Giới trẻ loay hoay vào bếp khi TP.HCM dừng bán đồ ăn mang về

Ẩm thực - Ngày đăng : 08:58, 11/07/2021

Các dịch vụ giao đồ ăn tại TP.HCM tạm ngưng từ ngày 9/7 là nguyên nhân khiến nhiều người đang thay đổi thói quen ăn ngoài của mình.

Không giống với những thế hệ trước, phần lớn thế hệ Millennials và Gen Z xem việc trải nghiệm ăn uống bên ngoài là "chân lý" vì sự đa dạng và tiện lợi. Một số người đi làm bận rộn còn hiếm khi hoặc chẳng bao giờ nấu ăn tại nhà.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội và tất cả hàng quán đều ngưng ship, 6 nhân vật sau chia sẻ với phóng viên suy nghĩ về Chỉ thị 16 và cách họ thích nghi với thay đổi lớn này.

Giới trẻ loay hoay vào bếp khi TP.HCM dừng bán đồ ăn mang về - 1

Trước dịch, một ngày của tôi chủ yếu sinh hoạt tại văn phòng làm việc nên tôi thường đặt món trên các ứng dụng giao hàng, mỗi ngày chi khoảng 100.000-150.000 đồng cho việc ăn uống.

Nghe tin TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, tôi khá bất ngờ. Tôi nghĩ không chỉ tôi mà những bạn nam ở một mình hẳn cũng đang đau đầu với vấn đề mua thực phẩm và bảo quản cho mấy ngày tới.

Giới trẻ loay hoay vào bếp khi TP.HCM dừng bán đồ ăn mang về - 2

Hỏi bạn bè xung quanh, tôi tải ngay một số ứng dụng đi chợ online để tìm hiểu. May mà trên các ứng dụng đều có ghi rõ từng loại thịt, rau kèm giá cả nên tôi không gặp nhiều khó khăn khi mua hàng.

Tôi từng thử nấu một số món cơ bản như canh trứng, khổ qua xào, sườn ram trước đây. Có lẽ, tôi sẽ áp dụng thực đơn này cho 15 ngày sắp đến.

Giới trẻ loay hoay vào bếp khi TP.HCM dừng bán đồ ăn mang về - 3

Vài ngày trước khi giãn cách, không biết linh tính thế nào mà mẹ tôi gửi lên một thùng mì giấy, mấy gói phở, hủ tiếu ăn liền. Mẹ sợ tôi đói khi hàng quán ngừng hoạt động.

Đi làm xa nhà mấy năm, đến hôm nay, số món ăn tôi biết nấu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù nhà tôi thuê có bếp đầy đủ, tôi vẫn hạn chế vào bếp vì nhiều lý do: sợ bị bắn dầu, sợ mùi, bận quá không có thời gian nấu và...lười. Hầu hết thời gian, tôi chọn ăn ngoài để đỡ mắc công bày vẽ.

Giới trẻ loay hoay vào bếp khi TP.HCM dừng bán đồ ăn mang về - 4

Nghe tin từ 9/7 shipper không giao đồ ăn nữa, tôi gọi về nhà tìm sự trợ giúp của mẹ. Mẹ nói tôi ăn tạm mì, qua tuần thiếu đồ ăn thì ghé công ty mẹ mà lấy nên tôi cũng yên tâm phần nào.

Giới trẻ loay hoay vào bếp khi TP.HCM dừng bán đồ ăn mang về - 5

Tôi sống trọ tại TP.HCM cùng một bạn khác. Vì khẩu vị không hợp nhau và khung giờ ăn cũng không trùng, chúng tôi thường tự lo đồ ăn riêng. Hàng ngày, tôi ăn trưa tại công ty và mua đồ ăn trên đường đi làm về.

Nhờ không mất công nấu nướng, sau giờ làm tôi có dư dả thời gian để làm điều mình muốn như tập thể dục, nghỉ ngơi.

Giới trẻ loay hoay vào bếp khi TP.HCM dừng bán đồ ăn mang về - 6

Có thể nói cuộc sống của tôi đã bị đảo lộn từ khi TP.HCM thông báo giãn cách, đến nay tiếp tục dừng giao đồ ăn tận nhà. Biết không thể né tránh, tôi bắt đầu đặt mua thực phẩm để tự nấu từ 2,3 hôm trước.

Nấu ăn phức tạp và đau đầu hơn tôi tưởng. Đặc biệt ở khâu suy nghĩ thực đơn mỗi ngày.

Để tiết kiệm thời gian, buổi tối tôi sẽ suy nghĩ trước món cần nấu. Hôm sau, tôi kết hợp vừa tập thể dục vừa nấu nước. Khi nước sôi thì tôi cũng kịp tập xong một bài, chuẩn bị đi luộc thịt, luộc rau.

Giới trẻ loay hoay vào bếp khi TP.HCM dừng bán đồ ăn mang về - 7

Tôi thuộc tuýp người không thích ăn cơm nên hay mua đồ ăn về nhà thay thế, cuối tuần thì tôi đi ăn với bạn bè.

Từ khi giãn cách xã hội, tôi ở nhà nhiều hơn nhưng vẫn thường đặt ship các món bên ngoài. Giờ dịch vụ ăn uống cũng tạm dừng, tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài ăn cơm với gia đình hoặc tự "lăn" vào bếp nấu.

Giới trẻ loay hoay vào bếp khi TP.HCM dừng bán đồ ăn mang về - 8

Ngặt một nỗi, tôi khá vụng về trong chuyện bếp núc nên không phải bữa nào cũng suôn sẻ nấu ra một món hoàn chỉnh. Thôi thì cứ tập dần cho quen, được ngày nào hay ngày đó.

Giới trẻ loay hoay vào bếp khi TP.HCM dừng bán đồ ăn mang về - 9

Thực ra, tôi không phải là không biết nấu ăn. Lý do lớn nhất khiến tôi thường xuyên ăn tiệm là vì các món như bún đậu, bún bò, hủ tiếu như tôi thích thường hơi khó nấu. Ăn ngoài sẽ ngon và tiết kiệm hơn.

Đêm qua, trước thời điểm TP.HCM "siết" vấn đề giao hàng, tôi ngồi xem lại các story đã đăng trên trang cá nhân mà cảm thấy thòm thèm. Nghĩ tới cảnh 15 ngày không trà sữa, cà phê, không bún bò, bún đậu, tôi thẫn thờ.

Giới trẻ loay hoay vào bếp khi TP.HCM dừng bán đồ ăn mang về - 10Tôi cầm điện thoại nhắn tin cho nhỏ bạn hẹn qua dịch đi ăn nha. Mong rằng cuộc hẹn này có thể thực hiện được trong tương lai gần.
Giới trẻ loay hoay vào bếp khi TP.HCM dừng bán đồ ăn mang về - 11

Do chỉ sống một mình, tôi không trang bị dụng cụ nấu ăn trong nhà để hạn chế dọn dẹp và bỏ phí. Quan niệm của tôi về ăn uống là phải nhanh, gọn. Chi khoảng 2.500.000 đồng mỗi tháng nhưng mua đồ ăn ngoài sẽ có nhiều lựa chọn với đầy đủ cơm, rau, thịt, cá. Ở nhà tự làm hết ngần ấy cũng hơi mệt.

Ngay khi biết mình không thể đặt ship đồ ăn trong những ngày tới, tôi dự định ra siêu thị mua bếp điện, nồi, gạo và một số và thực phẩm dự trữ nhưng đành quay về vì siêu thị quá đông. Cuối cùng, tôi "cầu cứu" họ hàng ở kế bên.

Giới trẻ loay hoay vào bếp khi TP.HCM dừng bán đồ ăn mang về - 12

Vì nhà người thân ăn cơm gạo lứt, đến bữa tôi chỉ qua mượn gian bếp để tự nấu đồ ăn cho mình. Tôi biết nấu vài món đơn giản như trứng, cơm chiên, rau luộc.

Hiện tôi vẫn đang nghiên cứu cách đặt thực phẩm qua mạng. Dừng giao đồ ăn thì bất tiện với tôi thật, nhưng tôi hiểu chính quyền cấm là có lý do.

Mỗi người chịu bất tiện một chút để dịch được xử lý nhanh hơn cũng đáng mà.

Thiên Hân (Zing News)