Sống chung với Covid-19: Con đường tiến tới cuộc sống 'bình thường mới'

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:00, 27/07/2021

Baoquocte.vn. Hiện nay, mối quan tâm chung của các quốc gia là làm thế nào để sống chung với dịch Covid-19. Mô hình ở Singapore và Pháp có thể là ví dụ tham khảo cho Việt Nam trên con đường tiến tới "bình thường mới".
Singapore đang xây dựng chiến lược ‘sống chung với Covid-19’. (Nguồn: Economic Times)
Singapore đang xây dựng chiến lược sống chung với Covid-19. (Nguồn: Economic Times)

Đại dịch Covid-19 xuất hiện, hoành hành và gây ra những bất ổn nghiêm trọng cho hầu hết các nước trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Hiện tại, không ai có thể nói chính xác khi nào đại dịch này mới chấm dứt.

Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội mặc dù giúp ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, nhưng gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho các quốc gia.

Do vậy, mối quan tâm chung hiện nay là làm thế nào để sống chung với dịch bệnh. Singapore và Pháp là những nước đã triển khai mô hình sống chung với Covid-19 này theo những cách khác nhau.

Thay đổi chính sách

Theo nhà báo Charles Reviens, cựu quan chức cấp cao người Pháp chuyên về chính sách công, nhận xét giai đoạn gần đây Singapore đã có sự thay đổi lớn trong định hướng đối phó với đại dịch Covid-19.

Vào năm 2020 và nửa đầu năm 2021, chính sách “Không Covid-19” nhằm hạn chế tối đa ca nhiễm bệnh đã được áp dụng ở Singapore, bao gồm kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, quản lý hành trình đi lại của người dân bằng biện pháp kỹ thuật số, cách ly ngay lập tức những người mắc Covid-19…

Tuy nhiên, các nhà chức trách Singapore vừa quyết định một sự thay đổi quan trọng về định hướng trong việc đối phó với đại dịch Covid-19.

Họ thừa nhận một “trạng thái bình thường mới”, chấp nhận sống chung với Covid-19, với nhận thức rằng, khó có thể chấm dứt dịch bệnh, đặc biệt với sự xuất hiện của các biến thể mới, nhưng có thể kiểm soát được giống như một dạng cúm mùa và tiến tới không còn coi Covid-19 là đại dịch.

Chiến lược mới của chính phủ Singapore có những điểm đáng chú ý sau.

Một là, mức độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao sẽ giúp bệnh nhẹ đi, người nhiễm bệnh có thể được theo dõi tại nhà.

Hai là, kết thúc các chiến dịch xét nghiệm và cách ly quy mô lớn để diệt trừ virus trong các cụm dân cư.

Ba là, giảm bớt các biện pháp hạn chế đi lại trong nước cũng như đối với các hoạt động du lịch quốc tế, đặc biệt liên quan đến những nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao.

Ưu tiên tiêm chủng lên hàng đầu

Mức độ chấp nhận của người dân đối với các biện pháp hạn chế đi lại, mối quan tâm duy trì sự thu hút của đất nước và những thách thức về cạnh tranh đã tác động mạnh mẽ tới định hướng mới này của Singapore, khi mà các trung tâm tài chính toàn cầu khác đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.

Theo ông Charles Reviens, định hướng mới của Singapore chủ yếu xuất phát từ tình hình tiêm vaccine phòng Covid-19 vượt trội của đảo quốc sư tử so với các nước láng giềng.

Coi tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu, bằng nhiều biện pháp, Singapore đã đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người dân, bao gồm giảm thời gian từ mũi tiêm thứ nhất đến mũi tiêm thứ hai còn 4 tuần, mở rộng đối tượng tiêm cho người từ 12 đến 39 tuổi…

Ngoài ra, ông Charles Reviens còn chỉ ra một điểm thú vị liên quan đến Singapore là không có tranh luận về tính bắt buộc của việc tiêm vaccine.

Ngược lại, đảo quốc sư tử đề cao và phát huy vai trò của truyền thông công cộng nhằm khuyến khích đại đa số dân chúng tiêm vaccine, một yếu tố trọng tâm của “trạng thái bình thường mới”.

Câu chuyện ở Pháp

Quan niệm “sống chung với Covid-19” ở Singapore không giống với quan niệm ở phương Tây, mà cụ thể là ở Pháp.

Khẩu hiệu “sống chung với virus" được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sử dụng lần đầu tiên trong bài phát biểu của ông vào ngày 13/4/2020, khi Pháp thực hiện cách ly xã hội lần đầu tiên. Khái niệm này đã được ông nhắc lại trong nhiều bài phát biểu sau đó.

Trên thực tế, hầu hết các nước phương Tây nhận thấy mức độ lây lan của virus rất cao sẽ dẫn đến một chu kỳ thiết lập cách ly, dỡ bỏ cách ly tùy thuộc mức độ quá tải của bệnh viện, nhưng phải trả giá bằng các hậu quả kinh tế và xã hội nặng nề.

Vào giữa tháng 6/2021, chính phủ Pháp đã dỡ bỏ rất nhiều biện pháp hạn chế (đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và thực hiện giới nghiêm). Điều này được lý giải là do số ca nhiễm bệnh đã giảm đáng kể.

Vào giữa tháng 6/2021, chính phủ Pháp đã dỡ bỏ rất nhiều biện pháp hạn chế nhưng số ca nhiễm mới lại tiếp tục tăng trở lại, đẩy nước này trước làn sóng dịch thứ tư. (Nguồn: Anadolu Agency)
Vào giữa tháng 6/2021, chính phủ Pháp đã dỡ bỏ rất nhiều biện pháp hạn chế, nhưng số ca nhiễm mới lại tiếp tục tăng trở lại, đẩy nước này trước làn sóng dịch thứ tư. (Nguồn: Anadolu Agency)

Tuy nhiên, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lại tiếp tục lây lan trên lãnh thổ Pháp và đẩy nước này đứng trước làn sóng thứ tư của đại dịch.

Giáo sư Jean-Louis Teboul thuộc Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bicêtre, Đại học Paris-South (Pháp), cho rằng nước Pháp cần hành động nhanh chóng, áp dụng ngay lập tức chính sách khuyến khích tiêm vaccine phòng Covid-19 thông qua các thông điệp tuyên truyền được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, giải thích nhiều hơn về những lợi ích cá nhân và trên hết là lợi ích tập thể của việc tiêm vaccine.

Đặc biệt với người trẻ tuổi, cần cho họ thấy những lợi ích và khả năng họ có thể trở lại cuộc sống gần như bình thường.

Giáo sư Jean-Louis Teboul nhấn mạnh phải làm cho mọi người hiểu rằng từ những dữ liệu khoa học được tổng hợp từ nhiều tháng qua, không có lý do gì để nghĩ rằng, các loại vaccine có thể gây ra những nguy cơ trước mắt hay trung hạn.

“Cần nỗ lực hết sức để tất cả mọi người đều được tiêm vaccine, bất kể thân phận của họ ra sao”, vị Giáo sư nhấn mạnh.

Theo Giáo sư Jean-Louis Teboul, khả năng chấp nhận các biện pháp hạn chế của người dân Pháp hiện nay rất thấp vì sau khi dỡ bỏ dường như rất khó để áp dụng trở lại.

Vị giáo sư này không loại trừ khả năng xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ tư tại Pháp và khẳng định giải pháp duy nhất chỉ có thể là tiêm vaccine.

Việt Nam nỗ lực tiến tới "bình thường mới"

Ở Việt Nam, những khái niệm về "trạng thái bình thường mới" và "sống chung với Covid-19" đã được Bộ Y tế đề cập đến từ rất sớm, ngay cả khi thế giới chưa có vaccine ngừa Covid-19.

Chiến lược "5K+vaccine" mà Việt Nam đang triển khai có thể xem là một bước chuyển phù hợp của Việt Nam nhằm hướng tới mô hình "sống chung với Covid-19".

GS. Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chuyên gia về lĩnh vực vi sinh vật học đánh giá, để dập được dịch Covid-19, bên cạnh giải pháp 5K đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao thì vaccine là phương tiện giúp Việt Nam ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19.

“Vaccine là biện pháp quan trọng nhất để đẩy lùi dịch Covid-19. Riêng biện pháp 5K là chưa đủ, mà phải có vaccine thì mới có thể hi vọng trở lại trạng thái bình thường”, GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, giải pháp 5K và chiến lược vaccine trong phòng chống đại dịch Covid-19 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt, kịp thời, “hợp lòng dân” và phù hợp với tình hình thực tế.

GS. Nguyễn Lân Dũng phân tích: “Chúng ta đã quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19 bằng 2 con đường là thực hiện 5K đi kèm vaccine. Đây là biện pháp cơ bản giúp xã hội trở lại trạng thái bình thường”.

Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, 70% dân số phải được tiêm 2 mũi vaccine thì mới đạt được kháng thể trong cơ thể, nếu chỉ được tiêm một mũi sẽ không đạt được kháng thể cần thiết. Chính vì vậy, để tiêm 2 mũi cho nhân dân là rất lớn, đòi hỏi nỗ lực rất cao, hành động quyết liệt của Chính phủ và sự đoàn kết, chung tay, góp sức của cả xã hội.

Việc tiêm chủng phòng Covid, giúp CB-CNV của VietnamAirline Group an tâm làm việc,. Đồng thời bảo vệ sự an toàn cho chính hành khách đi máy bay và cộng đồng (Ảnh: VNA)
Tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để kiềm chế dịch bệnh và tiến tới cuộc sống bình thường mới. (Ảnh: VNA)

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết, Việt Nam đang có rất nhiều giải pháp cụ thể để biến chủ trương chống dịch “5K + vaccine + công nghệ” của Thủ tướng thành hành động thực tế. Trong đó, tiêm vaccine phòng Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng để bảo vệ sức khoẻ toàn dân, ngăn chặn đại dịch, tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng.

Theo ông Cường, chúng ta đã có những cách làm sáng tạo, linh hoạt và “rất Việt Nam” để tối ưu hoá các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 dựa trên nguồn lực hiện có.

Với tinh thần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia, cùng chủ trương đúng đắn của Chính phủ và sự quyết tâm của cả cộng đồng, ông Cường tin tưởng Việt Nam sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường.

Quang Hiếu