Vì sao giá hành ở Vũng Tàu chỉ 10.000 đồng một ký, TP.HCM 120.000 đồng mua không có?

Xã hội - Ngày đăng : 16:40, 21/07/2021

Ách tắc vận tải, thiếu người thu mua dẫn đến câu chuyện TP.HCM thiếu thực phẩm.

Bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) - đã chỉ ra nghịch lý trong việc tiêu thụ nông sản ở TP.HCM trong những ngày qua dẫn đến nơi nuôi trồng bán không ai mua, nơi tiêu thụ giá trên trời mua không có.

Rau củ quả tăng giá là do khâu vận chuyển ách tắc. Ảnh: V.P

Trên tờ Tuổi Trẻ, bà Chi cho biết trong những ngày qua, tất cả hợp tác xã rau ở các tỉnh, các đơn vị nuôi trồng thủy sản, cá tôm... đều phản ảnh đến FFA về việc bất cập trong thu mua khi hệ thống vận hành của ngành lương thực thực phẩm không chỉ nằm ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước mà nằm nhiều nhất ở các thương lái.

Bà Chi lấy ví dụ cho sự khó khăn vừa qua trong việc thu mua bằng câu chuyện bên thừa, bên thiếu hành lá giữa hai địa phương rất gần nhau là Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. Cụ thể, cả cánh đồng hành lá xanh tươi ở Bà Rịa - Vũng Tàu tới ngày thu hoạch không có một thương lái đến mua dù chỉ bán với giá 10.000 đồng/kg, mọi lần chở về TP.HCM là 12.000 đồng/kg.

Trong khi đó, người dân TP.HCM khi đi chợ mua hành phải chấp nhận mua giá cao, có lúc lên đến 120.000 đồng/kg. Lý do được bà Chi kể ra là do không có thương lái thu mua, hệ thống chở hành nhiều nhất từ trước nay do thương lái đảm trách, nhưng hiện nay thương lái nghỉ vì đi sợ dịch COVID-19 hoặc đi mua được hành của nông dân thì liên lạc không có xe chở.

Bên cạnh đó, xét nghiệm liên tục, giao thông cách trở ở các điểm kiểm dịch dẫn đến chi phí vận chuyển đội giá.

Không chỉ câu chuyện hành lá, chủ tịch FFA cho hay các loại hình nông sản, thủy sản khác cũng gặp tình cảnh tương tự. "Mới hôm qua, bà con ở hợp tác xã Cần Giờ phản ảnh đến tôi là nghêu, sò, ốc, hến... nằm tại chỗ hết. Thiếu thương lái, thiếu hệ thống thu mua, vận chuyển về nơi tiêu thụ là TP.HCM" - bà Chi nói.

Còn đối với câu chuyện thiếu trứng gà, bà Chi dẫn chứng câu chuyện cụ thể của trứng gà Ba Huân khi cơ sở nuôi gà vẫn ổn định, mỗi ngày đẻ 1 triệu trứng nhưng hệ thống tư thương gom mua của các tỉnh miền Tây đưa về nhà máy đình trệ.

Do đó, có sự mất cân đối giữa cung, cầu khi lượng tiêu thụ tăng, lượng trứng ở các tỉnh nhập vào nhà máy bên cạnh tự sản xuất của doanh nghiệp lại không đáp ứng đủ nhu cầu.

"Tất cả những cái thiếu là ách tắc từ vận chuyển, con người thu mua, dẫn đến câu chuyện TP.HCM thiếu thực phẩm" - bà Chi nói.

Tuy vậy, bà Chi cho biết mọi khâu đã bắt đầu khơi thông, dần dần ổn định và TP.HCM sẽ không còn câu chuyện thiếu nông sản, thực phẩm.

Rau muống ở TP.HCM: Mua gốc 4.000 đồng, mua ở siêu thị 35.000 đồng

Cũng theo tờ Tuổi Trẻ ông Lê Hữu Nghĩa - chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Bình Tân - cảnh báo cần phải rút kinh nghiệm, lường trước câu chuyện giải cứu nông sản ở Hải Dương.

rau-cu-qua-tuoi-ngon-tai-big-c-luon-san-sang-phuc-vu-nguoi-dan-o-tp.-hcm.jpg

Theo ông Nghĩa, rau phát triển nhanh nên ông dự đoán khi phong tỏa 19 tỉnh thành miền Nam, chỉ trong vòng 5 ngày nữa sẽ xảy ra câu chuyện nhiều địa phương rau đến kỳ thu hoạch song không bán được do thương lái giảm, kênh chuyển hàng gặp khó khăn.

Theo ông Nghĩa, đơn vị này đã lập ra đội xe 8 chiếc, chia ra 3 chiếc để phân phối như siêu thị lưu động, 5 chiếc để chở hàng từ vùng sản xuất mang về Sài Gòn. Sau đó, đội xe mang đến những nơi bị phong tỏa tặng miễn phí theo hình thức siêu thị 0 đồng hoặc mua về bán với giá gốc để hỗ trợ người dân.

Ông Nghĩa dẫn chứng về giá mua và giá bán thời gian qua khi đội xe này hoạt động, giá rau muống ở các siêu thị bán 35.000 - 40.000 đồng/kg nhưng đội xe này mua ngay tại huyện Củ Chi (TP.HCM) thì chỉ có giá 4.000 đồng/kg.

Theo ông Nghĩa, đây là sự chênh lệch cực kỳ lớn dù địa bàn trồng rau nằm ngay ở TP. Do đó, ông Nghĩa cho rằng cần có những giải pháp thiết thực hơn để lưu thông hàng hóa thuận lợi, hỗ trợ được người trồng rau cũng như mang sản phẩm thiết yếu này đến tay người tiêu thụ đang rất cần.

Doanh nghiệp: giá tăng do vô số lý do

Còn theo các doanh nghiệp bán lẻ thì nguyên nhân rau của quả tăng giá là do rất nhiều nguyên nhân như: thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng (cộng thêm giá xăng tăng) và tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao.

photo_2021-07-08_10-23-56.jpg

Chi phí nhân công tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục từ kho đến cửa hàng khi nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến; nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc.

Chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho hàng ngàn tài xế giao hàng và nhân viên kho. Chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho hàng trăm nhân viên đi làm ở 2 tỉnh lân cận nhau.

Chi phí thuê chỗ ở cho nhân viên ở gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển giữa 2 tỉnh lân cận hoặc giảm thiểu nguy cơ nhân viên bị cấm di chuyển do sinh sống ở vùng phong tỏa.

Hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông....

Tổng hợp (Theo Tuổi Trẻ, Bộ Công Thương)