Xe ôm ở TP.HCM được nhận 50 nghìn đồng/ngày từ gói hỗ trợ 886 tỷ

Xã hội - Ngày đăng : 14:46, 05/07/2021

Người chạy xe ôm truyền thống, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố ở TP.HCM sẽ được hỗ trợ 50 nghìn đồng/ngày từ gói hỗ trợ 886 tỷ đồng.

Thông tin trên được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chia sẻ tại buổi họp báo về triển khai gói hỗ trợ lần 2 của thành phố đối với người bị ảnh hưởng dịch Covid-19 sáng 5/7.

Tại cuộc họp, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM cho biết, hiện nay, thành phố có 24.000 công nhân phải chấm dứt hợp đồng lao động vì doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Họ sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 1 lần.

Riêng người lao động đang mang thai, nuôi con nhỏ chưa đủ 6 tuổi sẽ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng.

Xe ôm ở TP.HCM được nhận 50 nghìn đồng/ngày từ gói hỗ trợ 886 tỷ
Các công nhân ở khu chế xuất Linh Trung, TP Thủ Đức mua thực phẩm thiết yếu. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Điều kiện để hỗ trợ là người lao động có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ 1/5 đến hết 31/12.

Đối với những người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục có trụ sở tại TP.HCM cũng sẽ nhận được mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Tấn cũng cho biết, hiện nay, thành phố còn rất nhiều người lao động tự do bị mất việc do dịch bệnh Covid-19. Đây là những người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do). Họ sẽ được thành phố hỗ trợ 50 nghìn đồng/người/ngày.

Với những người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố; người thu gom rác, phế liệu; người bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của thành phố cũng sẽ được nhận hỗ trợ mức 50 nghìn đồng/người/ngày.

Theo ông Tấn, những người chạy xe ôm truyền thống tại thành phố cũng được nhận hỗ trợ mức 50 nghìn đồng/người/ngày.

Xe ôm ở TP.HCM được nhận 50 nghìn đồng/ngày từ gói hỗ trợ 886 tỷ
Người lao động tự do sẽ được thành phố hỗ trợ 50 nghìn đồng/người/ngày. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Đến hết tháng 8 phải giải quyết hết cho người dân

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, gói hỗ trợ trên thể hiện sự quan tâm của thành phố đến công nhân, người lao động, người yếu thế trong xã hội gặp khó khăn. Thành phố vận động mạnh thường quân để giúp người dân, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch.

"Đây là chính sách mang đậm tính nhân văn, nghĩa tình mà Đảng bộ TP xây dựng, vun đắp, để thực hiện sự tâm huyết của thành phố với người dân; thể hiện sự chia sẻ trong cộng đồng, chung tay góp sức cho người dân vượt qua giai đoạn khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh”, ông Hoan chia sẻ.

Về yêu cầu thực hiện, ông Hoan cho hay, thành phố đã yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện kịp thời, công khai, đúng đối tượng, không để việc trục lợi chính sách xảy ra.

Ông Hoan yêu cầu, chính quyền phường, xã, quận, huyện phải chủ động, thực hiện linh hoạt giải quyết từng vướng mắc cho người dân, người lao động.

“Trong quá trình thực hiện, vướng mắc ở khâu nào, ở sở nào, cơ quan nào thì nơi đó phải làm, nếu vượt quá thì phải báo cáo lên thành phố”, ông Hoan nói.

Xe ôm ở TP.HCM được nhận 50 nghìn đồng/ngày từ gói hỗ trợ 886 tỷ
Công nhân ở khu công nghiệp Linh Trung, TP Thủ Đức trong giờ tan làm. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Ông Hoan cũng yêu cầu, việc hỗ trợ cho người dân cần phải xử lý nhanh, kết thúc sớm trong tháng 8/2021. Nội dung chi hỗ trợ một lần. Nội dung khác phải thực hiện đúng theo yêu cầu TP đặt ra.

Đối với các thủ tục, phải giải quyết đơn giản. Tất cả mọi khâu, mọi giấy tờ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phải làm cho người lao động.

Đối với những người lao động tự do, chỉ cần lên mạng tải mẫu đề nghị hỗ trợ, điền nội dung vào trong mẫu, sau đó gửi kèm tài khoản, nơi cư trú và quyết định nghỉ việc (nếu có) đến chính quyền địa phương đang tạm trú (cư trú) để hội đồng xem xét. Việc phê duyệt hồ sơ phải nhanh chóng, giải quyết trong vòng 7 ngày.

"Việc chi trả phải thông qua tài khoản ngân hàng, người nào không có mới đi nhận trực tiếp", ông Hoan nói.

Ông Hoan cũng thông tin, thành phố sẽ hậu kiểm, đánh giá toàn bộ hồ sơ các địa phương có thực hiện đúng hay không.

Tú Anh

Giảm thủ tục rườm rà, người dân dễ tiếp cận gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ

Giảm thủ tục rườm rà, người dân dễ tiếp cận gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ lần này sẽ rút kinh nghiệm những bất cập ở gói hỗ trợ trước, do vậy sẽ thiết thực, có tính khả thi và đáp ứng được mong mỏi của người lao động và doanh nghiệp.