Tại sao Mỹ từng sợ ném bom hạt nhân Liên Xô?

Đối ngoại - Ngày đăng : 12:52, 01/08/2021

QĐND Online – Không lâu sau khi Thế chiến II kết thúc, Mỹ bắt đầu xây dựng các kế hoạch chiến tranh tổng lực với Liên Xô. Theo đó, những năm đầu tiên có thể thực hiện các kế hoạch này mà không sợ Liên Xô đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Bởi lẽ, năm 1949 Liên Xô mới sở hữu bom nguyên tử, trong khi phương tiện mang bom có muộn hơn.

Kế hoạch “Dropshot”

“Dropshot” là một trong những kế hoạch được soạn thảo chi tiết nhất dưới thời Tổng thống Mỹ Harry Truman, được Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ phê chuẩn vào tháng 12-1949.

Kế hoạch này đề cập đến việc tiến hành chiến tranh tổng lực chống lại Liên Xô và các đồng minh bằng những đòn tấn công vũ khí hạt nhân ồ ạt vào các cơ sở quân sự và dân sự. Mục đích của “Dropshot” là khiến Liên Xô đầu hàng vô điều kiện, tước bỏ chủ quyền và chiếm đóng lãnh thổ Liên Xô, cũng như tiến hành các hoạt động kiểm soát nhằm ngăn chặn sự hồi sinh bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào đối với Mỹ. Những mục đích này tương tự như những quy định từng được áp dụng với Đức và Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Vũ khí của Liên Xô. Ảnh tư liệu: Bộ Quốc phòng Nga

“Dropshot” có tính đến việc tấn công hủy diệt hoàn toàn lực lượng vũ trang Liên Xô, phá hủy tiềm năng công nghiệp và cơ sở hạ tầng kinh tế của nước này.  Những mục tiêu tấn công hạt nhân được xác định gồm có 104 thành phố của Liên Xô, trong đó có Moskva, Leningrad, Sverdlovsk, Chelyabinsk, Tashkent, Alma-Ata, Baku, Sevastopol, Vladivostok… Để thực hiện kế hoạch này, Hoa Kỳ dự kiến sẽ sử dụng tổng cộng 292 quả bom nguyên tử. Thời gian dự kiến bắt đầu thực hiện kế hoạch được ấn định là ngày 1-1-1957.

Họcthuyếttấncôngạt

Năm 1953, Thống tướng Lục quân Hoa Kỳ Dwight Eisenhower lên nắm quyền, thay thế Tổng thống Harry Truman. Trong bài phát biểu ngày 12-1-1954, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles đã trình bày những nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Liên Xô và các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Chính sách này có tên gọi là “Học thuyết tấn công ồ ạt ”. Nó cho rằng, “sự lâm lăng của chủ nghĩa cộng sản” đối với Mỹ và bất kỳ đồng minh nào sẽ gặp phải sự đáp trả hủy diệt của nước này bằng việc sử dụng tất cả các loại vũ khí nhằm vào lãnh thổ Liên Xô. Một phần của học thuyết này được biết đến đó là kế hoạch “Dropshot”.

Cũng trong năm đó, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang hợp nhất NATO tại châu Âu, Tướng Mỹ Alfred Gruenther tuyên bố: “Chiến lược của chúng ta yêu cầu sử dụng vũ khí hạt nhân mà không phụ thuộc vào việc đối phương có sử dụng nó hay không”. Trong khi đó, thời hạn ấn định ngày 1-1-1957 cho thấy, Mỹ hoàn toàn không sẵn sàng tiến hành tấn công hạt nhân ngay lập tức vào lãnh thổ Liên Xô. Vậy thực hư là như thế nào?

Khảnăngchốngtrả

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Liên Xô cũng đã phát triển các phương tiện chống trả các cuộc tấn công từ phía Mỹ. Mặc dù vũ khí hạt nhân của Liên Xô trước những năm 1960 chưa thể vươn tới bên trong lãnh thổ Hoa Kỳ, nhưng các đồng minh Tây Âu của Mỹ lại ở gần hơn. Và sự hăng hái gây chiến của Washington cũng dần bị nguội lạnh bởi chính sự e dè của những nước này. Trước hết, lục quân Liên Xô được cho là sẽ nhanh chóng chiếm đóng lục địa châu Âu đến bờ Đại Tây Dương. Trong khi đó, Liên Xô có thể dùng bom và tên lửa để tấn công hủy diệt vào lãnh thổ nước Anh.

Mặc dù việc chế tạo tên lửa tầm trung và tầm xa tại Liên Xô, nhất là với độ chính xác cần thiết, khi đó vẫn còn rất khó để đạt được, nhưng tính bí mật của Liên Xô đã không để cho tình báo đối phương biết được những công trình mà nước này đang tiến hành. Điều đó cho phép nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev dễ dàng “qua mặt”, khi ông đưa ra những tuyên bố khiến các chính trị gia phương Tây lo sợ. Vì vậy, trong chuyến thăm của Khrushchev đến London vào tháng 4-1956 (đi bằng máy bay phản lực chở khách đầu tiên Tu-104 mới được Liên Xô chế tạo), khi trả lời câu hỏi của phu nhân Thủ tướng Anh Anthony Eden về tầm xa của tên lửa Liên Xô, ông cười lớn rồi trả lời: “Tên lửa của chúng tôi không những có thể vươn đến những hòn đảo của Anh, mà còn có thể bay xa hơn”.

Năm 1954, Liên Xô chế tạo thành công máy bay ném bom chiến lược sử dụng đông cơ tuabin cánh quạt Tu-95 (đến nay loại máy bay này vẫn trong biên chế của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga), và một năm sau được trưng bày tại Triển lãm hàng không ở Tushino. Vậy nên, những vùng lãnh thổ tách rời của chính nước Mỹ đã trở nên “dễ bị tổn thương” khi Liên Xô tấn công đáp trả. Đặc biệt, tổn thất của Mỹ và các nước đồng minh khi tấn công vào Liên Xô sẽ vượt quá mức chấp nhận về mặt quân sự.

Ngay đầu những năm 1950, khi việc thực hiện kế hoạch “Dropshot” mới được mô hình hóa ở dạng trò chơi chỉ huy-tham mưu, thì những kết quả cho ra đã làm thất vọng đối với giới quân sự Mỹ. Theo tính toán, nếu lực lượng phòng không Liên Xô đáp trả, thì hơn một nửa máy bay chiến lược của Hoa Kỳ đang tập kích sẽ bị tiêu diệt. Năm 1955, cuộc tập trận của Lực lượng vũ trang hợp nhất NATO mang tên “Carte blanche” đã cho thấy rằng, những cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô vào Tây Âu có thể ngay lập tức cướp đi sinh mạng của ít nhất 1,7 triệu người châu Âu.

Lựachọnhọcthuyếtkiềmchế

Nếu sử dụng linh hoạt và khôn khéo, thì kế hoạch “Dropshot” vẫn có một điều kiện thực hiện cuối cùng. Theo đó, nó chỉ được áp dụng khi đáp trả những hành động xâm lược của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân ồ ạt chỉ được phép trong trường hợp lục quân Liên Xô chuyển sang tấn công Tây Âu. Bởi lẽ, nếu tuyệt nhiên không hề thấy điều gì như vậy, thì không thể triển khai kế hoạch “Dropshot”.

Các kế hoạch quân sự của Mỹ đối với Liên Xô được soạn thảo nhằm làm quan trọng hóa vấn đề đảm bảo an ninh. Trong khuôn khổ học thuyết “Chiến tranh lạnh” với Liên Xô, học thuyết kiềm chế đã chiếm ưu thế ngay từ năm 1947. Nguồn gốc của học thuyết này là xuất phát từ “bức điện dài” của nhà phân tích thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Moskva, George Kennan. Năm 1946, trả lời chất vấn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về chính sách thù địch của lãnh đạo Liên Xô sau chiến tranh, Kennan đã đưa ra hàng loạt lý do.

Theo nhà phân tích này, khác với Đệ Tam Đế chế Đức, Liên Xô không có mục đích thống trị toàn cầu nào và cũng không có chiến lược lâu dài. Chính sách của nước này được thực hiện bởi sự mất lòng tin vốn có đối với người nước ngoài, cũng như lo ngại họ sẽ phá hoại chế độ xã hội Xô viết. Trong khi đó, giới lãnh đạo Liên Xô không chấp nhận những luận điệu và chỉ biết đến ngôn ngữ của sức mạnh. Như vậy, để xử sự với Liên Xô, Hoa Kỳ phải giữ giọng điệu cứng rắn và cho thấy luôn sẵn sàng sử dụng vũ lực ở những nơi mà nước này cho là Liên Xô đe dọa đến lợi ích của mình và đồng minh. Theo Mỹ, chỉ vậy thôi là đủ để vô hiệu hóa Liên bang Xô viết.

Những nội dung trong học thuyết kiềm chế là dựa vào chiến lược “Chiến tranh lạnh” của Mỹ trong quan hệ với Liên Xô. Chúng cho thấy tính hiệu quả hơn bất cứ kế hoạch quân sự nào.

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)