Thể thao Việt Nam hướng tới Olympic: Lo cái nhỏ trước

Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 08:24, 30/07/2021

Thể thao Việt Nam khi đặt mục tiêu đến các đấu trường lớn luôn đưa ra các chiến lược, kế hoạch hoành tráng nhưng những công việc cụ thể lại làm không tốt.

“Đến hẹn lại lên”, cứ sau mỗi đợt thi đấu không thành công của đoàn thể thao Việt Nam ở các kỳ đại hội lớn, báo chí và dư luận lại một phen đem ra mổ xẻ. Thế vận hội Tokyo 2020 đang diễn ra ở Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Với việc các gương mặt được chờ đợi nhất như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Hoàng Thị Duyên hay Thạch Kim Tuấn (Cử tạ) đều thất bại, mục tiêu đoạt huy chương Olympic của đoàn Việt Nam gần như khó hoàn thành.

Đây đó trên các tờ báo hoặc mạng xã hội bắt đầu xuất hiện các quan điểm tranh luận khác nhau. Người chỉ trích nhiều mà kẻ bênh cũng không ít. Có người cho rằng nguồn lực của Việt Nam có hạn và các VĐV đã nỗ lực tối đa nên không có gì đáng trách. Một số còn phân tích rằng thể thao Việt Nam không bứt phá được vừa do điều kiện tài chính eo hẹp, thua sút về thể hình, thể lực với các nước và cả rào cản từ “cơ chế”.

Thể thao Việt Nam hướng tới Olympic: Lo cái nhỏ trước - 1

Thạch Kim Tuấn thất bại tại Olympic 2020.

Bàn như vậy không sai nhưng như nói trên, những vấn đề này bị đem ra “mổ xẻ” liên tục trong cả thập niên qua. Tới độ nếu đem hỏi bất kỳ 1 phóng viên nào theo dõi lĩnh vực thể thao lâu năm thì hầu như đều sẽ nhận được câu trả lời là: không thấy có gì mới!

Ở đây chỉ xin đề cập một khía cạnh nhỏ.

Thể thao Việt Nam lâu nay khi nhắm tới các đấu trường lớn như Asiad hay Olympic đều đưa ra những chiến lược, kế hoạch rất hoành tráng. Trong thời gian qua, dù ngân sách eo hẹp nhưng chế độ cho các VĐV, đặc biệt VĐV trọng điểm cũng có sự điều chỉnh theo hướng tăng lên. Tuy nhiên, đi sâu vào chi tiết thì mới thấy có những vấn đề tưởng nhỏ nhưng lại ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của VĐV.

Chỉ xin nói về chuyện ăn. Người xưa nói “có thực mới vực được đạo”. Còn nhớ cách đây nhiều năm, nhà báo lão làng Nguyễn Lưu từng có bài viết về bữa ăn của VĐV tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội (Nhổn), với một món mới là con ba ba. Ông Nguyễn Lưu đã tế nhị qua con ba ba nêu lên một thực trạng, là bữa ăn của VĐV bị “ngót” đi.

Chuyện từ những năm 2007 trước thời điểm thể thao Việt Nam dự SEA Games tại Thái Lan. Tuy nhiên cho đến vài năm gần đây thì câu chuyện ăn uống, rồi chế độ lương, thưởng cho các VĐV ở các trung tâm thể thao lâu lâu lại thành đề tài bàn luận ì xèo trên báo.

Trong khi đó thì công tác quản lý, giám sát các Trung tâm thể thao của Tổng cục TDTT và cao hơn là Bộ VH-TT&DL lại tỏ ra còn thiếu sâu sát. Thế nên có những đợt thanh tra tại trung tâm này, trung tâm kia khui ra rất nhiều sai phạm, nhưng những người có trách nhiệm không hề “xây xát” gì, chỉ… rút kinh nghiệm. Hay mới đây UBND TP Hà Nội vừa xem xét xử lý nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Tô Văn Động vì những vấn đề liên quan tới sai phạm ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội. Sai phạm gồm cả việc thu tiền thưởng VĐV người khuyết tật không đúng quy định.

Nên bàn về chuyện đầu tư cho Olympic, nếu tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng có thể làm tốt một chuyện đó thôi, là đảm bảo chế độ ăn uống thực chất cho VĐV, tin rằng VĐV đã cảm ơn rất nhiều rồi.

Chế độ cho VĐV đã thấp, ăn uống nếu lại không đủ chất thì thể lực, tâm trí đâu để rèn luyện, thi đấu. Nói nhỏ nhưng thực ra là không hề nhỏ chút nào!

(Nguồn: Tiền Phong)

(Nguồn: Tiền Phong)