Sở Y tế TP.HCM: 4 mức độ chuyển nặng khi F0 cách ly tại nhà

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:41, 04/08/2021

Dựa trên chỉ số SpO2, người nhiễm SARS-CoV-2 đang cách ly tại nhà có thể tự nhận biết các dấu hiệu chuyển biến bất thường và liên lạc ngay cơ quan y tế.

Trong văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế điều trị Covid-19 và UBND quận, huyện do Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng ký, cơ quan này đã có hướng dẫn chi tiết về việc triển khai quản lý sức khỏe người nhiễm SARS-CoV-2 cách ly tại nhà.

Theo Sở Y tế TP.HCM, khi người nhiễm SARS-CoV-2 cách ly tại nhà, trạm y tế phường, xã, thị trấn sẽ có trách nhiệm theo dõi tình hình sức khỏe hàng ngày của người nhiễm đang cách ly tại nhà qua tài khoản quản trị của phần mềm.

cap_cuu_khan_cap_duyhieu.jpg
Tổ cấp cứu phản ứng nhanh tại TP Thủ Đức. Ảnh: Duy Hiệu.

Khi nhận cuộc gọi của người dân trên địa bàn, Tổ phản ứng nhanh phải đánh giá ngay mức nguy cơ dựa vào triệu chứng qua khai báo của người gọi (khó thở, tím tải, lơ mơ...) để quyết định đưa xe vận chuyển đến tận nhà người dân. Trên xe đảm bảo có bình oxy, dụng cụ thở oxy (mask, cannula...), máy đo SpO2 (máy đo nồng độ oxy trong máu).

Trong trường hợp xe đã được huy động cho trường hợp cấp cứu khác thì gọi “115” để được hỗ trợ. Tổ phản ứng nhanh đánh giá nhanh tình trạng người bệnh:

+ Nếu người bệnh có SpO2 trên 97%: Không có dấu hiệu bất thường. Tổ phản ứng nhanh hướng dẫn người bệnh theo dõi sức khỏe tại nhà.

+ Nếu người bệnh có SpO2 từ 95-96% kèm các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, đau ngực... : Cho người bệnh thở oxy qua mũi, vận chuyển họ đến cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn, thuộc thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn để được theo dõi và điều trị.

dsc_2789_3_zing.jpg
Một F0 chuyển biến nặng, được các bác sĩ hỗ trợ thở oxy và chuyển bệnh viện tuyến trên. Ảnh: Duy Hiệu.

+ Nếu người bệnh có SpO2 dưới 94% kèm các triệu chứng nặng như thở gắng sức,.... : Cho người bệnh thở oxy qua mask, vận chuyển người bệnh đến khu vực cấp cứu của cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn thuộc thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn hoặc bệnh viện đã chiến điều trị Covid-19 để được theo dõi và điều trị.

+ Nếu người bệnh trong tình trạng nguy kịch (tím tái, hôn mê, ngừng thở...): Cho người bệnh thở oxy qua mask hoặc hồi sinh tim phổi cơ bản, sau đó vận chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.

Đồng thời, địa phương nhanh chóng gọi Tổ Điều phối chuyển viện người bệnh Covid-19 nặng thuộc Sở Y tế TP.HCM để hỗ trợ khẩn cấp qua đường dây nóng (0989401155) giúp chuyển người bệnh đến tầng điều trị phù hợp.

Sau khi xử trí can thiệp điều trị xong, trạm y tế phải cập nhật hành động xử trí và kết quả xử trí vào phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” nhằm quản lý đầy đủ thông tin sức khỏe của người nhiễm, thuận tiện cho việc theo dõi và báo cáo.

Về điều kiện hoàn tất cách ly tại nhà với người nhiễm SARS-CoV-2, Sở Y tế TP.HCM quy định trước khi kết thúc thời gian cách lỵ, trạm y tế phải tổ chức lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 14 (test nhanh hoặc rRT-PCR mẫu đơn).

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì cập nhật kết quả xét nghiệm và xác định kết thúc thời gian cách ly trên phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” và “Khai báo y tế y điện tử”. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn sẽ ban hành quyết định kết thúc thời gian cách ly cho người bệnh.