Bà Rịa – Vũng Tàu: Thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 10:43, 22/07/2021

(TN&MT) - Thời gian qua, ngoài việc chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; chủ động khắc phục, xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường; UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn chú trọng đến công tác đầu tư hạ tầng để bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh.

Kiểm soát chặt các nguồn thải

Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp, du lịch, dầu khí, cảng biển, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản,… Tuy nhiên, đi kèm theo với sự phát triển của kinh tế - xã hội nhanh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có một số khu vực trên địa bàn đang là “điểm đen”, “điểm nóng” về môi trường.

Trước thực trạng trên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, BVMT. Trong đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các Sở ngành, địa phương tăng cường các giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa bàn. Theo đó, đến nay, các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đầu tư các trạm quan trắc tự động nước mặt tại các hồ cấp nước, nhằm đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Cụ thể, hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 15 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích 8.510 ha, trong đó có 12/15 KCN đã đi vào hoạt động chính thức. Tổng lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 45.000 m3/ngày đêm. Tất cả 12 KCN đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước thải theo quy định hiện hành.

Đồng thời, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 4 cụm công nghiệp (CCN) đi vào hoạt động, tổng lượng nước thải phát sinh trung bình 46.350 m3/ngày đêm. Tất cả 4 CCN đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong đó, 1 CCN đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước thải, 3 CCN còn lại đang đầu tư hệ thống quan trắc tự động theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã yêu cầu các KCN có kế hoạch lộ trình thực hiện đầu tư mới hoặc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt cột A, QCVN 40: 2011/BTNMT, bảo đảm đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 KCN đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt cột A, QCVN 40: 2011/BTNMT là KCN Phú Mỹ 3, Sonadezi Châu Đức, Đất Đỏ 1, Mỹ Xuân B1-Conac.

Đối với việc kiểm soát các cơ sở có nguồn thải lớn (nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm) ngoài KCN, CCN, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 10 cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải lớn như: Công ty CP Giấy Mỹ Xuân, Công ty TNHH Thép Posco Việt Nam, Công ty CP Hóa chất hiếm Việt Nam, Nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung tại TP. Vũng Tàu, Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ... Tất cả đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy định.

Đối với các nguồn thải có chứa yếu tố độc hại (chứa hóa chất, các chất có độc tố mạnh, chất ô nhiễm tồn lưu), tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 35 cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và đều hoạt động trong các KCN, trong đó có 6 cơ sở sản xuất hóa chất, 2 cơ sở sản xuất giấy, 2 cơ sở sản xuất dệt nhuộm, 3 cơ sở sản xuất thuộc da, 22 cơ sở sản xuất thép. Tất cả các cơ sở đang hoạt động đều đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải khí thải theo quy định và được các Sở, ban, ngành và các địa phương giám sát chặt.

Riêng đối với việc kiểm soát nguồn thải tại các làng nghề, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 6 nghề truyền thống, nhưng chỉ có nghề làm bún ở Long Kiên, TP. Bà Rịa có phát sinh nguồn thải, do vậy trong giai đoạn 2016 -2020, tỉnh đã sử dụng ngân sách (1,5 tỷ đồng/năm) để hỗ trợ các hộ sản xuất bún đầu tư công trình xử lý nước thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đến nay có khoảng 44 hộ sản xuất bún được hỗ trợ đầu tư công trình xử lý nước thải, do đó nguồn thải tại khu vực sản xuất này cơ bản được kiểm soát tốt.

Tập trung phát triển hạ tầng

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Thời gian qua, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, BVMT trên địa bàn, ngoài việc hoàn thiện các chính sách pháp luật về BVMT, hàng năm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn bố trí đầy đủ kinh phí sự nghiệp môi trường, riêng năm 2020 đã bố trí 650 tỷ đồng chiếm khoảng 2,74% tổng chi ngân sách của địa phương. Tỉnh cũng chú trọng đến công tác đầu tư hạ tầng để BVMT.

Tính đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên tại TX. Phú Mỹ với diện tích 137,6 ha và đã thu hút được 17 dự án xử lý các loại chất thải rắn, hiện nay có 10/17 dự án đã được hoàn thành đi vào hoạt động; dự án đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn hoạt động tại khu vực Bến đầm huyện Côn Đảo có diện tích 1,92 ha; đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải đô thị TP. Vũng Tàu giai đoạn 1 công suất xử lý 22.000 m3/ngày.

Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường tiếp nhận dữ liệu quan trắc môi trường từ các cơ sở để theo dõi cũng như đưa ra các cảnh báo, xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, tỉnh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn tập trung đầu tư hạ tầng để khắc phục ô nhiễm môi trường nhằm di dời các cơ sở chế biến hải sản (CBHS), cơ sở sản xuất hoạt động trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, tỉnh đã đầu tư khu CBHS tập trung Lộc An tại huyện Đất Đỏ và khu CBHS tập trung Bình Châu tại huyện Xuyên Mộc và CCN Hòa Long tại TP. Bà Rịa, CCN Phước Thắng.

Hiện nay, khu CBHS tập trung Lộc An đã cơ bản hoàn thành phần hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 với diện tích là 38 ha, hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất là 6.000 m3/ngày đêm và đang đưa vào hoạt động thử nghiệm; khu CBHS tập trung Bình Châu đang thực hiện các thủ tục để bố trí di dời, tiếp nhận 4 cơ sở, 59 hộ CBHS; CCN Hòa Long đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, có hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 750 m3/ngày đêm, đang hoàn thành các thủ tục theo quy định để vận hành thử nghiệm; CCN Phước Thắng đã được tỉnh phê duyệt thiết kế thi công hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1, hiện dự án đã được khởi công xây dựng.

Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm soát chất lượng môi trường, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã bố trí nguồn vốn để đầu tư mở rộng, phủ kín mạng lưới quan trắc tự động khí thải, nước thải trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư được 6 trạm quan trắc tự động nước mặt tại hồ Đá Đen, hồ Sông Ray, hồ Sông Hỏa, hồ Châu Pha, hồ Quang Trung, suối Liên Hiệp giao với suối Chà Răng thuộc Khu du lịch Green farm.

Đồng thời, tỉnh còn đầu tư 3 trạm quan trắc tự động không khí xung quanh tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, khu vòng xoay đài phun nước TP. Bà Rịa; ngã tư giếng nước TP. Vũng Tàu; trang thiết bị máy móc phòng thí nghiệm, thiết bị phòng quan trắc và thiết bị phục vụ tiếp nhận giám sát hệ thống quan trắc tự động; đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đặt tại Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở TN&MT để tiếp nhận dữ liệu quan trắc nước thải tự động và khí thải nhằm cảnh báo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về BVMT.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2022, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục xem xét đầu tư 9 trạm quan trắc tự động không khí; đồng thời, tỉnh cũng sẽ đầu tư mới 6 trạm quan trắc tự động nước mặt tại các hồ cấp nước Đá Bàng, Kim Long, Núi Nhan, Suối Các, Xuyên Mộc, An Hải nhằm phát hiện kịp thời nguy cơ ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt cho người dân; tiếp tục triển khai 06 dự án thu gom xử lý nước thải đô thị công suất khoảng 122.000 m3/ngày đêm.

Linh Nga