Cập nhật Covid-19 ngày 27/7: Quốc gia 'thần tốc' tiêm chủng; ưu tiên nước nghèo mua vaccine, Nhật Bản thử nghiệm thuốc chữa bệnh

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:47, 27/07/2021

Baoquocte.vn. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận gần 195,35 triệu người nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 4,18 triệu ca tử vong và xấp xỉ 176,18 triệu bệnh nhân bình phục.
Cập nhật Covid-19 ngày 27/7: Quốc gia châu Á 'thần tốc' tiêm chủng cho hầu hết dân số; phương Tây phải hạn chế đi lại vì dịch tái bùng phát; cơ chế ưu
Giới chức y tế Bangkok đã đề nghị quân đội Thái Lan triển khai nhân viên y tế để giúp ứng phó với sự gia tăng số bệnh nhân Covid-19 mới. (Nguồn: Bangkok Post).

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 430.528 ca nhiễm Covid-19 mới. Trong đó, Mỹ đứng đầu với 32.613 ca, tiếp theo là Iran (31.814 ca), Ấn Độ (30.125 ca), Indonesia (28.228 ca), Anh (24.950 ca), Nga (23.239 ca), Tây Ban Nha (20.541 ca), Brazil (18.999 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (16.809 ca), Thái Lan (15.376 ca)...

* Tại châu Mỹ

Do số ca mắc mới tiếp tục tăng lên, Mỹ quyết định duy trì các hạn chế đi lại. Theo một quan chức Nhà Trắng, quyết định hiện tại được chính quyền thúc đẩy sau khi biến thể Delta lây lan rộng ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới và sự gia tăng các ca mắc Covid-19 gần đây "có thể sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới".

Trong khi đó, chính quyền thành phố New York đã quyết định yêu cầu công chức, viên chức trên toàn thành phố từ nay đến giữa tháng 9 tới phải hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 nếu không muốn bị buộc phải xét nghiệm hằng tuần trong bối cảnh thành phố đang đối mặt với làn sóng gia tăng số ca nhiễm lần thứ ba do sự lây lan nhanh của biến thể mới Delta.

Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở người trưởng thành tại New York đạt 65%, cao hơn tỷ lệ chung của nước Mỹ, nhưng tại một số quận cục bộ thì tỷ lệ này dưới 40%.

* Tại châu Âu

Hà Lan thông báo hủy tất cả các lễ hội âm nhạc mùa Hè sau khi số ca mắc Covid-19 tăng đột biến trong vài tuần qua, tuy nhiên vẫn nới lỏng các hạn chế đi lại tới hầu hết các quốc gia ở châu Âu.

Trước đó, Hà Lan đã nới lỏng các hạn chế đối với việc đi lại đến các nước trong châu lục, giúp du khách thuận tiện hơn trong việc đặt chỗ cho các kỳ nghỉ Hè sắp tới.

Tuy nhiên, chính phủ Hà Lan đang phải cân nhắc lại những kế hoạch nới lỏng trên sau khi số ca mắc Covid-19 tăng mạnh trở lại kể từ đầu tháng này, trong đó chủ yếu đều mang biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ.

Hiện Hà Lan ghi nhận tổng cộng 1.847.372 ca nhiễm, trong đó 17.801 ca tử vong.

Ngày 26/7, quan chức phụ trách chiến dịch phòng chống Covid-19 của Italy Francesco Paolo Figliuolo cho biết, Rome đặt mục tiêu 80% dân số được tiêm vaccine phòng Covid-19 vào cuối tháng 9, tỷ lệ đủ khả năng tạo miễn dịch cộng đồng.

Cùng ngày, chiến dịch tiêm chủng của Bỉ dành cho các thủy thủ nước ngoài cập cảng tại quốc gia này cũng được bắt đầu.

Theo đó, tại các cảng quốc tế của Bỉ, hơn 5.500 tàu khác nhau cập cảng mỗi năm, trên đó có khoảng 80.000 thủy thủ làm việc. Họ cùng sinh hoạt trong không gian chật hẹp, điều này khiến nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 càng lớn nếu có trường hợp mắc bệnh. Ngoài ra, do đi biển dài ngày nên nhiều thủy thủ không có cơ hội được tiêm phòng.

Khoảng 3.000 liều vaccine sẽ được sử dụng cho các thuyền viên nước ngoài.

Bỉ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 cao nhất ở Liên minh châu Âu (EU) với hơn 83% người trưởng thành đã được tiêm 1 liều và 67% đã được tiêm chủng đầy đủ.

* Tại châu Phi

Ngày 26/7, Bộ Y tế Algeria cho biết tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi năm ngoái.

Cụ thể, Algeria đã ghi nhận thêm 1.505 trường hợp nhiễm mới và 24 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia Bắc Phi này lên 163.660 ca, trong đó 4.087 ca tử vong. Hiện Algeria đứng thứ 10 trong danh sách các quốc gia có số ca mắc nhiều nhất ở châu lục này.

Do số ca nhiễm mới tiếp tục tăng vọt, cùng ngày, Thủ tướng Algeria Aïmene Benabderrahmane đã ra quyết định đình chỉ hoạt động vận tải đường sắt và đô thị trong những ngày cuối tuần đối với 35 tỉnh, thành áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20h hôm trước đến 6h hôm sau để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

* Tại châu Á

Ngày 26/7, chính phủ Nhật Bản đã rút lại quyết định giảm 10% lượng phân bổ vaccine phòng Covid-19 đến các địa phương trong tháng 8. Chính phủ cam kết vẫn đảm bảo cung cấp đủ số lượng vaccine cho các địa phương trong hai tuần từ ngày 16/8 tới.

Cũng theo kế hoạch, đầu tháng 10 tới, các địa phương trong cả nước sẽ được tiếp nhận thêm một lượng vaccine đủ để tiêm 2 mũi cho khoảng 80% đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

Chính phủ Nhật Bản hiện cũng đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng cho người cao tuổi, vốn được triển khai từ đầu tháng 4.

Theo dữ liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), tính đến hết ngày 25/7, đã có 29,88 triệu người cao tuổi của nước này được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng Covid-19, đạt tỷ lệ 84,21%.

Trong một diễn biến liên quan, công ty dược phẩm Shionogi & Co. của Nhật Bản đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 thuốc chữa bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Loại thuốc này được bào chế trên cơ sở hoạt chất S-217622.

Trong khi đó, Bhutan đã tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 liều thứ hai cho hầu hết dân số đủ điều kiện trong một tuần, trong một đợt triển khai nhanh chóng được UNICEF ca ngợi như một "câu chuyện thành công" cho các hoạt động quyên góp quốc tế.

Hơn 454.000 mũi tiêm đã được thực hiện trong tuần qua ở vương quốc Himalaya xa xôi (chỉ hơn 85% dân số trưởng thành đủ điều kiện trong số hơn 530.000 người) sau đợt quyên góp gần đây của nước ngoài.

Ngày 26/7, Cục Dịch vụ Y tế (DMS) thông báo thủ đô của Thái Lan đã hết giường chăm sóc tích cực (ICU) để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Hiện tất cả các giường dành cho bệnh nhân nặng tại các bệnh viện công đều đã kín chỗ, trong khi các bệnh nhân Covid-19 nặng hiện đang chờ được điều trị trong các phòng cấp cứu tại hai bệnh viện Lerdsin và Nopparat.

Tình trạng thiếu giường bệnh đang trở nên trầm trọng hơn do cần phải có các cơ sở ICU riêng biệt cho bệnh nhân Covid-19 để tránh lây nhiễm chéo.

Giới chức y tế Bangkok đã đề nghị quân đội triển khai nhân viên y tế để giúp ứng phó với sự gia tăng số bệnh nhân Covid-19 mới.

* Về vấn đề phân phối vaccine ngừa Covid-19, Ngân hàng Thế giới (WB) và chương trình phân phối vaccine toàn cầu (COVAX) đã công bố một cơ chế tài chính mới nhằm thúc đẩy việc cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển khi mà các quốc gia này có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều so với các nước giàu có hơn.

Cơ chế này sẽ cho phép COVAX mua trước với giá cạnh tranh hơn từ các nhà sản xuất vaccine dựa trên tổng cầu giữa các quốc gia, bằng nguồn tài chính từ WB và các ngân hàng phát triển đa phương khác.

Cơ chế mới được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều báo động về tốc độ tiêm chủng chậm chạp ở các nước thu nhập thấp.

Theo số liệu của Our World in Data, chỉ 1,1% người dân ở các nước này đã nhận được ít nhất một liều vaccine, so với 26,9% tổng dân số thế giới.

Huyền Trâm