Bài 2: Làm mát lại vùng đất “nóng”

Đối ngoại - Ngày đăng : 13:53, 07/07/2021



QĐND Online - Chia tay Zana, đem câu chuyện vừa gặp Zana kể với Bí thư Huyện ủy Đăk Đoa Nguyễn Ngọc Thọ, ông cười rất vui, nói rằng, những người như Zana khi mới về địa phương vẫn còn mặc cảm, tự ti nhiều lắm. “Các đồng chí cần biết rằng, nếu như nói Gia Lai là điểm "nóng" nhất ở Tây Nguyên thì Đăk Đoa là điểm "nóng" nhất ở Gia Lai, và xã Hà Bầu là điểm "nóng" nhất ở Đắk Đoa. Cảm hóa được một người như Zana sẽ giúp những người khác nhìn vào mà tự cảm hóa chính mình”.

Bí thư Nguyễn Ngọc Thọ cho biết thêm: “Huyện Đăk Đoa được tỉnh Gia Lai đánh giá cao trong việc triển khai chủ trương giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người lầm đường, lạc lối. Ví dụ như việc của Zana, các đồng chí đảng viên, bí thư chi bộ của thôn Rai sau khi báo cáo, chúng tôi chỉ đạo thật sát đối với chi bộ thôn Rai phải thường xuyên nắm bắt tư tưởng, giúp đỡ thật lòng, chân tình, đặc biệt phải mở ra hướng đi mới trong sản xuất, từng bước xóa đi mặc cảm để những người như Zana sớm hòa nhập cộng đồng một cách thoải mái hơn”.


Vì là ở điểm "nóng" nhất ở Gia Lai, với vị trí chiến lược của Đăk Đoa, địa bàn này luôn bị các thế lực phản động lợi dụng để lôi kéo, gây dựng lực lượng. Ở huyện này, đối tượng tham gia FULRO qua các thời kỳ rất lớn. Giai đoạn 2001, Đăk Đoa có trên 500 đối tượng. Qua đấu tranh, tuyên truyền, thuyết phục, hiện chỉ còn 26 đối tượng quản lý tại cộng đồng. Hầu hết có thái độ tích cực. Họ cũng nhận thức được rằng, đi theo con đường FULRO là sai trái. Có nhiều người có thân nhân ở Mỹ về muốn lôi kéo đưa đi, nhưng chúng tôi tới chơi, hỏi thăm họ và biết rằng, họ ở bên Mỹ cũng sống không sung sướng gì. Từ đó, làm phép so sánh, nhiều người vì thế đã tự nhận ra, tin tưởng vào cuộc sống ở địa phương, hiểu ra không ở đâu sướng bằng ở đất nước mình. Chính những câu chuyện như vậy tác động rất lớn đến tư tưởng của bà con. “Quá trình tự nhận thức của người dân đã khiến những đối tượng FULRO lưu vong dù vẫn muốn móc nối vào bên trong nhưng cũng không lôi kéo thêm được ai tham gia nữa”, ông Thọ chia sẻ.

Giúp đỡ người dân thông qua các công trình, việc làm cụ thể.

Cũng có cái kết có hậu như Zana ở xã Hà Bầu là câu chuyện của một số người từng theo FULRO, vượt biên bất hợp pháp, ở làng Breng 3, xã Ia Đêr, huyện Ia Grai, nay vươn lên trở thành những người có "bát ăn bát để", có uy tín trong cộng đồng. Ngồi dưới mái hiên căn nhà xây kiên cố nằm giữa những hàng tiêu, hàng cà phê thẳng tít; thi thoảng một cơn gió mát rượi thổi tới mang theo hương thơm mấy trái mít đang vào độ chín, mùi ngọt thỉu quả vú sữa đầu nhà ông Ksor HYao, một đảng viên lâu năm, người giữ cương vị Bí thư chi bộ ở làng Breng 3 gần 20 năm, bắt đầu câu chuyện về những đổi thay tích cực mỗi ngày đang diễn ra ở chính làng của ông.

Từ một thôn nghèo, nhiều người dân vì không đủ cái ăn, cái mặc, nhiều người đã nghe theo lời xúi giục của FULRO, TLĐG tham gia các hoạt động tụ tập trái phép, không chịu sản xuất mà chờ đợi một “phép màu” từ thế giới bên kia. Nhiều thanh niên đã trốn khỏi địa phương để tới các trại tỵ nạn hòng đi nước thứ ba... khiến cho tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn xã và huyện nơi ông ở vô cùng phức tạp.

Ông Ksor HYao chậm rãi nhớ lại: "Những thời điểm khó khăn nhất với người dân, với chính quyền ở thôn Breng 3 chính là thời điểm lực lượng đảng viên chưa phát triển mạnh. Năm 2005, khi ấy chỉ có 4 đảng viên, đảm nhiệm một khối lượng công việc quá lớn. Trong khi đó, chưa xây dựng được lực lượng đảng viên trong thanh niên và thành phần cốt cán, người có uy tín ở thôn, do vậy, việc quản lý, giáo dục, thuyết phục, vận động vô cùng khó khăn".

Đề ra nhiều chính sách thiết thực với nhân dân

Ông HYao cho biết thêm: Nhìn thấy điểm yếu này, trong 10 năm liên tiếp, chính quyền địa phương đã có sự quan tâm đặc biệt nhằm phát triển đội ngũ đảng viên ở cơ sở, chi bộ của thôn Breng 3 giờ đã có tới 9 đảng viên. Số lượng đảng viên mới chủ yếu là người trẻ, người địa phương nên các chủ trương, chính sách; các văn bản, chỉ thị hay những kinh nghiệm, cách làm hay trong sản xuất được đội ngũ đảng viên trẻ, nhiệt huyết trong thôn truyền đạt, phân tích bằng tiếng địa phương giúp người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số dễ hiểu hơn, từ đó dần nâng cao nhận thức, chấp hành mọi chính sách ngày càng tốt hơn. Chính vì vậy số lượng người theo TLĐG hay vượt biên trái phép đã giảm dần từ gần nửa làng vào thời điểm đầu những năm 2000 thì nay đã không còn người nào.

Với đặc điểm của một thôn hầu hết là người dân tộc Jrai, có tới 85% hộ theo đạo, những năm đầu thế kỷ 20 cả thôn còn rất nghèo, khi ấy ông Hyao đã trăn trở, mình là đảng viên, mình đã tạm ổn rồi, vậy mình phải làm gì để giúp được mọi người sống tốt đời, đẹp đạo, cuộc sống đủ ăn, khấm khá chứ đói nghèo sẽ sinh ra bất ổn. Từ trăn trở ấy Ksor Hyao càng nỗ lực hơn nữa để giúp chính gia đình mình thật khấm khá bằng cách chăm chỉ hơn, dạy con ngoan, không tham gia tệ nạn hay theo tà đạo. Bà con dân làng ngày càng tin tưởng Ksor HYao, tin vào lối sống mẫu mực, biết quan tâm giáo dục con cái, cần cù chịu khó trong lao động sản xuất của ông và gia đình, để thấy đó mà học tập làm theo.

Hiện gia đình ông có 1 héc-ta cà phê; gần 3 sào lúa nước hai vụ và chăn nuôi hơn 10 con bò sinh sản. Trong khu vườn nhà 2,5 sào ông trồng tiêu, cà phê và xen các loại cây ăn quả có giá trị, nên hằng năm gia đình ông có tổng thu nhập gần 200 triệu đồng. Từ kinh nghiệm làm ăn của mình, ông tích cực cùng với cán bộ xã, huyện trực tiếp “cầm tay chỉ việc” giúp bà con trong làng cải tạo vườn tạp, hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi, nhờ đó đời sống kinh tế của nhiều người dân trong làng cũng ngày càng đi lên.

Trên cương vị là bí thư chi bộ, lại là người luôn bám sát nhân dân, ông biết nhà nào thiếu cái gì, tư tưởng nhà ai còn chưa thông, ông phân công từng đảng viên thường xuyên gần gũi để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từ đó có cách giúp đỡ một cách thiết thực. Ông cũng đề xuất thành lập các tổ, hội tại làng như: Tổ an ninh nông thôn, tổ hòa giải, tổ vay vốn giúp nhau xây dựng kinh tế hộ, tạo không khí gần gũi gắn bó, đoàn kết hơn.

Như muốn để thuyết phục tôi về những thành quả mà phải mất rất nhiều năm chi bộ của ông, bản thân ông mới có thể đạt được, ông HYao dẫn tôi tới thăm nhà của anh Rơmah Chynh (sinh năm 1968), anh Puith Nam (sinh năm 1974), ông R'Com Tin (sinh năm 1962)... là những người đã từng theo FULRO và TLĐG nhưng nay đã trở thành những người có thu nhập khá, có uy tín trong làng, để hiểu hơn thực tế ở thôn Breng 3.

Tôi hỏi vui ông HYao: Có phải chú thấy cháu là nhà báo, chú dẫn cháu tới nhà của những người có thu nhập khá, hoặc giàu của thôn đúng không? Ông HYao vui vẻ đáp lời: "Ồ, cháu nhầm rồi. Nếu nhà của người giàu trong thôn thì không thua gì nhà giàu ngoài phố đâu. Cháu thấy không, ở đây ô tô tải có thể vào tận sân từng nhà đấy. Hầu như nhà nào cũng có máy cày rồi. Cuộc sống giờ đã khác trước nhiều rồi. Chú dẫn cháu tới nhà của mấy người từng theo TLĐG hay từng theo FULRO, nhưng khi họ nhận ra sai lầm và tu chí làm lại cuộc đời, chỉ trong vòng chục năm qua, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cộng thêm đầu óc nhạy bén, họ đang có cuộc sống khá giả đấy".

Quả đúng như ông HYao nói, tôi khá “choáng” với cơ ngơi rộng hơn trăm mét vuông nhà anh Puith Nam. Trong sân vườn xanh mướt những tiêu, cà phê, một số cây ăn trái, ngoài kia “tô điểm” một máy cày đỏ chót, vẫn còn lấm màu đất bazan; một ô tô bán tải, được anh cho biết chuyên dùng để chở loa, ampli, dụng cụ của một ban nhạc sáu người do anh lập ra để phục vụ các đám cưới khắp khu vực huyện Ia Grai. Còn máy cày, anh cày cho đất nhà, đi cày thuê, chở nông sản đi bán... Puith Nam tiết lộ, dù phải nuôi bốn người con, trong đó có một người con bị tàn tật, một mẹ già mà mỗi năm anh cũng để ra từ trồng trọt và làm thêm cả trăm triệu đồng. Rồi Puith Nam hóm hỉnh nói, để có những ngày vui hôm nay, cũng phải trải qua những ngày buồn. Rất may có chính quyền, những người uy tín như ông HYao giúp đỡ để không còn mặc cảm tội lỗi, luôn biết phấn đấu vươn lên.

Puith Nam cho biết, năm 2004, nghe theo lời xúi giục, tôi định sang trại tỵ nạn bên kia biên giới để đi nước thứ 3, hưởng thụ cuộc sống sung sướng. Nào ngờ, sướng đâu chả thấy, chỉ thấy khổ cực, vi phạm pháp luật. Đi tới khu vực biên giới, đang tìm cách vượt biên chưa được thì đã bị bắt. Trong quá trình trốn chạy, sống trong rừng hơn tháng không có cái gì ăn thấy khổ quá. Sau khi bị bắt và bị quản lý tập trung ở  huyện rồi đưa ra xét xử, tiếp tục bị cải tạo trong vòng 1 năm 9 tháng mới được về địa phương. Khi trở về Puith Nam rất vui khi không ai kỳ thị, gây khó khăn gì. Các cấp chính quyền cũng hết sức tạo điều kiện cho gia đình vay vốn làm ăn, buôn bán, lập ban nhạc chuyên hát đám cưới. “Mình rất cảm ơn chính quyền, đã tạo điều kiện cho mình thoải mái làm ăn, buôn bán rồi đi làm dịch vụ đám cưới, mua xe, vốn đầu tư cho trồng cà phê, tiêu...”, Puith Nam cười tươi kể với chúng tôi.

Được sự quan tâm của chính quyền, giúp đỡ của lực lượng vũ trang, đời sống nhân dân ngày càng ổn định.

Chia tay Puith Nam, tiếp tục theo chân ông HYao tới nhà ông R'com Tin, sinh năm 1962, cách đó một đoạn không xa. Một căn nhà bề thế nằm lọt thỏm trong bóng mát giữa những hàng cafe, tiêu thẳng tắp. Ông HYao khoe, nhà ông này làm về thầu xây dựng, kinh tế rất vững. Ông Tin đón tiếp chúng tôi rất niềm nở, mời chúng tôi ngồi trong phòng khách rộng rãi, có tầm nhìn bao quát nửa khu vườn, ông Tin chia sẻ thật thà: “Đợt này công việc cũng không được suôn sẻ lắm. Dịch bệnh khiến nhiều công việc dở dang. Bù lại cây cối vẫn cho thu hoạch”. Rồi ông chỉ cho tôi cơ ngơi rộng rãi, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ trong nhà, cây công nghiệp, cây ăn quả thẳng hàng, máy cày nằm ở góc vườn, tự hào nói: “Nhờ công lao động vất vả của cả nhà bao năm trời mới được như thế. Mọi thành quả có được bắt nguồn từ sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước đấy. Năm 2002, tôi nghe theo lời xúi giục của phản động, tính chuyện vượt biên giới Việt Nam để đi nước thứ 3. Song khi ấy, biên giới được chốt chặn, tôi phải nằm trong rừng 8 tháng để chờ cơ hội, thế nhưng, vẫn không thể đi qua biên giới. Rồi cái đói, cái rét, bệnh tật... nỗi nhớ vợ, nhớ con... cuối cùng tôi dao động tư tưởng, quyết định trở về với quê hương. Sau khi quyết định tôi liên lạc với già làng và được biết Đảng, Nhà nước có chính sách nhân đạo, khoan hồng với những người lầm đường lạc lối. Thậm chí địa phương sẽ tạo điều kiện cho họ học tập cách làm ăn, giúp họ cây con giống để sớm ổn định sản xuất và cuộc sống”...


Kể tới đây, ông Tin xúc động rơm rớm nước mắt, ông cho biết, được sự giúp đỡ rất tận tình của cán bộ thôn, xã, đặc biệt những người hàng xóm, đảng viên mẫu mực như ông Ksor HYao, chỉ trong 2 năm, kinh tế gia đình đã ổn định, sau khi trở về 5 năm thì đã thành hộ khá. Đội thợ của ông mỗi năm xây vài chục căn nhà cấp 4; lợn bò không lúc nào thiếu. Ông chỉ vào bằng khen Danh hiệu nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Gia Lai đầy tự hào nói: “Trước kia mình u tối cái đầu. Giờ đã hiểu, không đâu bằng nhà mình. Tôi có nhà, có đất, có cây cà phê, có việc làm, vợ con thương yêu, tôi đã hiểu tôi phải làm gì để gia đình tôi hạnh phúc. Tôi cũng chỉ có lời khuyên mọi người trong thôn, đặc biệt là lớp trẻ, đừng theo lời bọn xấu xúi giục, chúng nó lừa thôi”.

Ông Tin chia sẻ thêm, mới đây, khi các đối tượng phản động ở Mỹ gọi điện thoại về để lôi kéo người dân trong thôn, chính ông là người đã vận động ngược lại khi ông cho những kẻ gọi điện xem tận mắt thành quả mà ông và gia đình đã đạt được. Sau khi được xem tận mắt những thành quả gia đình ông đạt được, những kẻ vận động ông trốn khỏi Việt Nam không còn gọi cho ông nữa.

Tôi quay sang hỏi Thượng úy Lê Thế Tuấn, cán bộ công an tỉnh Gia Lai, đang phụ trách địa bàn xã Ia Đêr, vừa kịp đến đúng lúc ông HYao và ông Tin kể chuyện, anh Tuấn vui vẻ nói: “Chú HYao và chú Tin nói đúng anh ạ. Để tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được như bây giờ, mỗi cán bộ, đảng viên khi sinh hoạt tại địa bàn hoặc được phân công công tác tại địa bàn cần đặc biệt gương mẫu. Đồng bào ở đây chỉ tin theo những gì cán bộ nói và làm được”.

Những công trình thiết thực đang làm xanh lại vùng đất đỏ bazan.

Là người theo dõi địa bàn này lâu năm, Thượng úy Lê Thế Tuấn cho biết, bằng các biện pháp đấu tranh quyết liệt, thời gian qua hoạt động của các thế lực phản động đã giảm, song tình hình dự báo cũng sẽ vẫn còn nguy cơ phức tạp trở lại nếu không kiểm soát tốt, đặc biệt là không nắm chắc tình hình tại cơ sở. Các thế lực phản động, thù địch luôn chờ ta sơ hở để âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân chủ, nhân quyền nhằm tiến hành các hoạt động chống phá trên địa bàn Gia Lai nói riêng. Chúng triệt để lợi dụng những mâu thuẫn, xung đột thường ngày có thể xảy ra để kích động, tuyên truyền tư tưởng ly khai, tự trị, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Qua theo dõi đã phát hiện các thế lực thù địch và phản động FULRO đang chủ động đẩy mạnh việc lợi dụng ứng dụng công nghệ thông tin để tiến hành các hoạt động móc nối, tuyên truyền chống phá trên không gian mạng, chúng đặc biệt nhắm vào các đối tượng là người trẻ, sử dụng công nghệ thông tin, điện thoại thông minh... gây ra nhiều khó khăn hơn trong công tác quản lý. Tại địa bàn của tôi, có được những người tâm huyết huyết như chú Tin hay chú HYao, những người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số là quý lắm. Họ không chỉ là đảng viên mẫu mực, bí thư chi bộ uy tín, mà họ thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân; là những người tuyên truyền viên tích cực nhất giúp địa bàn luôn được ổn định về trật tự an ninh, nhiều năm liền trong làng Breng 3 này không có người nào còn theo TLĐG, FULRO nữa. Mọi sự móc nối của các thế lực không có kết quả vì mọi người đã hiểu rằng ai mới là người mang tới cơm no áo ấm, hạnh phúc gia đình cho họ, ai mới thực sự giúp họ làm chủ trên chính mảnh đất quê hương họ.

Đập Tân Sơn, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai.
Thông tin tác giả

Chỉ đạo thực hiện: Đại tá NGÔ ANH THU, Phó tổng biên tập

Tổ chức thực hiện: NGUYỄN XUÂN HÒA- NGUYỄN VĂN MINH

Nội dung: NGUYỄN XUÂN HÒA

Ảnh: XUÂN HÒA - BÌNH ĐỊNH - DUY HIỂN -  LÊ LÂM - HUY BẮC

Kỹ thuật, đồ họa: KHÁNH HÀ