Hình ảnh người cha 63 tuổi vất vả mưu sinh để lo cho các con chạm vào hàng triệu trái tim người Việt

Gia đình - Ngày đăng : 08:11, 07/07/2021

Người cha 63 tuổi ở Bình Thuận mái tóc bạc trắng nhưng lúc nào cũng tay cuốc, tay xới đất trồng cây, rồi lại tất tả mang đi chợ bán...vất vả mưu sinh kiếm tiền chữa bệnh cho con gái khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
cha6.jpg
Cả cuộc đời ba chị Thúy "bán mặt cho đất bán lưng cho trời"

Chị Nguyễn Thị Thanh Thuý (SN1980) sống tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận kể rằng chị sinh ra trong một gia đình có ba cô con gái và chị là con đầu.

Khi chị Thúy học đại học năm thứ hai thì mẹ lâm bệnh nặng, căn bệnh ung thư tủy của mẹ khiến cả gia đình suy sụp.

“Cuộc sống lúc ấy khó khăn vô cùng, ba bán cả rẫy nương, vay mượn khắp nơi vì chi phí chữa trị cho mẹ cao lắm. Ba cận kề nuôi mẹ ở bệnh viện. Còn mình thì vừa đi học, vừa đi làm thêm, tối lại vào bệnh viện phụ ba chăm mẹ.

Mẹ bệnh 3 năm thì mất, ba là người đau khổ nhất, nhưng mình không thấy ba khóc, ba nuốt hết nước mắt vào lòng. Suốt những ngày tháng dài sau đó, ba chỉ trải chiếu nằm ngủ bên cạnh bàn thờ của bẹ, tóc ba bạc trắng trông thấy khiến mình vô cùng xót xa….”, chị Thúy kể.

Sau 3 năm chạy chữa tại bệnh viện truyền máu và huyết học TP. HCM (lúc đó là Trung tâm truyền máu và huyết học), chị vừa tốt nghiệp đại học là mẹ chị qua đời, lúc đó chị 23 tuổi và em gái út mới đang học lớp 9.

Vậy là từ đó ba chị Thúy ở vậy nuôi ba chị em. Ngày ngày ba làm lụng ở rẫy, trồng bí, trồng khoai, trồng đậu,... để nuôi các con ăn học nên người.

cha2.jpg
"Củ khoai nọc nằm ở sâu trong lòng đất, ba đào vất vả lắm " chị Thúy kể.

“Mẹ mất, ở gia đình là một tay ba lo liệu. Ba chỉ thích ăn cơm với muối ớt, thời nghèo khó ba luôn như thích thế, để nhường cơm cá cho 3 chị em tôi, đến giờ những hình ảnh ấy vẫn khiến tôi nhớ mãi.

Cho dù bây giờ cuộc sống khá khẩm hơn nhưng ba vẫn giữ thói quen ấy, cơm cá khô hay kho quẹt, muối ớt là quá đủ với ba rồi.

Tôi nhớ ngày sức khỏe của mẹ khá hơn chút, mẹ thèm ăn bánh xèo. Ba lặn lội khắp ngõ ở Sài Gòn để mua bánh xèo cho mẹ. Mẹ ăn một bữa thật ngon, nhưng rồi sau đó, mẹ lại nôn ói ra hết…

Ba cười hiền từ "không sao cả, mai mốt được bác sĩ cho về nhà tui đổ bánh xèo cho bà ăn, bà cố gắng lên nha".

khoai.jpg
Khoai thu hoạch xong lại không được giá khiến ba rất buồn

Ba phải làm việc rất nhiều, một mình ba cày cuốc, trồng tỉa, tự thu hoạch, gánh gồng và chở ra chợ bán. Ngày ấy còn dại, 3 chị em chỉ biết đi học, không giúp ba được gì nhiều.

Rẫy rất xa nhà, đường đi toàn là cát lún. Ba phải gánh bộ hơn cả cây số mới mang được rau củ về nhà. 2 giờ sáng hôm sau, Ba lại đèo xe máy ra chợ để bán”, chị Thúy tâm sự.

cha4.jpg
Ba chị Thúy chở cây đi bán những ngày gần Tết

Năm em gái út của chị Thúy 23 tuổi thì cũng phát hiện mắc căn bệnh giông giống mẹ. Vậy là ba chị Thúy lại suy sụp thêm một lần nữa.

Không đầu hàng trước số phận, tuy lớn tuổi nhưng ba chị Thúy vẫn không ngừng lao động kiếm tiền chạy chữa cho con gái út.

cha1.jpg
Công việc mỗi sáng của ba chị Thúy

Chị Thúy kể ba vẫn giữ thói quen ăn uống tiết kiệm, ngày ngày trồng hoa màu, gánh hoa màu về nhà và mang ra chợ bán. Hiện ba và em gái út của chị Thúy vẫn sinh sống ở Bình Thuận.

Năm nay, ba chị Thúy 63 tuổi nhưng ông không cho phép mình được nghỉ ngơi, công việc chính của ba chị Thúy vẫn là làm nông, trồng hoa màu rau củ quả để có tiền trang trải cuộc sống cũng như chạy chữa cho em gái út điều trị bệnh.

cha5.jpg
63 tuổi nhưng việc gì ba chị Thúy cũng làm

Dù lấy chồng cách nhà 5km nhưng ba chị Thúy vẫn lo cho các con các cháu mỗi ngày.

“Hôm kia, bóng dáng hao gầy trên chiếc xe máy cà tàng lướt nhẹ dưới bầu trời trĩu nặng những làn mây, ba đèo cả bao rau củ trong vườn gửi vội cho con mình rồi lủi thủi về ngay, không kịp ghé nhà vì sợ dịch bệnh.

Ba mình là vậy đó, bao khó khăn cứ chồng chất lên vai của người, hết lo cho vợ rồi lại lo cho các con. Các con đã trưởng thành, đã có gia đình riêng nhưng ba vẫn cứ phải chăm lo cho từng đứa, yêu thương không biết nói sao cho hết”, chị Thúy nói.

cha3.jpg
Chiếc cuốc quen thuộc của ba mỗi ngày.

Cuối tuần nào chị Thúy cũng về nhà phụ ba việc hoa màu, tranh thủ sắm cho ba chiếc áo, cái khăn mặt, mua cho em gái ít thuốc nhưng lúc nào ba chị cũng nói “ba nhiều áo lắm mua làm gì, con để tiền đó lo cho các cháu”...

Ai đã làm cha mẹ chắc có lẽ sẽ cùng chung một suy nghĩ đã là cha mẹ sẽ luôn làm hết sức mình để mang lại cuộc sống tốt nhất cho con cái, cho dù để nuôi các con ăn học, cho các con một cuộc sống tốt đương nhiên cũng không dễ dàng gì.

Người ta hay nói đến tình yêu thương và sự hy sinh vĩ đại của người mẹ nhưng nhiều người lại quên rằng tấm lòng người cha dành cho con cái cũng bao la như trời biển.

Người cha mạnh mẽ như cha chị Thúy và nhiều người cha khác cũng ngày ngày lặng lẽ che mưa chắn gió cho gia đình không một lời than, người cha làm điểm tựa tinh thần cho cả nhà, người cha cho các con một mái ấm vững vàng và sự phát triển toàn vẹn của tâm hồn.

Người cha, cũng như người mẹ, sẵn sàng hy sinh niềm vui, sở thích, ước mơ, hy sinh miếng ăn giấc ngủ lẫn thân thể, tính mạng của mình cho con.

Người ta dễ dàng thấu hiểu, cảm thông và ghi nhớ công ơn của người mẹ nhưng đôi khi quên mất con người lớn lao vĩ đại, như bóng cây che mát cuộc đời mình chính là cha. Những ai còn cha xin hãy trân trọng phút giây này...

Minh An (t/h)