5 năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc ngày càng táo tợn ở Biển Đông

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:39, 12/07/2021

5 năm sau phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, ngư dân Philippines Randy Megu phàn nàn rằng các cuộc đụng độ với tàu thuyền Trung Quốc diễn ra thường xuyên hơn bao giờ hết.

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Hay ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, theo đó Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông, không có cơ sở pháp lý cho cái gọi là "đường 9 đoạn". Sau 5 năm, phán quyết này vẫn là dấu mốc quan trọng và là cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Tuy vậy, tình hình thực tế lại cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại.

5 năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc ngày càng táo tợn ở Biển ĐôngNgư dân Philippines đánh cá tại Pangasinan 

Ngư dân Philippines vẫn cảnh giác trong “sân nhà”

“Tôi rất sợ hãi”

Dù lo sợ nhưng ngư dân Randy Megu dần quen với những cơn bão bất thường ở Biển Đông.

Những năm trở lại đây, có một nỗi sợ hãi lớn hơn đối với Megu: nhìn thấy tàu thực thi hàng hải của Trung Quốc ở phía xa.

Năm năm sau khi phán quyết mang tính bước ngoặt của PCA bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển nơi Megu đánh cá, người đàn ông 48 tuổi phàn nàn rằng các cuộc chạm trán với tàu thuyền của Trung Quốc thậm chí còn trở nên thường xuyên hơn.

Megu nói: “Tôi đã rất sợ hãi”.

Ngư dân này nhớ lại vụ việc hồi tháng 5, khi con thuyền gỗ của mình chạm trán với một tàu Trung Quốc, cách bờ biển khoảng 140 hải lý (260 km). Con tàu của Trung Quốc dõi theo anh khoảng 3 tiếng.

Megu kể về sự việc những ngư dân khác từng bị đâm hoặc bị vòi rồng uy hiếp khi đang đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống của họ - nơi họ từng hy vọng phát quyết của PCA năm 2016 sẽ mang đến cho họ cảm giác an toàn.

Trung Quốc bác bỏ phán quyết của PCA và vẫn bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình đối với hầu hết các vùng biển nằm trong cái gọi là yêu sách "đường chín đoạn" do chính nước này tự vẽ ra.

Hồi tháng Ba, Philippines đã lên tiếng về việc hơn 200 tàu dân quân Trung Quốc neo đậu gần Đá Ba Đầu.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết, đó là các tàu thuyền trú ẩn khi gặp thời tiết xấu và không có lực lượng dân quân nào trên tàu.

Greg Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Washington cho biết, các dữ liệu chỉ ra rằng các tàu của cảnh sát biển và lực lượng dân quân Trung Quốc hiện diện trong vùng biển của Philippines nhiều hơn so với 5 năm trước.

Hy vọng chính sách cứng rắn hơn

Một cuộc thăm dò dư luận vào tháng 7/2020 cho thấy 70% người dân Philippines muốn chính phủ khẳng định mạnh mẽ yêu sách của họ ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Teodoro Locsin cho biết trong một tuyên bố hồi tháng Sáu rằng: “Chúng tôi kiên quyết phản đối các nỗ lực làm giảm giá trị của phán quyết hay thậm chí xóa nó khỏi luật pháp, lịch sử và ký ức tập thể của chúng tôi”.

5 năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc ngày càng táo tợn ở Biển ĐôngTòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Philippines vào ngày 12/7/2016 

Từ 2016 đến nay, Philippines đã thực hiện 128 hành động phản đối ngoại giao liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp.

Lực lượng bảo vệ bờ biển và đội tàu cá đã thực hiện các hoạt động “tuần tra chủ quyền” trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Tuy nhiên, Philippines đã không thúc đẩy được mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, người coi mối quan hệ với Trung Quốc là yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại và cho rằng cố gắng thách thức nước láng giềng lớn hơn rất nhiều là vô ích.

Sau sự việc một số nhân vật trong nội các của ông lên tiếng mạnh mẽ về chủ quyền biển vào đầu năm nay, ông Duterte đã yêu cầu cấp dưới kiềm chế.

Theo ông Poling, sự hiện diện của Trung Quốc cũng đã gia tăng ở những nơi khác trên Biển Đông. Bắc Kinh tiếp tục bồi đắp các đảo nhân tạo, xây cảng, đường băng và bố trí tên lửa đất đối không.

Hải quân Mỹ gia tăng hoạt động tự do hàng hải nhằm thách thức các tuyên bố của Trung Quốc nhưng dường như không có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh giảm các hoạt động như triển khai tàu xung quanh vùng biển Philippines hoặc các nơi khác.

Các ngư dân của tỉnh Pangasinan không hy vọng rằng các biện pháp của chính phủ có thể tác động đến hành vi của các tàu Trung Quốc.

Ngư dân Christopher de Vera, 51 tuổi, nói rằng: “Bây giờ, cứ như thể chúng tôi là kẻ ăn trộm từ chính sân sau của mình vậy”.

Trung Quốc ngày càng táo tợn hơn

Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài và tiếp tục theo đuổi chủ quyền phi pháp đối với hầu hết các vùng biển nằm trong cái gọi là “đường 9 đoạn” do nước này tự vẽ ra.

5 năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc ngày càng táo tợn ở Biển ĐôngTrung Quốc tiếp tục thể hiện sự hiện diện phi pháp tại Biển Đông bất chấp sự phản đối từ quốc tế 

Hồi tháng 3 vừa qua, Philippines tố 200 tàu dân quân biển Trung Quốc neo đậu bất thường tại khu vực đá Ba Đầu (nằm tại cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam – ND). Mặc dù Bắc Kinh khẳng định đây là những tàu cá đang tìm chỗ trú ẩn do điều kiện thời tiết xấu song các chuyên gia quốc tế đã chỉ ra nhiều điểm vô lý trong lời giải thích này.

Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho biết, Trung Quốc bắt đầu gia tăng các cuộc tập trận ở Biển Đông với sự hiện diện của các nhóm tác chiến tàu sân bay từ năm 2020. Kết hợp giữa chiến thuật vùng xám và phô trương sức mạnh của lực lượng hải quân, Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng nước này có đủ khả năng để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền phi lý và thách thức phán quyết của Tòa Trọng tài.

Chuyên gia Greg Poling, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington nhận xét rằng: “Các dữ liệu rất rõ ràng”. Tàu hải cảnh và tàu dân quân biển Trung Quốc hiện diện tại Biển Đông nhiều hơn so với 5 năm trước, ông Greg Poling lưu ý.

Theo AMTI, Trung Quốc không chỉ muốn làm suy yếu luật pháp quốc tế mà còn tìm cách áp đặt luật lệ riêng của nước này tại Biển Đông. Vào tháng 2/2021, Bắc Kinh thông qua Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết, trong đó có việc sử dụng vũ khí đối với tàu thuyền của nước ngoài khi cái gọi là "chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc" bị xâm phạm. Một số nhà phân tích nhận xét, động thái này trực tiếp phục vụ cho mục đích lớn hơn của Trung Quốc: hệ thống hóa và áp đặt các quy tắc của riêng nước này hòng làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

Luật Hải cảnh của Trung Quốc đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Nhật Bản và Philippines.

Học giả quốc tế: “Đường 9 đoạn” hay các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không có giá trị pháp lý

Ngày 9/7, Viện Á-Phi thuộc Đại học Hamburg của Đức đã tổ chức hội thảo trực tuyến về Biển Đông nhân dịp 5 năm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vùng biển này (ngày 12/7/2016). Đây là lần thứ 4 hội thảo được tổ chức.

5 năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc ngày càng táo tợn ở Biển ĐôngPhán quyết của Tòa PCA là cơ sở pháp lý quan trọng trong giải quyết vấn đề Biển Đông 

Phát biểu chủ trì hội thảo, Giáo sư Thomas Engelbert thuộc Đại học Hamburg cho rằng, từ sau khi Tòa PCA ra phán quyết về Biển Đông, tình hình tại vùng biển này tiếp tục có nhiều diễn biến căng thẳng trên thực địa.

Các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế liên tiếp diễn ra khiến nhiều nước phải lên tiếng phản đối. Trong khi đó, quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành.

Theo Giáo sư Engelbert, thời gian qua, Mỹ đã thúc đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc thành viên cũng đã ban hành các chiến lược riêng về khu vực này.

Vào đầu năm, Nhật Bản đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Australia, New Zealand, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng đã đưa ra các tuyên bố về những diễn biến căng thẳng trên vùng biển này.

Ông Engelbert nhận định, các bên đều mong muốn Biển Đông sẽ là một vùng biển an toàn, ổn định và đảm bảo tự do hàng hải. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và phản đối mạnh mẽ những hành động vi phạm UNCLOS, cũng như việc không tuân thủ phán quyết của Tòa PCA.

Giáo sư Suzette Suarez đến từ Đại học Khoa học ứng dụng Bremen khẳng định, phán quyết của Tòa PCA là văn bản pháp lý có giá trị quốc tế cao và có vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp cũng như phân định giới hạn bên ngoài của thềm lục địa ở Biển Đông.

Việc phân định các giới hạn của thềm lục địa là thủ tục ràng buộc và bắt buộc trong UNCLOS. Theo luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài PCA, yêu sách “đường 9 đoạn” cũng như các yêu sách chủ quyền khác trên Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố là hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Cùng quan điểm với Giáo sư Suarez, tham luận của các chuyên gia tham dự hội thảo cũng đánh giá cao phán quyết năm 2016 của Tòa PCA, cho rằng, phán quyết là cơ sở pháp lý quan trọng trong giải quyết vấn đề Biển Đông và các bên liên quan cần tôn trọng luật pháp quốc tế, không có hành động làm phức tạp tình hình.

Về vai trò của châu Âu trong giải quyết vấn đề Biển Đông, Tiến sỹ, nhà báo Rodion Ebbighausen thuộc Truyền hình Deutsche Welle (Đức) cho biết, thời gian qua, 3 nước thành viên EU là Pháp, Đức và Hà Lan đã ban hành chiến lược quốc gia về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Vào tháng 4/2021, Hội đồng châu Âu đã công bố Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tất cả các văn kiện này đều đề cập Biển Đông và đề cao luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Theo nhà báo Ebbighausen, quan điểm của EU là theo đuổi cách tiếp cận đa phương và bao trùm trong việc giải quyết vấn đề này, trong đó sử dụng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Hội thảo về Biển Đông đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế. Ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu khẳng định và làm sáng tỏ thêm vị trí, vai trò của UNCLOS trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời một lần nữa khẳng định giá trị phán quyết của Tòa Trọng tài PCA năm 2016./.

(Q.Đ tổng hợp)