Ẩn ý đằng sau một chuyến thăm

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:01, 04/08/2021

Baoquocte.vn. Trong 3 năm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ 3 lần thăm Việt Nam. Trong chuyến công cán đầu tiên ở Đông Nam Á tháng 7/2021, Bộ trưởng Lloyd Austin chọn Việt Nam là một trong ba điểm đến. Trước đó gần một tuần, truyền thông quốc tế bàn luận sôi nổi về chuyến thăm. Hẳn có lý do?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam:
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội ngày 28/7. (Nguồn: Twitter)

Sức hút từ sự khác biệt

Đó là sự khác nhau về thể chế chính trị. Lại từng là đối thủ trên chiến trường và trong cuộc chiến bao vây, cấm vận kéo dài 20 năm sau chiến tranh.

Washington hiểu rõ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, hài hòa quan hệ với Mỹ, Trung Quốc và các nước lớn, của Việt Nam. Chính phủ Mỹ cũng biết Việt Nam không đi với bên này để chống lại bên kia.

Quan hệ quốc phòng thường nhạy cảm, phức tạp, có độ trễ so với kinh tế và nhiều lĩnh vực khác. Đòi hỏi cả hai bên nỗ lực nhiều hơn, kiên trì hơn. Nhưng khi đã vượt qua những trở ngại đầu tiên, sẽ tạo động lực lớn cho chặng đường dài.

Chính điều đó tạo ra sức hút từ mối quan hệ Việt-Mỹ nói chung, quan hệ quốc phòng giữa hai nước nói riêng. Chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Lloyd Austin cũng không là ngoại lệ.

Câu hỏi được dư luận quan tâm nhất là: Vì sao? Quan hệ hai nước sẽ đi đến đâu? Trước hết, hãy bắt đầu từ kết quả hợp tác trong hơn 25 năm qua.

Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai

Hai bên đã cam kết bằng giấy trắng mực đen: Bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương năm 2011, Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ năm 2015, Kế hoạch hành động hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2020…

Hai bên đã tổ chức 11 cuộc Đối thoại về chính trị, quốc phòng, an ninh, trao đổi các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, tầm nhìn chung về khu vực và hợp tác đối phó các thách thức an ninh...

Chuyến thăm Việt Nam sau hơn 40 năm của tàu sân bay USS Carl Vinson tháng 3/2018 và USS Theodore tháng 3/2020, Việt Nam tham gia diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2018… là những hoạt động mang tính biểu tượng.

Trong tài khóa 2017-2021, Bộ Ngoại giao Mỹ hỗ trợ gần 200 triệu USD cho các hoạt động quốc phòng và nâng cao năng lực an ninh hàng hải… của Việt Nam. Dự án chuyển giao, bảo trì 2 tàu tuần duyên lớp Hamilton đã qua sử dụng (năm 2017, 2021), 24 xuồng tuần tra Metal Shak, máy bay trinh sát không người lái Scan Eagle… là kết quả quan trọng từ sự hỗ trợ đó.

Chính phủ Mỹ hỗ trợ gần 200 triệu USD cho chương trình xử lý bom, mìn, vật liệu nổ sót lại, ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng (đã hoàn thành), sân bay Biên Hòa và các hoạt động khác… Mỹ cũng hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Có thể thấy, tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai của Nhà nước và Nhân dân Việt Nam là nhân tố quan trọng, mở ra cánh cửa để thiết lập quan hệ, hợp tác. Tư tưởng ấy bây giờ là hiển nhiên, nhưng vào lúc đó là sự dũng cảm, một tư duy vượt trội.

Lộ trình hơn 25 năm quan hệ Việt-Mỹ là cơ sở cho sự tiếp nối tương lai. Nhưng tình hình mới đòi hỏi những nội dung mới, hình thức, biện pháp mới. Đó là lý do của chuyến thăm.

Khẳng định, tiếp tục và hướng tới nâng tầm quan hệ

Nội dung Bộ trưởng Lloyd Austin hội kiến với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nổi bật tinh thần: khẳng định, tiếp tục và nâng tầm.

Thứ nhất, Bộ trưởng Lloyd Austin khẳng định chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết hỗ trợ, ủng hộ một nước Việt Nam thịnh vượng, hùng mạnh và độc lập.

Thứ hai, Mỹ khẳng định tiếp tục hợp tác thực hiện các văn kiện đã ký kết năm 2011, 2015. Ưu tiên khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, hợp tác quân y, chống dịch Covid-19 và đào tạo nhân lực…

Thứ ba, Mỹ khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Sự đồng thuận về vấn đề nóng của khu vực là tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển; giải quyết hòa bình các tranh chấp; duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không theo quy định của luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Mỹ ủng hộ Việt Nam đóng vai trò ngày càng tích cực trong ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Việc trao đổi những vấn đề nóng của khu vực với Việt Nam, cho thấy Hoa Kỳ đánh giá cao vai trò của Việt Nam, muốn thông qua Việt Nam để thúc đẩy hợp tác với ASEAN.

Thứ tư, hai bên trao đổi về định hướng hợp tác công nghiệp quốc phòng, được xem là một bước đi cụ thể hơn, sâu hơn trong hợp tác quốc phòng song phương. Mỹ ký kết văn bản hợp tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Việt Nam, đáp lại nỗ lực nhân đạo của Việt Nam và góp phần giải quyết khía cạnh tinh thần của cuộc chiến tranh.

Thứ năm, trong tiếp kiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Lloyd Austin thẳng thắn đề cập tiếp tục xây dựng lòng tin, hướng tới nâng tầm quan hệ 2 nước. Đó là sự ghi nhận vai trò quan trọng của Việt Nam đối với Mỹ..

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam:
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đặt hoa trên bia tưởng niệm cố Thượng nghị sĩ John McCain ngày 29/7. (Nguồn: Twitter)

Góc nhìn từ các phía

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và báo chí Việt Nam đánh giá: Hai bên đã thống nhất được nhiều nội dung hợp tác quan trọng trong thời gian tiếp theo; thể hiện quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa nhân dân, quân đội hai nước; góp phần củng cố, phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ ngày càng thực chất, hiệu quả.

Bộ trưởng Lloyd Austin thể hiện sự vui mừng về kết quả tốt đẹp của chuyến thăm bằng những tính từ: thịnh tình, cởi mở, thân thiện và quan hệ đối tác song phương bền chặt...

Việc Mỹ hỗ trợ tích cực, thiết thực cho Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19, đóng lại vấn đề “thao túng tiền tệ” và chuyến thăm của Bộ trưởng Lloyd Austin… cho thấy sự ổn định và đường hướng phát triển quan hệ song phương.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Lloyd Austin khẳng định nhận xét của truyền thông và học giả quốc tế: Mỹ coi Việt Nam là đối tác chiến lược ưu tiên và thể hiện Mỹ là đối tác tin cậy của Việt Nam.

Đó được xem là bước đi cụ thể hóa tinh thần trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời của Mỹ tháng 3/2021: tăng cường quan hệ đối tác với Singapore, Việt Nam và các quốc gia khác thuộc ASEAN.

Các học giả quốc tế cho rằng việc nêu tên cụ thể Singapore, Việt Nam và xếp Philippines, Thái Lan, đồng minh lâu đời vào nhóm “quốc gia khác” thể hiện cách nhìn mới của Mỹ với các đối tác khu vực.

Trong khi nhiều nước liên tục “xoay trục”, thậm chí quay 180 độ sau mỗi lần bầu cử hoặc nội bộ nhiều bất ổn… thì đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và ổn định của Việt Nam là điểm hấp dẫn.

Việt Nam đóng vai trò ngày càng tích cực trong khu vực. Mỹ muốn tăng cường sự hiện diện, kết nối khu vực, không thể không tính đến nhân tố Việt Nam. Mỹ có lợi khi Việt Nam thịnh vượng, hành động độc lập, mang tính xây dựng đối với việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Như vậy là đủ đối với Mỹ.

Trong khi nhiều nước liên tục “xoay trục”, thậm chí quay 180 độ sau mỗi lần bầu cử hoặc nội bộ nhiều bất ổn… thì đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và ổn định của Việt Nam là điểm hấp dẫn.

Mỹ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trước hết vì lợi ích của Mỹ. Việt Nam có thể tận dụng, khai thác những điểm đồng lợi ích, phù hợp với luật pháp quốc tế, đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển của khu vực.

Việt Nam chủ trương phát huy tối đa nội lực, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ quốc tế rộng rãi. Nhưng chúng ta không “dựa”, không phụ thuộc vào bất cứ ai để bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là vị thế, giá trị của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

Trở lại câu hỏi được dư luận quan tâm nhất và quan chức Mỹ đã hơn hai lần đề cập công khai: nâng tầm quan hệ hai nước.

Điều đó phụ thuộc vào bối cảnh, tính toán của mỗi bên. Song như nhận xét của nhiều học giả quốc tế: quan hệ song phương Việt-Mỹ khá toàn diện, có những yếu tố mang tính chiến lược, có mặt còn hơn một số đối tác chiến lược khác.

Chính danh cũng cần. Nhưng tên gọi không phải là điều quan trọng nhất. Quyết định vẫn là tính thực chất, hiệu quả và sự bền vững của mối quan hệ. Điều đó đang được hai bên thực thi và cam kết tiếp tục củng cố, phát triển.

Người Việt Nam thường nói, cái gì cần, đúng thời điểm, nhất định sẽ diễn ra. Có thể vận vào trường hợp này.

Vũ Đăng Minh