Giảm tối đa biện pháp chống dịch khác biệt, "không cần thiết"

Xã hội - Ngày đăng : 16:39, 25/07/2021

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cần giảm tối đa những điều kiện, biện pháp khác biệt, không cần thiết, thống nhất áp dụng “nguyên tắc công nhận lẫn nhau."
Giam toi da bien phap chong dich khac biet, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Phan Đức Hiếu phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 25/7, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Đáng chú ý, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cần giảm tối đa những điều kiện, biện pháp khác biệt, không cần thiết, thống nhất áp dụng “nguyên tắc công nhận lẫn nhau” giữa các cơ quan, địa phương; đặc biệt, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật nhằm hạn chế những vướng mắc, lúng túng của các địa phương, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Áp dụng “nguyên tắc công nhận lẫn nhau” để cùng chống dịch

Về các báo cáo của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội của Quốc hội, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) thống nhất với tính khách quan, thẳng thắn, toàn diện và khoa học của các báo cáo, trong đó, tập trung đưa ra những chỉ tiêu đạt và chưa đạt được; 8 nhóm giải pháp về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới…

Đánh giá cao những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, đây là những đóng góp thiết thực cho việc thực hiện mục tiêu kép, do đó, báo cáo cần nhấn mạnhđóng góp của lực lượng doanh nghiệp và người dân trong phòng, chống dịch COVID-19.

Liên quan đến giải pháp thực hiện mục tiêu kép trong các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Phan Đức Hiếu kiến nghị cần bổ sung nội dung tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan, địa phương trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, áp dụng “nguyên tắc công nhận lẫn nhau” và công khai thông tin về các biện pháp phòng dịch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, hiện nay, do bối cảnh dịch bệnh ở các địa phương khác nhau nên các biện pháp phòng, chống dịch rất khác nhau. "Trong một hoàn cảnh nào đó, đây là các biện pháp cần thiết.

Nhưng nếu như sự khác biệt giữa các biện pháp phòng, chống dịch dẫn đến ùn tắc về việc lưu thông hàng hóa và con người. Ngay lúc này, trên các tuyến đường quốc lộ vẫn đang ùn tắc hàng hóa. Việc phối hợp giữa các địa phương trong trường hợp này nhằm giảm tối đa những điều kiện, biện pháp khác biệt, không cần thiết", đại biểu nhấn mạnh.

Nêu ví dụ liên quan đến ứng dụng (app) đăng ký tiêm phòng vaccine phòng COVID-19, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, nếu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công khai các thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch, các chính sách hỗ trợ, thậm chí cho người dân đóng góp ý kiến, phản biện trực tiếp… qua các app; từ đó, có thể tăng niềm tin của người dân, tăng cường thông tin chính thống, thậm chí còn giảm bớt thông tin xuyên tạc, sai sự thật.

Nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi, tái cơ cấu lại doanh nghiệp

Về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, ngoài những biện pháp hỗ trợ trực tiếp về mặt tài chính, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị bổ sung thêm nội dung xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi, tái cơ cấu lại doanh nghiệp.

“Các biện pháp hỗ trợ tài chính cần thiết nhưng về mặt dài hạn, nếu không có chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực, kể cả khi nhận được hỗ trợ về mặt tín dụng, doanh nghiệp không có khả năng "hấp thụ" cũng không thể phát huy đầy đủ tác dụng,” đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của Quốc hội, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị: "Cần bổ sung thêm nội dung rà soát, nhanh chóng bãi bỏ các quy định cản trở đổi mới sáng tạo, hoàn thiện các quy định nhằm tạo thuận lợi cho việc gia nhập, rút lui khỏi thị trường, cơ cấu lại doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy mô hình kinh doanh xã hội hướng tới một nền kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững."

Đặc biệt, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, trong trường hợp này, dự thảo nghị quyết không thể "tiếp tục mãi mãi" mà cần phải nhanh chóng hơn nữa; đồng thời nên dùng từ "bãi bỏ" thay cho cụm từ "rà soát, bổ sung," bởi Chính phủ đang làm rất tốt trong việc bãi bỏ hàng nghìn quy định về điều kiện kinh doanh trong thời gian vừa qua.

“Trong bối cảnh như hiện nay, từ kinh nghiệm quốc tế, đây là một cơ hội để tái cơ cấu lại nền kinh tế và hướng đến một nền kinh tế năng động hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn. Do đó, việc cải cách thể chế là cần thiết và tạo nền tảng cho việc đổi mới căn cơ, cơ bản về kinh tế”, đại biểu Phan Đức Hiếu khẳng định.

Tăng cường năng lực đội ngũ pháp chế

Nhất trí với nội dung các báo cáo, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng, trong 5 năm qua, cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng mừng trên các mặt kinh tế-xã hội; bên cạnh đó, các báo cáo cũng chỉ ra những mặt hạn chế cụ thể.

Theo đó, hầu hết các hạn chế trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, kể cả vướng mắc, lúng túng ở một số địa bàn liên quan đến phòng, chống dịch trong thời gian qua, có nguyên nhân do thể chế pháp luật còn hạn chế, bất cập.

Giam toi da bien phap chong dich khac biet, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Đồng Ngọc Ba phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

“Vì vậy, việc Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó nòng cốt là hệ thống pháp luật là xác đáng”, đại biểu Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh.

Để đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ này, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, trong đó từ đầu năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức rà soát, đánh giá hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương (khoảng 8.800 văn bản, trong đó có khoảng 230 luật), qua đó, phát hiện hàng trăm văn bản quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp thực tiễn và đã báo cáo Quốc hội một số nội dung.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh: "Đây là nguồn dữ liệu đầu vào rất quan trọng, có thể đề xuất chính sách mới hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật sát thực tiễn. Tôi đánh giá cao và rất phấn khởi với sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời xử lý các kết quả rà soát này.

Tuy nhiên, những bất cập đã được phát hiện qua rà soát văn bản còn rất lớn, các cấp độ văn bản khác nhau mới chỉ xử lý được một phần. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, coi đây là giải pháp cơ bản, thường xuyên để đảm bảo chất lượng của thể chế nói chung và hệ thống pháp luật nói riêng; đề nghị Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội quan tâm giám sát nội dung này."

Để thực hiện được nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng cần tăng cường năng lực đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật, trước hết là đội ngũ pháp chế chuyên trách ở cấp bộ, ngành và chính quyền cấp tỉnh, gọi chung là đội ngũ pháp chế.

Mặc dù đã có nhiều giải pháp để huy động chuyên gia, trí tuệ xã hội nhưng đây vẫn là lực lượng nòng cốt, ảnh hưởng trực tiếp nhất đến chất lượng của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kể cả hiệu quả thi hành pháp luật.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh, với tầm quan trọng đặc biệt của thể chế, rất cần phải có giải pháp đủ mạnh, ưu tiên củng cố, tăng cường năng lực để phát triển. Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã rất quan tâm, kịp thời chỉ đạo nhiều giải pháp đổi mới, trong đó có ý kiến chỉ đạo cần đầu tư thỏa đáng cả về con người và kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật.

"Mặc dù đội ngũ pháp chế đã từng bước được củng cố, có nhiều đóng góp, có kết quả tốt công tác xây dựng, tổ chức hành pháp luật nhưng nhìn chung, đội ngũ này chưa ngang tầm nhiệm vụ, nhất là về tính chuyên nghiệp, kỹ năng phân tích, dự báo, xây dựng chính sách áp dụng pháp luật; bất cân xứng giữa đội ngũ này với khối lượng công việc xây dựng và thi hành pháp luật đặt ra ngày càng nhiều, nhiều việc mới, nhiều việc khó," đại biểu Đồng Ngọc Ba chia sẻ.

Theo thống kê sơ bộ hiện nay, đội ngũ pháp chế chuyên trách ở Trung ương có khoảng 1.400 người, trong đó làm chuyên trách pháp chế tại các bộ, cơ quan ngang bộ khoảng 1/3; chuyên trách pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh khoảng 450 người. Đáng quan tâm, đại biểu cho biết, đội ngũ này đang có xu hướng giảm với do nhiều trường hợp xin chuyển công việc, đáng tiếc, nhiều người được đào tạo cơ bản, có năng lực.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm khẩn trương hoàn thiện quy định về tổ chức pháp chế, đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng, trước mắt cần có biện pháp cụ thể, sớm khắc phục một số giải, một số bất cập.

Cụ thể, nhiều cơ quan tuyển biên chế pháp chế nhưng bố trí công việc khác hoặc kiêm nhiệm; nhiều cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh hiện nay không có vị trí việc làm pháp chế; nhiều công chức pháp chế, nhất là địa phương nợ tiêu chuẩn khoảng 30% chưa có bằng cử nhân luật theo quy định...

Do đó, đại biểu đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, trước hết, thực hiện có kết quả những chỉ đạo vừa qua của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trực tiếp phụ trách công tác pháp chế, chỉ đạo công tác pháp chế; quan tâm, tạo điều kiện, cơ hội thực chất cho cán bộ, công chức pháp chế phát triển.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba đề xuất: "Chính phủ quan tâm nghiên cứu việc quy định chức danh nghề cho người làm công tác pháp chế chuyên trách. Thực tế cho thấy, làm ra quy định pháp luật tốt là công việc rất khó, tốn kém thời gian, công sức. Đổi lại hệ thống pháp luật tốt có thể xem là tài sản vô cùng quý giá của quốc gia, là nguồn lực cho đất nước phát triển bền vững."

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ đặt công tác pháp chế xây dựng pháp luật thuộc nhóm việc đòi hỏi khắt khe nhất về phẩm chất, tư duy trí tuệ, đạo đức nghề, từ đó có cơ chế thu hút, đãi ngộ phù hợp, tiền lương thỏa đáng cho đội ngũ pháp chế khi triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương trong thời gian tới.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 tại nội dung về giải pháp tăng cường năng lực cho đội ngũ pháp chế; đồng thời đề nghị hàng năm Chính phủ báo cáo nội dung này tại báo cáo chung về kết quả phát triển kinh tế-xã hội./.

Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)

Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)