Liên Xô từng sử dụng “robot chiến đấu” trong cuộc chiến Mùa đông như thế nào?

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:18, 26/07/2021

QĐND Online – Ít ai biết rằng, trong những năm 1930, Liên Xô từng thử nghiệm xe tăng điều khiển từ xa đầu tiên TT-26. Tuy nhiên, kinh nghiệm cuộc chiến Liên Xô-Phần Lan cho thấy, trình độ kỹ thuật lúc đó chưa cho phép chế tạo những chiếc xe tăng hiệu quả thực sự.

Chế tạo và thử nghiệm

Chiếc xe tăng Liên Xô đầu tiên được điều khiển bằng sóng vô tuyến là mẫu xe hạng nhẹ Renault FT của Pháp, mà trên đó năm 1929 có lắp thiết bị đặc biệt. Về sau, người ta đã cho ra đời 7 mô hình loại TT, tốt nhất trong số đó là mô hình TT-26 (mã hiệu “Titan”). Mẫu xe này được trang bị súng phóng hỏa có thể tháo lắp và súng máy DT, cũng như có thể điều khiển từ khoảng cách 500m (trong điều kiện lý tưởng có thể lên đến 1,5km).

Việc chế tạo mẫu tăng này được thực hiện bởi Phòng kỹ thuật về những phát minh quân sự đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của nhà sáng chế Vladimir Bekauri, người rất được các quan chức cấp cao Hồng quân Liên Xô ủng hộ. Nguyên soái Mikhail Tukhachevsky là người nhìn thấy triển vọng kỹ thuật quân sự điều khiển từ xa. Ông không những nói về xe tăng, mà còn đề cập đến loại máy bay không người lái, tàu phóng ngư lôi và tàu ngầm. Những dự án này tiêu tốn hàng chục triệu rúp ngân sách Liên Xô lúc đó. Nhà sáng chế Bekauri, được một số nhà sử học gọi là “kẻ phiêu lưu kỹ thuật”, bị xử bắn vào năm 1938. Tuy nhiên, những di sản mà ông để lại vẫn tiếp tục được sử dụng.

Một chiếc xe tăng điều khiển từ xa TT-26 bị hư hỏng trên chiến trường. Nguồn: russian7.ru

Những thử nghiệm đầu tiên trong cuộc chiến Mùa đông

Cuộc xung đột với Phần Lan do Stalin phát động năm 1939 cho thấy sự suy yếu của Hồng quân Liên Xô, khi không thể đánh bại quân đội của một quốc gia nhỏ. Chính cuộc chiến Mùa đông đã trở thành “sự xuất trận lần đầu” của những chiếc xe tăng điều khiển từ xa.

Những chiếc xe tăng đó được biên chế trong Lữ đoàn xe tăng số 20 mang tên S.M. Kirov. Đầu cuộc chiến, Lữ đoàn này có đại đội số 7 đặc biệt được trang bị 7 chiếc xe tăng ТТ-26. Ngày 10-12-1939, Lữ đoàn được bổ sung thêm Tiểu đội xe tăng số 217 với 33 chiếc.

Ngày 17-12-1939, Tiểu đội này mở cuộc tấn công đầu tiên nhằm hỗ trợ cho cuộc tấn công của Sư đoàn bộ binh. Tuy nhiên, ban đầu những chiếc xe tăng được điều khiển với sự hỗ trợ của cần lái, sau đó chỉ có ba chiếc điều khiển từ xa được đưa vào chiến đấu. Vì không điều khiển thuần thục, nên một chiếc TT-26 bị mất, hai chiếc còn lại phải quay trở về vị trí xuất phát.

Những “robot chiến đấu” của Liên Xô sau đó lại tiếp tục được sử dụng trong đợt tiến công của Lữ đoàn xe tăng. Năm chiếc TT-26 đã đi đầu trong đợt tấn công bằng xe tăng, yểm trợ cho những chiếc tăng “tiêu chuẩn” T-28 và đã bị pháo binh Phần Lan tiêu diệt hoàn toàn.

Tiếp theo, một số xe tăng điều khiển từ xa của Tiểu đoàn 217 đã được sử dụng như xe tăng thông thường nhằm yểm trợ cho lính bộ binh. Quyết định này được đưa ra có thể vì lý do, trên những chiếc tăng điều khiển từ xa xuất hiện lỗi cơ bản. Theo đó, ở địa hình gập ghềnh và gần đường dây điện cao thế, các thiết bị của loại xe tăng này không thể nhận tín hiệu vô tuyến.

Những chiến dịch tháng 2-1940

Trong những chiến dịch diễn ra vào tháng 2-1940, xe tăng điều khiển từ xa được quyết định sử dụng để thực hiện những nhiệm vụ “tự sát”, khi không cần thiết phải mạo hiểm bằng tính mạng con người.

Ngày 10-2, với sự hỗ trợ của những chiếc TT-26, quân Nga dự định phá nổ hỏa điểm kiên cố số 35 tại khu vực Hotinen trên tuyến phòng thủ Mannerheim. Để thực hiện mục đích này, họ đã cho chất nổ vào ba chiếc xe tăng điều khiển từ xa. Tuy nhiên, chiếc đầu tiên khi tiến đến trận địa của Phần Lan, đã rơi vào hỏa lực và nổ tung khi còn cách xa mục tiêu. Sau đó, hai chiếc TT-26 còn lại bị tháo bỏ vũ khí.

Từ ngày 14 đến ngày 18-2, bốn chiếc tăng điều khiển từ xa bị nổ tung trên các bãi mìn. Sau đó, Tiểu đoàn số 217 được đưa về làm quân hậu bị. Tiểu đoàn này bị mất tổng cộng 42 chiếc điều khiển từ xa, trong đó có 6 chiếc không thể phục hồi.

Ngày 28-2-1940, những chiếc TT-26 khác được điều ra chiến trận ở ngoại ô thành phố Vyborg, nhưng tất cả đều trở thành mục tiêu dễ hắn hạ cho pháo chống tăng của quân đội Phần Lan, sau khi chúng rơi vào những hố đạn.

Hiện các nhà nghiên cứu vẫn đang tranh cãi về tính hiệu quả của những xe tăng điều khiển bằng sóng vô tuyến. Một số nhà nghiên cứu dẫn số liệu về hai hỏa điểm kiên cố của Phần Lan bị phá nổ, trong khi số khác thì nói rằng, quân địch hầu như không chịu thiệt hại nào. Trong bất kỳ trường hợp nào, thì hiệu suất thực tế trong chiến đấu của những xe tăng này đều không thể so với những khoản tiền rất lớn được đầu tư để chế tạo ra chúng. Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), những chiếc TT-26 vẫn được sử dụng như những xe tăng chiến đấu thông thường mà không gắn thiết bị điều khiển từ xa.

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)