Những câu hỏi lớn - Vũ trụ

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 19:14, 04/07/2021

Bằng cách nào mà bụi sao đã biến đổi thành các sinh vật sống là một trong những câu hỏi hóc búa nhất của khoa học.

Rất có thể bạn đang đeo một chiếc nhẫn vàng hoặc đồ trang sức làm từ kim loại quý.

Nhìn kỹ nó mà xem; các nguyên tử trong món đồ trang sức đó còn lớn tuổi hơn cả Trái Đất. Sau đó, hãy nghĩ đến chất sắt trong máu của bạn, canxi trong xương của bạn, oxy mà bạn thở - tất cả chúng đều già cỗi hơn ngôi nhà hành tinh của chúng ta và đều được tôi luyện trong lòng một ngôi sao khổng lồ.

Bằng cách nào mà bụi sao đã biến đổi thành các sinh vật sống là một trong những câu hỏi hóc búa nhất của khoa học.

Mắc kẹt trong các thiên thạch rơi xuống Trái Đất là vô số manh mối về nguồn gốc bụi sao. Các nhà khoa học hành tinh thậm chí còn tìm thấy mẫu vật cực nhỏ của bụi sao mà họ gọi là “hạt tiền mặt trời”.

Dấu hiệu nhận biết có thể là một tinh thể silic cacbua kích thước khoảng một phần triệu mét, hoặc một viên kim cương kích cỡ nano chỉ chứa khoảng một trăm nguyên tử.

Khi phân tích vật liêu thiên thạch, bụi sao nổi bật nhờ sự pha trộn độc đáo của các đồng vị (các nguyên tử có khối lượng khác nhau) - các tinh thể nhỏ li ti vẫn còn nguyên vẹn kể từ khi hình thành, dù trong một đám mây mảnh vụn siêu tân tinh đang mở rộng hoặc khí quyển căng phồng của một ngôi sao khổng lồ đỏ.

Các hạt tiền mặt trời phát triển ở những khu vực này do luồng khí ấm di chuyển tương đối chậm, khá giống với bồ hóng hình thành trong ống khói. Thành phần của hạt cho phép các nhà khoa học tìm ra những chu trình diễn ra bên trong ngôi sao để tạo ra các nguyên tố hóa học của thế giới ngày nay.

Tất cả các nguyên tố chúng ta tìm thấy trên Trái Đất, có thể ngoại trừ hydro, được tạo ra bởi quá trình tổng hợp hạt nhân bên trong lõi của các ngôi sao.

Bằng cách nào đó, tại một số thời điểm trong lịch sử Trái Đất, các hóa chất của bụi sao đã tập hợp lại với nhau theo cách sự sống đã tiến hóa. Có thể nói quá trình này là bí ẩn tột cùng: Sự sống đã hình thành như thế nào.