Lộ trình giảm phát thải khí nhà kính không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp “thời” Covid -19

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 17:46, 14/07/2021

(TN&MT) - Tình thần này được thể hiện xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, xây dựng dự thảo Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn nhằm bảo đảm tính hợp lý, khả thi của quy định, quyền và lợi ích của doanh nghiệp chịu sự tác động, nhất là trong lúc nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Lộ trình phù hợp

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, lần đầu tiên quy định Đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC) đã được luật hóa. Để triển khai NDC và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

Xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo và xây dựng dự thảo, lãnh đạo Bộ yêu cầu đơn vị soạn thảo phải đưa ra bản dự thảo Nghị định phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, pháp luật hiện hành và các quy định, điều ước quốc tế có liên quan; Phát triển nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững; Tuân theo nguyên tắc trách nhiệm, thống nhất, công bằng, minh bạch; Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Chính phủ điều chỉnh theo ưu tiên phát triển quốc gia và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon đối với một số ngành phù hợp với điều kiện quốc gia và thông lệ quốc tế.

Từ nay đến năm 2025, doanh nghiệp sẽ không phải xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Theo đúng tinh thần trên, dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến đã đưa ra nhiều quy định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Các quy định của dự thảo Nghị định không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, nhất là trong lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp như hiện nay. Trong đó phải kể đến quy định về lộ trình thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Đồng quan điểm trên, TS. Lương Quang Huy, Cục biến đổi khí hậu cho biết thêm, dự thảo Nghị định đưa ra mục tiêu và lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho giai đoạn đến hết năm 2025 và giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030. Trong đó, giai đoạn từ nay đến hết năm 2025 không tạo sức ép giảm phát thải đối với các doanh nghiệp, từ năm 2026 đến hết năm 2030 sẽ thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch.

“Như vậy, từ nay đến năm 2025, doanh nghiệp sẽ không phải xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Nhiệm vụ này được bắt đầu từ năm 2026 trở đi. Việc thực hiện kế hoạch sẽ được báo cáo hàng năm do đơn vị thực hiện”, TS. Lương Quang khẳng định.

Hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp cận các nguồn vốn nước ngoài

Trong quá trình lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Bộ TN&MT nhận được nhiều ý kiến của đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp về những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt là sự hỗ trợ của nhà nước để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài trợ, nguồn vay quốc tế, nhất là trong lúc dịch bệnh Covid -19 bùng phát và diễn biến khó lường trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội trong và ngoài nước.

Theo ông Lương Quang Huy, trên thế giới có khá nhiều Quỹ biến đổi khí hậu. Từ trước đến nay, nước ta thường quan tâm đến các nguồn vốn hỗ trợ kỹ thuật từ các Quỹ. Và những nguồn hỗ trợ này hầu như chưa đến được trực tiếp các doanh nghiệp. Tuy nhiên, gần đây, chúng ta đã bắt đầu tiếp cận được khá nhiều Quỹ đầu tư cho phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, điển hình như Quỹ Năng lượng sạch (CEF). Quỹ này đã đầu tư cho Việt Nam khoảng 230 triệu USD để thực hiện các dự án về giao thông và đô thị tại TP.HCM, Hà Nội, trong đó có các hợp phần liên quan đến việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, hiện nay, có nhiều các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác đã và đang có chương trình hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Trong đó có những chính sách ưu tiên về vốn cho các dự án thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan đưa ra chính sách quản lý, tuyên truyền và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp cận các nguồn vốn đó.

Phạm Oanh