninh quốc gia.

Một số vấn đề an ninh quốc gia nhất định đã không được lồng ghép thành công vào chính sách kinh tế của đất nước, khiến Nhật Bản bị tụt hậu vài bước so với các đồng minh và đối tác .

Người ta có thể lập luận rằng, hai lĩnh vực này không chỉ "lệch pha" mà còn xung đột, với việc an ninh quốc gia bị lợi dụng để phá hoại quản trị doanh nghiệp, gây tổn hại đến uy tín của Nhật Bản trên trường quốc tế.

Điều này không chỉ có khả năng gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Nhật Bản, mà còn có thể làm suy yếu thị trường của nước này và không khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Mặc dù có thể dễ dàng đổ lỗi cho các sửa đổi của FEFTA đã gây ra những rắc rối này, nhưng các vấn đề mà Nhật Bản phải đối mặt là cơ bản hơn.

Nhật Bản hiện không có chiến lược nào để giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia và kinh tế, và chính phủ cũng không có cơ cấu hoạt động để thực hiện một chiến lược như vậy ngay cả khi chiến lược đó tồn tại.

Các nhà hoạch định chính sách an ninh và kinh tế làm việc tách biệt trong các lĩnh vực riêng biệt, và những nỗ lực nhằm gắn kết hai lĩnh vực này với nhau chỉ được thực hiện một cách hời hợt.

Vì vậy, để tiến lên, cần phải thu hút nhân tài từ khu vực tư nhân sang khu vực công. Với cách này, chính phủ sẽ là nơi nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau có thể đưa ra một cách tiếp cận thống nhất đối với an ninh quốc gia và nền kinh tế.

Nhật Bản đang ở ngã ba đường, và việc "không hành động" không phải là một lựa chọn.

Trong kỷ nguyên đối đầu Mỹ-Trung, Nhật Bản phải học cách thích nghi với bối cảnh địa chính trị luôn thay đổi, nếu không, đất nước mặt trời mọc sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.


*Michio Ueda là cựu Phó Chủ tịch của Nhóm kinh doanh địa chiến lược tại EY-Parthenon. Ông nhận bằng Thạc sỹ chuyên ngành Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Wisconsin-Madison. Trước đây, ông từng làm việc trong Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Tập đoàn Tư vấn Boston.

Nguyệt Ánh