Lực lượng bộ binh trong lộ trình tiến lên hiện đại

Đối ngoại - Ngày đăng : 22:39, 20/06/2021

Trong Quân đội ta, bộ binh là thành phần chủ yếu, lực lượng nòng cốt của lục quân, giữ vai trò rất quan trọng, là nhân tố quyết định thắng lợi trên chiến trường. Trải qua 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng bộ binh đã lập được những thành tích vẻ vang, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Những đóng góp to lớn của lực lượng bộ binh được phản ánh đầy đủ, toàn diện, tiêu biểu nhất qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực quân sự; với việc xuất hiện của các hình thái chiến tranh hiện đại, phương thức tác chiến mới... và trước xu thế phát triển, hiện đại hóa của quân đội các nước trong khu vực, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy quân sự, quốc phòng, coi trọng xây dựng quân đội hiện đại để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Huấn luyện lực lượng bộ binh vượt sông bằng xe lội nước tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Ảnh: VĂN THỊNH.

Quán triệt và cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào quá trình hiện đại hóa quân đội và lực lượng bộ binh cho thấy, phải có lộ trình và bước đi phù hợp, đáp ứng với yêu cầu trước mắt và lâu dài, tạo tiền đề vững chắc để tiến lên hiện đại. Từ nay đến năm 2030, lực lượng bộ binh của Quân đội ta sẽ từng bước tiến lên hiện đại, giai đoạn đầu, từ năm 2021 đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, từ năm 2026 đến năm 2030. Việc xác định lộ trình và bước đi phù hợp trong từng giai đoạn là cơ sở quan trọng để đạt được mục tiêu đến năm 2030, xây dựng lực lượng bộ binh hiện đại. Để thực hiện được mục tiêu đó, lực lượng bộ binh phải được hiện đại hóa đồng bộ cả về con người, tổ chức, biên chế, vũ khí trang bị, phương thức và trình độ tác chiến... cùng các mặt bảo đảm khác theo hai giai đoạn:

Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, xác định xây dựng lực lượng bộ binh “tinh, gọn, mạnh”. Trước hết, tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực; tinh giản quân số thường trực, tập trung xây dựng lực lượng chủ lực từ cấp trung đội, đại đội, tiểu đoàn đến sư đoàn... bảo đảm cân đối, hợp lý, tinh gọn, đủ sức chiến đấu trong mọi tình huống. Tiếp tục thực hiện tinh giản các đầu mối (các đơn vị chiến đấu, các quân khu, quân đoàn, tổng cục, các học viện nhà trường...); từng bước chuyển giao một số hoạt động sản xuất công nghiệp quốc phòng, hoạt động bảo đảm hậu cần, kỹ thuật (có tính lưỡng dụng) cho các cơ quan, tổ chức dân sự; cơ cấu lại tổ chức biên chế lực lượng bộ binh ở các đơn vị chủ lực trong toàn quân theo hướng ưu tiên cho các đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ trọng yếu của Đảng và Nhà nước. Coi trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng được nhiệm vụ khi có tình huống khẩn cấp hoặc chiến tranh.

Về công tác huấn luyện, đào tạo: Đây là nhiệm vụ tất yếu để tăng cường sức mạnh và khả năng SSCĐ của lực lượng bộ binh. Vì vậy, phải nâng cao chất lượng huấn luyện, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho quân đội, bằng việc đào tạo các thế hệ cán bộ, học viên trong các học viện, nhà trường có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, kiến thức nghệ thuật quân sự sâu, rộng; có năng lực chỉ huy-tham mưu tác chiến, kỹ năng thực hành chiến đấu tinh luyện; có trình độ thao tác, sử dụng phương tiện tự động hóa chỉ huy công nghệ cao; coi trọng huấn luyện nâng cao thể trạng, sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, khả năng chịu đựng gian khổ, ác liệt của cuộc chiến tranh công nghệ cao; rèn luyện kỹ năng chiến đấu cá nhân, nhất là huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, huấn luyện hiệp đồng với các quân, binh chủng, sát thực tế chiến đấu, trong điều kiện tác chiến mới (trong môi trường tác chiến không gian mạng, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao). Tích cực đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp huấn luyện, tăng cường đào tạo liên thông, liên kết trong nước và hội nhập quốc tế; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và nhân viên chuyên môn kỹ thuật; huấn luyện sát với thực tế chiến đấu, kết hợp cách đánh mới với cách đánh truyền thống, tiếp thu có lựa chọn kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới, giữa cách đánh du kích với cách đánh chính quy, hiện đại, bảo đảm cho lực lượng bộ binh bước đầu đạt trình độ tinh nhuệ, thiện chiến, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống, mọi điều kiện hoàn cảnh. Nghiên cứu xây dựng và đưa vào sử dụng các trung tâm huấn luyện mô phỏng kỹ, chiến thuật chiến đấu bộ binh ở các đơn vị trọng điểm. Nâng cao chất lượng huấn luyện thể lực của cán bộ, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu chiến đấu dài ngày, cường độ cao.

Cùng với đó, phải chú trọng nghiên cứu, phát triển lý luận nghệ thuật quân sự, trong đó có lý luận chiến thuật bộ binh là nội dung mang tính cấp thiết, nhằm kịp thời bổ sung nguyên tắc, phương pháp tổ chức chuẩn bị và thực hành chiến đấu phù hợp, thiết thực phục vụ trực tiếp công tác chỉ đạo huấn luyện, SSCĐ. Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bổ sung lý luận về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong thời bình; “chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường” trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới.

Về trang bị: Nghiên cứu trang bị cho lực lượng bộ binh những loại vũ khí, phương tiện hiện đại; giữ gìn, bảo quản tốt, cải tiến có chọn lọc những vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện có trong biên chế. Cần nâng cấp, xây dựng một số trung tâm lớn, các nhà máy, xí nghiệp sản xuất quốc phòng hiện đại để tự sản xuất một số mặt hàng quốc phòng thiết yếu và một số phương tiện, vũ khí hiện đại phù hợp với tổ chức biên chế của lực lượng bộ binh theo từng cấp; nghiên cứu, lựa chọn mua sắm một số loại VKTBKT hiện đại nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu cho lực lượng bộ binh và các quân, binh chủng khác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ SSCĐ và chiến đấu trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao.

Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030, xây dựng lực lượng bộ binh hiện đại. Để thực hiện được mục tiêu này, cần tập trung xây dựng con người, tổ chức biên chế, trang bị hiện đại, trong đó con người là yếu tố quyết định. Vì vậy, cần chú trọng đến công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện, rèn luyện bộ đội sát thực tế chiến đấu và điều kiện chiến tranh công nghệ cao, trong đó lấy huấn luyện thực hành, rèn luyện kỹ năng chiến đấu, năng lực chỉ huy là cơ bản, bảo đảm cho lực lượng bộ binh đạt trình độ tinh thông về lý luận, nhuần nhuyễn về hành động chiến đấu cá nhân và hiệp đồng chiến đấu quân, binh chủng, vừa tinh nhuệ vừa thiện chiến, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Về tổ chức biên chế: Chủ động, quyết liệt điều chỉnh bảo đảm cân đối, có trọng điểm, nhất là lực lượng bộ binh ở các đơn vị chủ lực, đơn vị trực tiếp chiến đấu. Xác định rõ vị trí công tác cho từng chức danh ở các cấp trong toàn quân, các cơ quan chiến dịch, chiến lược và các đơn vị bộ binh biên chế từ tiểu đội đến sư đoàn... bảo đảm phù hợp, hiện đại. Ưu tiên, sử dụng hiệu quả nguồn lực xây dựng lực lượng bộ binh đồng bộ, hiện đại; tập trung huấn luyện, rèn luyện bộ đội đạt đến trình độ tinh nhuệ, thiện chiến, đủ sức hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong điều kiện mới. Trang bị, đầu tư hiệu quả VKTBKT đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển lực lượng bộ binh nói riêng và lực lượng lục quân nói chung đến năm 2030 theo hướng hiện đại, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại.

Về huấn luyện và đào tạo: Tập trung đổi mới công tác đào tạo, huấn luyện; vận dụng sáng tạo các quan điểm, nguyên tắc, phương châm trong huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong điều kiện mới. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành, huấn luyện, đào tạo hợp lý; gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với đơn vị, nhà trường với chiến trường; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; tăng cường huấn luyện đêm; huấn luyện làm chủ VKTBKT, nhất là vũ khí, trang bị mới, hiện đại. Kết hợp huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị; kỷ luật, đạo đức với rèn luyện thể lực cho bộ đội, bảo đảm bộ đội có đủ thể chất và tinh thần, trình độ, năng lực và kỹ năng trong các hoạt động quân sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Về VKTBKT: Cần trang bị đầy đủ cho lực lượng bộ binh vũ khí, phương tiện hiện đại; loại bỏ những vũ khí, phương tiện không còn phù hợp; đưa vào sử dụng, vận hành các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất một số mặt hàng, một số loại phương tiện, vũ khí hiện đại để biên chế cho lực lượng bộ binh theo từng binh chủng, quân chủng; mua sắm bổ sung một số loại VKTBKT hiện đại để nâng cao năng lực tác chiến của lực lượng bộ binh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Để góp phần triển khai thực hiện hiệu quả phương hướng, mục tiêu xây dựng lực lượng bộ binh trong lộ trình tiến lên hiện đại, đòi hỏi các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về quốc phòng, an ninh, đề cao trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm đến năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại. Đối với đội ngũ cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng trong toàn quân, trước hết là cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp phải quán triệt đầy đủ, toàn diện, sâu sắc quan điểm của Đảng, đề cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện ở cơ quan, đơn vị mình theo đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đây là cơ sở để bảo đảm thực hiện đồng bộ, toàn diện định hướng, các nội dung, giải pháp trong lộ trình xây dựng lực lượng bộ binh “tinh, gọn, mạnh” tiến tới hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Trường Sĩ quan Lục quân 1 là nhà trường đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu lục quân cấp phân đội trình độ đại học-đội ngũ cán bộ, sĩ quan chỉ huy nòng cốt trực tiếp quản lý, chỉ huy, huấn luyện bộ đội và xây dựng lực lượng lục quân chính quy, hiện đại, góp phần xây dựng quân đội hiện đại. Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác đào tạo và để đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bắt đầu từ khâu tuyển chọn học viên đến khi học viên tốt nghiệp ra trường. Quá trình đào tạo, nhà trường thường xuyên cập nhật những thông tin mới, hiện đại và những thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học quân sự do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình phù hợp với thực tiễn, thiết thực với đối tượng đào tạo và nhu cầu sử dụng của quân đội; không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại; tăng cường huấn luyện, rèn luyện thực hành... nhằm nâng cao năng lực toàn diện cho người học, bảo đảm học viên tốt nghiệp thực sự là những cán bộ, sĩ quan "vừa hồng vừa chuyên”; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, có năng lực chỉ huy và bản lĩnh vững vàng để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới, góp phần xây dựng lực lượng bộ binh và Quân đội ta tiến lên hiện đại, đủ sức bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Trung tướng, PGS, TS ĐỖ VIẾT TOẢN, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1