Uy lực đáng gờm của ‘thần lửa’ S-500

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:05, 25/07/2021

Baoquocte.vn. Hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 Prometheus của Nga được đánh giá có sức mạnh vượt trội gấp nhiều lần so với S-400, và giúp nước này có được một lá chắn "bất khả xuyên thủng".
Hệ thống phòng không S-500 Prometheus hứa hẹn cho Nga một lá chắn bất bại. (Nguồn: mil.ru)
Hệ thống phòng không S-500 Prometheus hứa hẹn cho Nga một lá chắn bất bại. (Nguồn: mil.ru)

Ngày 7/7, trả lời phỏng vấn báo Krasnaya Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga, người đứng đầu bộ phận tên lửa phòng không thuộc Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga, ông Sergei Babakov tuyên bố S-500 đã được thử nghiệm thành công với các vụ phóng tên lửa phòng không có dẫn đường.

Ông Babakov cho biết Nga đã tiến hành hàng loạt thử nghiệm phóng tên lửa phòng không có dẫn đường nhắm vào mục tiêu trên không và tất cả đều cho kết quả khả quan. Như vậy, quân đội Nga có thể sớm triển khai hệ thống phòng không tối tân này.

Tuy rằng, ngân sách quốc phòng hằng năm của Nga không bằng 1/10 so với chi tiêu quân sự của Mỹ, nhưng với sự xuất hiện của S-500, Moscow đã bỏ Washington rất xa trong việc phát triển vũ khí nói chung, và sản xuất tên lửa liên lục địa phóng từ đất liền, tên lửa phòng không nói riêng.

Khởi đầu khó khăn

Mặc dù có chung tên gọi với dự án S-500U của những năm 1960, nhưng hai hệ thống này không có nhiều điểm chung. Hệ thống phòng không đa kênh S-500U là sáng kiến năm 1968 của Liên Xô nhằm tạo ra một tổ hợp vũ khí chống máy bay cho toàn bộ quân đội sử dụng. Tuy nhiên, do không thể phòng thủ trước tên lửa đạn đạo tầm ngắn, dự án này đã bị quân đội Liên Xô gạch bỏ. Sau đó, Moscow phát triển và triển khai hệ thống S-300 vào cuối những năm 1970.

Sau khi cho ra mắt hệ thống S-400 đầu tiên vào năm 2007, công ty Almaz-Antei đã không bỏ lỡ giây phút nào và nhanh chóng bắt tay phát triển hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới theo đơn đặt hàng của chính phủ Nga.

Các nguồn tin khi đó cho biết, hệ thống này dựa trên thiết kế của S-400, có khả năng đánh bại máy bay thế hệ thứ năm và vệ tinh quỹ đạo thấp, đồng thời ngăn chặn các mối đe dọa từ tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, giống như những gì mà S-300 và S-400 đã thể hiện thành công.

S-500 trải qua một chặng đường nghiên cứu và phát triển đầy chông gai. Năm 2009, hệ thống gần như hoàn tất giai đoạn thiết kế tại Almaz-Antey và được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2012. Tháng 2/2011, đã có thông báo rằng những chiếc S-500 đầu tiên được sản xuất hàng loạt vào năm 2014.

Hai nhà máy sản xuất S-500 dự kiến được xây dựng vào năm 2013, với các đợt giao hàng đầu tiên sau đó được lên kế hoạch vào năm 2015 hoặc 2017. Tuy nhiên, do gặp phải những chướng ngại trong khâu thử nghiệm, kế hoạch sản xuất bị đẩy lùi hai lần. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định, sau khi hoàn tất thử nghiệm, việc chế tạo hàng loạt S-500 được bắt đầu trong năm nay.

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, trong vòng năm năm tới, 120 hệ thống S-500 sẽ được biên chế cho 30 trung đoàn phòng không.

Những tính năng ưu việt

Tuy được phát triển dựa trên thiết kế của S-400 nhưng S-500 là một sự ứng biến mạnh mẽ so với hệ thống tiền nhiệm, nếu không muốn nói là có sự thay đổi gần như hoàn toàn. Hệ thống vũ khí này mang lại những khả năng mới trong chiến tranh phòng thủ mà không quốc gia nào hiện có.

S-500 của Nga được thiết kế để chống lại các nền tảng tàng hình tiên tiến của NATO, bao gồm tiêm kích F-35 Lighting II và F-22 Raptor, được coi là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới.

S-500 dự kiến có tầm bắn lên đến 600km so với 400km của S-400. Tầm hoạt động của radar cũng xa hơn S-400 và hệ thống này sẽ có tiềm năng tiêu diệt các mục tiêu siêu thanh và tên lửa đạn đạo bằng các tên lửa đánh chặn hoạt động ở độ cao hơn 185km.

Trong các cuộc thử nghiệm trước đó, S-500 được cho là đã bắn trúng tên lửa mục tiêu từ cự ly 480km, đây là cuộc tấn công tầm xa nhất của bất kỳ hệ thống phòng không nào. Theo thông tin không chính thức, S-500 có thời gian phản hồi khoảng 3-4 giây, ít hơn một nửa so với 9-10 giây của S-400.

Tính năng quan trọng nhất là việc áp dụng tên lửa loạt 77N6 được nâng cấp, sử dụng để đánh chặn tên lửa siêu vượt âm và bất kỳ nền tảng vũ khí nào khác bay với tốc độ trên Mach 5. S-500 ứng biến trong phạm vi đánh chặn với khả năng tấn công tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 600 km, có khả năng bắn trúng ít nhất 10 tên lửa bay tới với tốc độ trên 7km/giây.

Các nhà sản xuất cũng tuyên bố hệ thống này có thể tiêu diệt các vệ tinh quỹ đạo tầm thấp hoặc vũ khí không gian phóng từ máy bay siêu vượt âm, tấn công UAV siêu âm và các nền tảng quỹ đạo. Với tính năng này, S-500 trở thành hệ thống phòng không ưu việt nhất mà hiện các cường quốc quốc phòng khác chưa thể áp dụng được.

Đối thủ phương Tây gần nhất của S-500 là Patriot PAC-3 do Mỹ chế tạo. Cả hai hệ thống đều có khả năng bắn hạ cả máy bay và tên lửa đạn đạo. Nếu những tuyên bố của Nga về việc hệ thống S-500 có thể tiêu diệt tên lửa siêu thanh và vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp là đúng, thì chắc chắn S-500 ưu việt hơn so với Patriot.

Kỹ sư trưởng Pavel Sozinov thuộc công ty Almaz-Antei cho biết, S-500 là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Mỹ. Hệ thống S-500 có thể vô hiệu hóa các vũ khí tấn công của Mỹ và vượt qua tất cả các hệ thống phòng không và chống tên lửa được quảng cáo rầm rộ của Mỹ.

Theo National Interest, năm ngoái, Tổng thống Putin đã nói với phóng viên nước này rằng, Nga thực sự đi trước một bước so với phần còn lại của thế giới, vì nước này đang phát triển các nền tảng để ngăn chặn tên lửa siêu vượt âm trước khi bất kỳ đối thủ tiềm năng nào có vũ khí như vậy.

Nga và Mỹ hiện là “bá chủ” trên thị trường vũ khí quốc tế, không ngừng đưa các thiết bị tiên tiến của mình ra thị trường, tạo ra một trào lưu mới trong lĩnh vực thiết bị quân sự của thế giới. Mỹ đang chiếm 70-75% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí hằng năm còn Nga chỉ chiếm 25-30%. Sự cạnh tranh giữa hai bên là vô cùng khốc liệt.

Tương lai quốc phòng Nga

Hiện vẫn chưa có thông tin về việc có bao nhiêu chiếc S-500 sẽ được sản xuất, hay khi nào quân đội Nga sẽ đưa S-500 vào sử dụng trên thực chiến. Tuy nhiên, do giá thành sản xuất cao, Điện Kremlin sẽ khó có thể thay thể toàn bộ hệ thống S-400 bằng S-500. Thay vào đó, hệ thống này sẽ được sử dụng kết hợp với các hệ thống phòng không trước đó của Nga, nhằm giúp Moscow đối đầu với những tình huống và mối đe dọa ở tầm xa hơn.

Các chuyên gia quân sự nhận định, sau khi gia nhập biên chế Quân đội Nga, S-500 Prometheus cùng với các tổ hợp tên lửa phòng không khác như S-400, S-300 và S-350 sẽ tạo ra mạng lưới phòng không thống nhất, và trở thành một lá chắn hoàn hảo, không thể bị xuyên thủng. Những hệ thống này sẽ là trụ cột chính của lực lượng phòng không Nga.

Các chuyên gia quốc phòng phương Tây đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về S-500 vì hệ thống này là mối đe dọa lớn với các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm của Mỹ như F-35, F-22, B-2.

Ngoài ra, hiện vẫn chưa có thông tin liệu Nga có kế hoạch xuất khẩu S-500 như đã làm với S-400 hay không. Năm 2019, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận với Nga để mua khoảng năm hệ thống S-400 và gần đây đã thanh toán trước một phần kinh phí.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, đã mua S-400 và cũng dự định mua các máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga, mặc dù vấp phải rất nhiều chỉ trích, nhất là từ Mỹ. Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Ankara sẵn sàng xem xét việc mua S-500 trong tương lai. Nếu S-500 có phiên bản xuất khẩu, nó sẽ là “quả bom tấn” của Nga trên thị trường vũ khí quốc tế và sẽ để lại dấu ấn sâu sắc cho Nga trong lĩnh vực này.

Kể từ khi trở thành Tổng thống, ông Putin đã đề ra một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Nga trong thời hiện đại là việc hiện đại hóa vũ khí và thiết bị quân sự, cũng như trình làng những loại vũ khí “độc đáo, không có loại tương tự trên thế giới”.

Với việc cho ra mắt S-500, Nga lại tiến thêm một bước quan trọng nữa trong quá trình phát triển quốc phòng.

Quang Đào