Chiến lược tàu bay nhỏ tăng cường hiệu quả vận tải hàng không mùa dịch

Kinh doanh - Ngày đăng : 16:11, 31/07/2021

Đội tàu bay nhỏ vốn khai thác chặng bay ngắn lại phát huy hiệu quả tốt trong mùa dịch khi hãng bay có thể tối ưu chi phí cho vận tải hàng không do lượng hành khách hạn chế.
Bắt đầu từ giữa tháng 6, đội tàu bay nhỏ ATR72 của VNA và Vasco như phát huy thế mạnh tốt hơn khi được đưa vào khai thác các chặng bay ngắn.

Tăng cường tàu bay nhỏ cho các chặng khai thác

Các đường bay TP.HCM đi Huế/Chu Lai/Quy Nhơn/Đà Lạt/Phú Quốc... hay các chặng bay từ Hà Nội đi Vinh/Đồng Hới khai thác bằng tàu bay ATR72 như được tối ưu hơn khi lượng hành khách hạn chế với số chỗ chỉ 68 hành khách. Cùng với VNA, đội tàu bay Embraer E195 của Bamboo Airways những ngày tháng 7 cũng được đưa vào vận chuyển trên các đường bay dài, thay cho phi đội A321/B787.

Với lợi thế chuyên chở tối đa 124 ghế, phi đội Embraer E195 của Bamboo Airways tối ưu tốt hơn cho nhiều đường bay như Hà Nội - Cần Thơ/Rạch Giá hoặc TP.HCM đi Thanh Hóa/Đồng Hới. Việc cung ứng số chỗ ít hơn, đồng nghĩa với việc tối ưu nhiều hơn khi lượng hành khách giảm mạnh, đội tàu bay nhỏ được xem là cải thiện năng lực vận chuyển hàng không, vốn đang bị ảnh hưởng mạnh trong mùa COVID-19.

Hơn nữa các tàu bay nhỏ có thể dễ dàng đáp ở các sân bay nhỏ như Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Điện Biên. Điều đó giúp hãng bay có thể tối ưu vận tải hàng không tại nhiều sân bay hơn so với các hãng hàng không chỉ khai thác trên dòng máy bay A320/A321 - năng lực vận chuyển trên dưới 200 hành khách - như VietJet, Pacific Airlines hay Vietravel Airlines.


Một đại lý bán vé máy bay cho biết, gần đây hàng không liên tục thay đổi tàu bay, giá vé vì thế cũng nhảy múa theo. "Lượng hành khách ít, đổi tàu nhỏ vẫn hơn là hoãn chuyến, nên hành khách có việc gấp vì thế vẫn chấp nhận được. Trong khi các hãng chỉ khai thác bằng A320/A321 thì việc này lại không đơn giản khi liên tục hủy chuyến thời gian qua", một đại lý cho hay.

Tín hiệu tích cực cho vận tải hàng không mùa dịch

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu triển khai đánh giá lại về mặt kỹ thuật, đề xuất phương án liên quan việc Bamboo Airways định khai thác máy bay Embraer tại sân bay Cà Mau.

Đường bay TP.HCM - Cà Mau vốn là độc quyền của Vasco - Công ty con của Vietnam Airlines liên tục nhiều năm liền. Do đó, động thái từ Bamboo Airways cho việc khai thác máy bay Embraer tại sân bay Cà Mau với đường bay thẳng nối TP.HCM và Hà Nội mở ra nhiều điểm sáng cho thị trường.

chien-luoc-tau-bay-nho-tang-cuong-hieu-qua-van-tai-hang-khong-mua-dich-1.jpg

Trước đó, Bamboo Airways cũng đã đưa vào khai thác máy bay Embraer tại nhiều sân bay nhỏ  như Rạch Giá, Côn Đảo, phá thế độc quyền đường bay TP.HCM - Côn Đảo/Rạch Giá của Vasco.

Tận dụng phi đội tàu bay mới này, Bamboo Airways cũng là hãng đầu tiên mở đường bay thẳng từ Hà Nội/Vinh/Hải Phòng/Thanh Hóa/Đà Nẵng đến Côn Đảo và trở thành hãng hàng không duy nhất khai thác tuyến này nhiều năm độc quyền từ Vietnam Airlines khi nối chuyến qua TP.HCM hoặc Cần Thơ.

Tương tự tại sân bay Cà Mau, trong tháng 5, Bamboo Airways cũng nghiên cứu phương án mở đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đến Điện Biên Phủ bằng chủng loại máy bay phản lực Embraer 190. Đây được xem là những thế mạnh mà dòng máy bay này mang lại cho hãng sau khi bổ sung tàu bay mới vào đầu tháng 7.

Để cạnh tranh với đội bay nhỏ từ các hãng đối thủ, Vietnam Airlines trong năm 2019 cũng đã đánh giá thử nghiệm máy bay thế hệ mới A220-300 tại Việt Nam trong phân khúc 100 - 150 chỗ, giúp tối ưu tốt hơn cho nhu cầu tại các đường bay ngắn. Tuy nhiên đến nay, hãng vẫn chưa khai thác dòng máy bay này tại thị trường.

VÕ THANH BÌNH