Các công ty dầu khí lớn đã che đậy dự đoán về biến đổi khí hậu từ hơn 40 năm trước

Công nghệ - Ngày đăng : 11:47, 23/07/2021

Những khám phá từ hơn 20 vụ kiện tụng nhắm vào các ông lớn về dầu mỏ đã giúp ta hé lộ sự thật rằng người ta đã coi nhẹ và bỏ qua vấn nạn biến đổi khí hậu từ cách đây hơn 40 năm, trước cả khi công chúng, chính phủ hay các ngành công nghiệp biết tới khái niệm này.

Các công ty dầu khí lớn đã che đậy dự đoán về biến đổi khí hậu từ hơn 40 năm trước

Marty Hoffert: "Tôi chưa bao giờ cho rằng nó sẽ trở thành một vấn đề chính trị". Ảnh: Zack Wittman/The Guardian

Từ tận năm 1958, ngành công nghiệp dầu mỏ đã thuê các nhà khoa học và các kỹ sư để nghiên cứu vai trò của tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đối với sự nóng lên toàn cầu. Mục tiêu vào thời điểm đó là giúp các tập đoàn lớn hiểu được những thay đổi trong bầu khí quyển của Trái đất có thể ảnh hưởng như thế nào đến ngành công nghiệp và tìm ra cái giá thấp nhất mà họ phải đánh đổi. Nhưng những gì mà các giám đốc điều hành cấp cao xem được chính là dự báo về cuộc khủng hoảng khí hậu, sớm hơn vài chục năm trước khi vấn đề này chạm tới sự quan tâm của công chúng.

Những gì họ phát hiện ra và cách mà các công ty dầu mỏ đã xử lý chỗ thông tin ấy đều là trọng tâm của hơn 20 vụ kiện nhằm buộc ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch phải chịu trách nhiệm về vai trò của họ trong việc biến đổi khí hậu. Nhiều vụ dựa trên tài liệu nội bộ dự đoán về hiện tượng nóng lên toàn cầu với độ chính xác đáng kinh ngạc từ cách đây 40 năm. Nhưng khi nhìn lại, nhiều nhà khoa học trong số các vụ kiện trên tiết lộ rằng khi ấy hiếm ai lại đứng ra tự tố giác chính những công ty dầu khí lớn này.

Một số nhà nghiên cứu sau đó đã đứng ra làm chứng trước Quốc hội Hoa Kì, dùng kiến thức nội bộ của mình để vạch trần thủ đoạn gian dối công chúng của ngành công nghiệp dầu mỏ. Có người còn nghi ngại về chính giá trị thu được từ nghiên cứu của họ đối với con mắt của lãnh đạo doanh nghiệp dầu mỏ.

Dẫu vậy, ít ai khi ấy lại nghĩ rằng những nỗ lực của họ sẽ để lại những dấu ấn tích cực đối với quá trình áp đặt trách nhiệm cho ngành dầu khí như hiện nay. BáoThe Guardian của Anh đã tìm gặp ba trong số các nhà khoa học kể trên để cùng tìm hiển về cách họ tự nhìn nhận vai trò của mình đã thay đổi như thế nào.

Tiến sĩ Martin Hoffert, 83 tuổi, nhà vật lý, cố vấn cho Exxon từ năm 1981 đến năm 1987

Khi tôi bắt đầu cố vấn cho Exxon, tôi hiểu được rằng không sớm thì muộn Trái đất sẽ bị ảnh hưởng bởi CO2. Chỉ có một số ít người trên thế giới đang tích cực giải quyết vấn đề này vì tín hiệu ấm lên toàn cầu vẫn chưa thể hiện trong dữ liệu. Vì vậy, tôi được mời tham gia một nhóm nghiên cứu tại Exxon, đổi lại chúng tôi sẽ công bố nghiên cứu của mình trên các tạp chí bình duyệt. Cả nhóm chúng tôi cùng nhau để tìm ra các mà khí quyển hành tinh hoạt động.

Chúng tôi đã làm rất tốt tại Exxon. Và đã có tám bài báo khoa học được xuất bản trên nhiều tạp chí, bao gồm cả dự đoán về Trái Đất sẽ nóng lên bao nhiêu sau 40 năm nữa do tích tụ CO2. Năm 1980, chúng tôi có dự đoán về sự nóng lên của khí quyển do đốt nhiên liệu hóa thạch vào năm 2020. Khi ấy, con số chúng tôi đưa ra là 1 độ C, và kết quả đã hoàn toàn chính xác.

Tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ rằng nó sẽ trở thành một vấn đề chính trị. Khi ấy tôi chỉ nghĩ rằng: "Mình phân tích, rồi báo cáo, sau đó, các chính trị gia trên thế giới sẽ đọc chúng và thực hiện những thay đổi thích hợp, thay đổi toàn cục hệ thống năng lượng của chúng ta". Tôi là nhà khoa học nghiên cứu. Trong lĩnh vực của tôi, một khi phát hiện ra điều gì đó hợp lí, thì bạn là người hùng. Nhưng tôi lại không nhận ra được cái khó để thuyết phục mọi người, ngay cả khi bằng chứng đang nằm ở trước mắt họ.

Các công ty dầu khí lớn đã che đậy dự đoán về biến đổi khí hậu từ hơn 40 năm trước

Marty Hoffert: "Tôi đã không nhận ra được cái khó để thuyết phục mọi người". Ảnh: Zack Wittman/The Guardian

Cũng cái năm 1980 ấy, có một cậu làm việc cho Exxon, cậu ấy là một trong những người phát minh ra pin lithium dùng cho cho xe điện ngày nay. Công trình nghiên cứu ấy đã mang lại cho cậu ấy giải Nobel Hóa Học. Giá mà đội ngũ điều hành của Exxon đã nghiêm túc xem xét dự đoán trước đó của chúng tôi. Họ đáng nhẽ đã có thể xây dựng các nhà máy khổng lồ để sản xuất pin lithium, tạo điều kiện cho quá trình chuyển dịch sang ô tô điện. Thay vào đó, họ sa thải cậu ấy, chấm dứt toàn bộ công trình nghiên cứu về năng lượng và bắt đầu tài trợ cho những kẻ không tin vào biến đổi khí hậu.

Mọi người hay thường hỏi tôi: "Chúng ta còn bao lâu trước khi có thể ngăn chặn vấn nạn này?". Làm gì còn thời gian nữa mà hỏi, nó đã xảy ra từ lâu rồi.

Ken Croasdale, 82 tuổi, nhà nghiên cứu, kỹ sư tại Imperial Oil từ năm 1968 đến năm 1992

Khi mới vào làm việc tại Imperial Oil từ cuối thập niên 1980, tôi đã lãnh đạo một nhóm nhỏ chịu trách nhiệm về nghiên cứu và phát triển các kế hoạch liên quan tới Bắc Cực. Chuyên môn của tôi là xây dựng công trình ngoài khơi ở vùng Bắc Cực. Vào đầu những năm 90, tôi đã từng cân nhắc về viễn cảnh: nếu nhiệt độ Bắc Cực thực sự đang tăng lên, thì những dự đoán về điều kiện băng giá tại đây sẽ là gì và những thay đổi đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta hoạt động?

Tôi đã đặc biệt cân nhắc về các hoạt động ngoài khơi. Khi xem xét các cấu trúc kỹ thuật, chúng tôi quan tâm tới độ dày của lớp băng. Khi ấy, một trong những vấn đề nằm ở việc dự đoán sự tan chảy của lớp băng khi khí hậu nóng lên. Hiện tượng ấy sẽ ảnh hưởng thế nào tới thiết kế dàn khoan của công ty?

Vào thời điểm đó, nghiên cứu khí hậu không phải là vấn đề quan trọng đối với công ty. Còn có quá nhiều điều không chắc chắn, người ta sẽ cứ thế mà lắc đầu, nhún vai rồi qua cho mọi việc bởi vấn đề này khi ấy cũng chẳng phải là chuyện gì to tát.

Về quan điểm cá nhân tôi cho là biến đổi khí hậu đang xảy ra. Nhưng động lực chính là dân số và sự tiêu dùng. Khi ông tôi sinh ra, dân số thế giới khoảng 1,3 tỷ người. Đến tôi, thì nó là 2,2 tỷ, và ngày nay là 7,5 tỷ. Liên Hợp Quốc dự đoán dân số khoảng 10 tỷ người vào năm 2055. Theo quan điểm của tôi, đây là động lực chính của mọi tác nhân gây tác động tiêu cực tới môi trường của chúng ta.

Cá nhân tôi không cảm thấy khó chịu khi làm việc cho các công ty dầu mỏ. Tất cả những người tôi đã làm việc cùng đều trung thực và có đạo đức như những đồng nghiệp của tôi ở các tổ chức khác. Tôi không cảm thấy mình như đang giúp "đế chế ác độc", tôi không hề thấy xấu hổ. Điều tôi làm chỉ là giúp một công ty sản xuất một sản phẩm đang được tiêu thụ ồ ạt trên toàn cầu.

Steve Lonergan, 71 tuổi, cố vấn của Exxon từ năm 1989 đến năm 1990

Các công ty dầu khí lớn đã che đậy dự đoán về biến đổi khí hậu từ hơn 40 năm trước

Ảnh: Radio-Canada

Vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, tôi đã tham gia nghiên cứu về các tác động xã hội và kinh tế của biến đổi khí hậu đối với phía bắc của Canada. Vào thời điểm đó, không có nhiều người làm việc kiểu này. Chi nhánh Exxon Canada hỏi tôi liệu có thể đưa ra đánh giá xem điều này có thể ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của họ ở phía Bắc.

Các mô hình nghiên cứu khi ấy rộng nhất cũng chỉ tới quy mô khu vực và gồm những ước tính chung chung về mức độ CO2. Ở trong một nhóm kĩ thuật mà tôi còn chẳng biết mình có chút tác động gì đến ban lãnh đạo cấp cao của Exxon hay không. Một vài kỹ sư lo ngại về vấn đề khí hậu nóng lên, nhưng lên tiếng hay không thì lại là chuyện khác.

Hầu hết các nhà khoa học vào thời điểm đó đồng nhận rằng sự phát thải CO2 sẽ có ảnh hưởng đến nhiệt độ và lượng mưa. Nhưng hiển nhiên là công chúng không biết, các ngành công nghiệp khác cũng không biết và chính phủ thì cũng thế. Nhưng hầu hết các cộng đồng khoa học đều gần như nhất trí tới mức mà vấn đề này chẳng phải mới lạ gì với bất kì ai trong chúng tôi.

Vào thời điểm đó, các mô hình dữ liệu rất chung chung, nhưng cũng đủ để cho ta thấy được rằng nếu càng tiến xa hơn về phía Bắc, sự nóng lên về khí hậu sẽ càng lộ rõ. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn tới sự tan chảy của băng tuyết. Khi ấy người ta lại tự hỏi tiếp rằng: "Vấn đề này có ý nghĩa thế nào đối với lớp băng vĩnh cửu, tới sự tách rời của các khối băng lớn?".

Các cộng sự và tôi luôn quan tâm đến việc xem xét không chỉ về nhiệt độ hay lượng mưa trung bình, mà còn đến sự biến thiên, các điểm cực trị. Chúng tôi bắt đầu cố gắng tìm ra cách để mô hình hóa các cực đại về nhiệt độ và lượng mưa. Điều này rất quan trọng đối với khu vực phía bắc vì có những cộng đồng sinh sống tại các vùng mà tủ lạnh đối với họ chỉ là một cái thùng đặt bên ngoài trời mùa đông. Cái tủ ấy có thể trữ đông thị tuần lộc mà chẳng cần tới điện năng.

Nhưng một khi điểm cực đại về nhiệt độ tháng Giêng vượt qua ngưỡng đóng băng của nước, thì sẽ gây ra vấn đề về nguồn cung thực phẩm. Chúng tôi đã thực hiện một số mô hình và kết luận rằng nếu mức CO2 tăng gấp đôi, hiện tượng có tới 50% khả năng xảy ra vào bất kỳ ngày nào trong tháng Giêng, thì nơi mà trước kia quanh năm ở mức nhiệt -32 độ C sẽ nóng vượt ngưỡng đóng băng.

Thật vậy, 6-7 năm sau, không một ngày nào trong suốt hai tuần nhiệt độ ở dưới ngưỡng ngưỡng đóng băng, tất cả thịt tuần lộc đều tan giá. Tôi đã không ngờ rằng chuyện lại có thể xảy ra nhanh đến vậy, đó cũng là một trong những cơn sốc lớn nhất đời tôi.

Suốt một thời gian dài, tôi không hề tham gia các tổ chức như Câu lạc bộ Sierra hay Hiệp hội Hoang dã Tây Canada, bởi tôi muốn được nhìn nhận như một người quan sát khách quan. Tôi muốn mọi người xem tôi như là người có tiếng nói thông qua con số từ các cuộc nghiên cứu. Biến đổi khí hậu là một vấn đề môi trường rất nghiêm trọng và vì vậy chúng ta cần có những nghiên cứu chất lượng về vấn đề này.

Chúng ta có những người như Greta Thunberg, đó là mẫu người mà chúng ta đang thiếu. Nhưng ngoài ra, ta còn cần một cộng đồng khoa học sẵn sàng đưa ra những bằng chứng về những biến đổi đang diễn ra ngoài kia. Đó là vai trò mà tôi đã chơi trong bấy lâu nay.

Trung ND (Theo The Guardian)