Linh cẩu con 'tự nguyện' lao đầu vào chỗ chết: Nhà khoa học mổ não nó mới hiểu lý do vì sao

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 20:00, 08/07/2021

Thứ gì khiến linh cẩu con hành động như bị thôi miên vậy?

Khi trưởng thành, linh cẩu đốm là những kẻ săn mồi thành công bậc nhất thảo nguyên châu Phi, nhưng khi đang còn nhỏ, chúng trở thành món ăn khoái khẩu của bầy sư tử. Vì lý do đó, linh cẩu con thường tránh xa lũ mèo lớn, dành phần lớn thời gian ở gần ổ của bố mẹ.

Linh cẩu con liều chết, ngang nhiên áp sát hung thần sư tử: Nhà khoa học mổ não linh cẩu mới hiểu lý do vì sao - Ảnh 1.

Một con linh cẩu đốm đang liếm mẹ của nó trong Khu bảo tồn Quốc gia Masai Mara của Kenya. Ảnh: SHANNON WILD, NAT GEO IMAGE COLLECTION

Tuy nhiên, khi thực hiện nghiên cứu về loài linh cẩu, các nhà khoa học bất ngờ phát hiện hành vi bất thường của các chú linh cẩu con: Ngang nhiên tiếp cận bầy sư tử rồi sau đó phải chịu đựng những cú ngoạm sắc lẹm trong hàm sư tử trước khi chết.

Hành vi bất thường này diễn ra một cách khá thường xuyên khiến các nhà khoa học buộc phải đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời. Và việc mổ não linh cẩu con đã giải đáp tất cả!

Chúng bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii!

Kay Holekamp - nhà sinh thái học hành vi tại Đại học bang Michigan (Mỹ) và là đồng tác giả của một nghiên cứu tại Kenya mới được công bố trên tạp chí Nature Communications, cho biết:

"Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy sự khác biệt lớn về mức độ tiếp cận sư tử của những con linh cẩu con bị nhiễm và không nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii. Những con linh cẩu con không nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii thường rất sợ sư tử, e dè và thường quanh quẩn bên bố mẹ chúng. Ngược lại, những con linh cẩu con nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii lại trở nên liều mạng hơn, chúng ngang nhiên lại gần sư tử như có thứ gì đó 'bắt' chúng làm vậy".

Toxoplasma gondii là một loại ký sinh trùng đơn bào, lây nhiễm cho ít nhất một phần ba dân số thế giới. Nó nổi tiếng với khả năng điều khiển vật chủ của nó, chẳng hạn như chuột, gây ra những hành động liều lĩnh xung quanh mèo. Nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học ghi nhận những tác động như vậy ở các loài động vật có vú hoang dã lớn (linh cẩu).

Linh cẩu con bị nhiễm Toxoplasma gondii trở nên có nhiều khả năng bị sư tử giết hơn rất nhiều.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ký sinh trùng này còn có thể lây nhiễm cho nhiều loài động vật một loại bệnh gọi là bệnh toxoplasmosis - có khả năng biến vật chủ thành 'con rối'.

Khoảng cách chết chóc

Theo một nghiên cứu đầu tiên ở Kenya (Đông Phi), ký sinh trùng gây bệnh Toxoplasmosis có thể đóng một vai trò lớn hơn trong việc điều khiển hành vi của động vật hơn chúng ta tưởng. Trường hợp về linh cẩu con là một ví dụ điển hình.

Ký sinh trùng Toxoplasma gondii có thể lây nhiễm cho nhiều loài vật chủ, trong đó có loài gặm nhấm, chim và động vật săn mồi khác, nếu chúng ăn thịt hoặc phân bị nhiễm trùng này.

Các nhà nghiên cứu đã chuyển sang Dự án Mara Hyena đa giai đoạn, trong đó ghi lại dữ liệu về vị trí của từng cá thể linh cẩu — bao gồm cả sự tiếp cận của chúng với các động vật khác — cũng như tuổi, giới tính và mẫu máu của đàn con, sẽ cho biết liệu chúng đã từng bị nhiễm bệnh do ký sinh trùng Toxoplasma gondii gây ra hay chưa.

Linh cẩu con liều chết, ngang nhiên áp sát hung thần sư tử: Nhà khoa học mổ não linh cẩu mới hiểu lý do vì sao - Ảnh 3.

Việc bị nhiễm bệnh khiến linh cẩu con liều mạng hơn. Ảnh minh họa: Burrard Lucas.

Linh cẩu con liều chết, ngang nhiên áp sát hung thần sư tử: Nhà khoa học mổ não linh cẩu mới hiểu lý do vì sao - Ảnh 4.

Điều đó khiến chúng phải trả cái giá rất đắt - Những bức ảnh đặc biệt được chụp tại Trại Tanda Tula Safari ở Công viên Greater Kruger, Nam Phi. Ảnh minh họa: Chad Cocking

Phân tích của họ cho thấy rằng một phần ba số linh cẩu con được nghiên cứu đã bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma.

Trong khi những con không bị nhiễm bệnh ở cách xa sư tử trung bình 100 mét, thì những con mắc bệnh sẽ tiếp cận kẻ săn mồi (sư tử) ở khoảng cách trung bình là 40 mét - một khoảng cách rất nguy hiểm.

'Thay đổi trò chơi'

Stefanie Johnson, một nhà nghiên cứu tại Đại học Colorado (Mỹ), người nghiên cứu cách ký sinh trùng Toxoplasma tác động đến con người và không tham gia vào nghiên cứu về linh cẩu, cho biết: Nghiên cứu này đã 'thay đổi cuộc chơi' - Xác nhận rằng, ký sinh trùng Toxoplasma có tác động khá mạnh đến hành vi của động vật có vú - thậm chí, có thể bao gồm cả con người chúng ta.

Hầu hết những người bị nhiễm Toxoplasma đều bị sốt nhẹ và hồi phục nhanh chóng. Dù vậy, loại ký sinh trùng này có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho thai nhi, đó là lý do tại sao những người mang thai được khuyến cáo là tránh xa mèo và phân mèo.

Cũng có những bằng chứng gây tranh cãi rằng căn bệnh này có thể khiến mọi người gặp nhiều rủi ro hơn, chẳng hạn như lái xe nguy hiểm hơn có những quyết định liều lĩnh hơn.

Stefanie Johnson nằm trong số những người tin rằng những tác động này là một phần của một loạt các thay đổi mà ký sinh trùng Toxoplasma dùng để kiểm soát vật chủ của nó.

"Loài ký sinh trùng mà nhiều người cho rằng là nó lành tính (ở người), đang thể hiện ra những tác động tiềm tàng, gây ảnh hưởng lớn đến hành vi con người ở cấp độ cá nhân và xã hội" - Stefanie Johnson nói.

Bài viết sử dụng nguồn: Nationalgeographic

Trang Ly