Thái Lan: Số ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng cao kỷ lục

Đối ngoại - Ngày đăng : 19:48, 17/07/2021

Số liệu do Bộ Y tế Thái Lan công bố sáng 17/7 cho thấy quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận 10.082 ca nhiễm mới COVID-19 cùng 141 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 15/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 15/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, sự gia tăng liên tục của các ca mắc mới COVID-19 đã khiến các nhà chức trách Thái Lan cấm các cuộc tụ tập đông người trên toàn quốc, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này lần đầu tiên ghi nhận hai cột mốc quan trọng khi số ca tử vong hàng ngày do COVID-19 lên tới 3 con số và số ca nhiễm mới lần đầu tiên ở mức 5 con số.

Công báo Hoàng gia Thái Lan tối 16/7 đăng tải thông báo nêu rõ mọi hình thức tụ tập hoặc hoạt động mà “có nguy cơ lây lan dịch bệnh, làm trầm trọng thêm những rắc rối người dân hoặc nhằm mục đích cố ý lây lan dịch bệnh” đều bị cấm trên toàn quốc.

Riêng tại vùng đô thị Bangkok mở rộng gồm thủ đô và 5 tỉnh lân cận là Nakhon Pathom, Nonthaburi, Pathum Thani, Samut Prakan và Samut Sakhon, các cuộc tụ tập hoặc hoạt động có từ 5 người trở lên đều bị cấm, trong khi tại những địa phương thuộc “vùng đỏ sẫm” trong diện kiểm soát nghiêm ngặt và tối đa gồm 24 tỉnh kể cả 6 tỉnh nói trên, người dân phải hạn chế tổ chức hội họp, ăn tiệc hoặc lễ hội, ngoại trừ các nghi lễ truyền thống đã được chuẩn bị từ trước.

Hình phạt cho những người vi phạm là hai năm tù và/hoặc phạt tiền tối đa 40.000 baht (khoảng 1.200 USD).

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng đăng tải trên Facebook vào đêm 16/7 rằng các biện pháp phong tỏa sẽ được tăng cường tại “vùng đỏ sẫm.”

Những biện pháp này có thể bao gồm việc hạn chế di chuyển, đóng cửa thêm nhiều địa điểm và bắt buộc làm việc tại nhà. Hiện tại, một số biện pháp này chỉ được khuyến khích áp dụng.

Các biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21h đến 4h sáng hôm sau, đã có hiệu lực ở Bangkok và 5 tỉnh lân cận, cũng như 4 tỉnh biên giới phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề từ ngày 12/7. Các biện pháp này sẽ hết hiệu lực vào ngày 26/7 nhưng có thể được thắt chặt hoặc gia hạn.

Ngày 17/7, Thái Lan cùng lúc ghi nhận số ca mắc với COVID-19 và số người tử vong vì dịch bệnh này ở các mức cao mới, vượt ngưỡng 10.000 ca nhiễm mới và 100 trường hợp tử vong mỗi ngày.

Số liệu do Bộ Y tế Thái Lan công bố sáng 17/7 cho thấy quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 10.082 ca nhiễm mới COVID-19 cùng 141 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua.

Như vậy, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 391.989 ca mắc COVID-19 kể từ đầu mùa dịch, trong đó có 3.240 người không qua khỏi.

Trước việc số ca lây nhiễm gia tăng trong những ngày qua, Thủ tướng Prayut đã chỉ thị các lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia chung tay với chính quyền thủ đô Bangkok để bố trí hơn 200 đội triển khai nhanh nhằm tiến hành xét nghiệm COVID-19 tận nhà dân ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thành phố, nơi hiện là tâm điểm của làn sóng COVID-19 thứ 3 ở Thái Lan.

Tờ Bangkok Post ngày 17/7 dẫn một nguồn thạo tin cho biết động thái này nhằm tìm kiếm và cách ly những người bị nhiễm bệnh để hạn chế tình trạng lây lan đang tăng vọt ở thủ đô.

Các đội triển khai nhanh sẽ được cử đi khắp Bangkok và các tỉnh lân cận, đến từng nhà để cung cấp dịch vụ xét nghiệm miễn phí cho mọi người.

Những người có kết quả xét nghiệm dương tính và có các triệu chứng nghiêm trọng sẽ được chuyển ngay đến bệnh viện dã chiến, trong khi những người tiếp xúc gần, có nguy cơ lây nhiễm sẽ được khuyên nên tự cách ly và theo dõi sức khỏe.

Thuốc thảo dược điều chế từ cây xuyên tâm liên (Andrographis paniculata) và một số loại thuốc hạ sốt cũng sẽ được cung cấp trong trường hợp những người đó phát triển một số triệu chứng trong quá trình cách ly tại nhà.

Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Hoạt động an ninh nội địa (Isoc) Thanathip Sawangsaeng cho biết Thủ tướng Prayut đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang hỗ trợ phương tiện và cơ sở để đưa bệnh nhân COVID-19 từ Bangkok và các khu vực lân cận về quê để điều trị trên cơ sở tự nguyện do tình trạng thiếu giường bệnh ở thủ đô và các tỉnh lân cận.

Bangkok liên tục là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc mới COVID-19 nhất nước từ nhiều tuần qua, trong đó có 2.302 ca nhiễm cùng 108 trường hợp tử vong được thông báo trong ngày 17/7.

Thai Lan: So ca mac va tu vong do COVID-19 tang cao ky luc hinh anh 1Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại một bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thái Lan đang phải gồng mình ngăn chặn làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất từ trước đến nay tại nước này do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang lây lan nhan chóng tại quốc gia Đông Nam Á này.

Tình hình dịch bệnh phức tạp đang khiến hệ thống y tế Thái Lan bị quá tải trong khi nền kinh tế vốn đã chịu nhiều thiệt hại lại càng trở nên nghiêm trọng hơn đối với nhiều người.

Ngân hàng Thế giới (WB) trong tuần này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan trong năm nay từ mức 3,4% đưa ra vào tháng 3 xuống 2,2%.

Theo WB, kinh tế Thái Lan dự kiến sẽ không thể trở lại mức bình thường như trước khi xảy ra đại dịch cho đến năm 2022 và sự phục hồi được dự báo sẽ chậm và không đồng đều.

WB cũng nhận định bất kỳ sự chậm chễ nào trong chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 theo kế hoạch có thể tác động xấu đến hoạt động đi lại, tiêu dùng và du lịch ở trong nước.

Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% trong tổng số gần 70 triệu dân vào cuối năm 2021. Hiện nước này đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, tính đến ngày 16/7, Thái Lan đã phân phối hơn 14 triệu liều, trong đó gần 5% dân số đã được tiêm đủ 2 liều.

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, cùng ngày, Bộ Y tế nước này cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 108 ca mắc mới, trong đó có tới 104 trường hợp là người nhập cảnh được cách ly ngay và 4 ca cộng đồng tại tỉnh Champasak.

Theo bộ này, các ca nhiễm mới chủ yếu là lao động Lào về nước từ Thái Lan. Hiện số ca bệnh có diễn biến nặng vẫn ở mức thấp, phần lớn là ca nhiễm không có hoặc ít triệu chứng.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp ở các nước láng giềng, đặc biệt là tại Thái Lan, Bộ Y tế Lào kêu gọi lao động Lào làm việc bất hợp pháp ở Thái Lan về nước theo đường chính ngạch bằng cách báo cáo với lực lượng chức năng để được hỗ trợ nhập cảnh và cách ly y tế theo quy định nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.

Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 3.295 ca nhiễm, trong đó 4 người tử vong.

Trong khi đó, ở Campuchia, báo Phnom Penh Post dẫn nguồn Bộ Y tế Campuchia tối 16/7 cho biết từ ngày 7-14/7/2021, nước này phát hiện thêm 37 ca nhập cảnh nhiễm biến thể Delta, nâng tổng số ca nhiễm biến thể có khả năng lây lan mạnh này lên 75 ca kể từ ngày 31/3.

Theo bộ này, trong 37 ca nhiễm biến thể Delta nói trên có 34 lao động Campuchia từ Thái Lan về nước qua biên giới đường bộ và 3 người khác nhập cảnh bằng đường hàng không.

Ba hành khách được phát hiện nhiễm biến thể Delta hôm 5/7 là người Indonesia và đang được điều trị tại Phnom Penh. Bộ Y tế kêu gọi người dân thận trọng hơn vì biến thể Delta lây lan nhanh gấp 15 lần so với virus SARS-CoV-2 lúc chưa biến đổi.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, nỗi lo biến thể Delta ngày càng gia tăng khi số ca mắc COVID-19 tại Campuchia hiện đã vượt ngưỡng 66.000 ca và số ca tử vong nhiều ngày nay luôn ở mức hai con số.

Trong thông cáo ngày 17/7, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 836 ca mắc mới, bao gồm 279 ca nhập cảnh và 557 ca lây nhiễm cộng đồng.

Bộ cũng công bố có thêm 24 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Campuchia lên 1.076 người và trong vài tuần trở lại đây, số tử vong mỗi ngày dao động trong khoảng 20-40 ca.

Trong diễn biến liên quan, Chính phủ Nhật Bản thông báo trao tặng cho Campuchia thêm 30 xe cứu thương để trợ giúp nước này chống dịch COVID-19.

Trong tuần này, số xe cứu thương trên sẽ được phân bổ tới nhiều cơ sở y tế tại Campuchia. Trước đó, Nhật Bản đã tặng Campuchia 70 xe cứu thương.

Trong thông cáo báo chí mới đây, Đại sứ quán Nhật Bản tại Phnom Penh cho biết sự trợ giúp của Nhật Bản dựa trên quan hệ hợp tác với các nước ASEAN đã được cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo thông báo tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN+3 diễn ra từ năm ngoái.

Ngày 13/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu cho hay chính phủ nước này sẽ viện trợ cho Campuchia khoảng 1 triệu liều vaccine AstraZeneca sản xuất tại Nhật Bản thông qua cơ chế phân bổ vaccine COVAX./.

PV (TTXVN/Vietnam+)

PV (TTXVN/Vietnam+)