Một phần khổng lồ của Trái Đất đang co rút lại mỗi năm: 87.000 km vuông đánh đổi tính mạng con người?

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 18:18, 03/07/2021

Trái Đất đang phải gánh trên vai nó những hệ quả do con người gây ra!

Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học công bố trên tạp chí Earth's Future, Trái Đất đang mất dần lượng băng quyển khổng lồ trên phạm vi toàn cầu.

Cụ thể, trung bình mỗi năm trong giai đoạn từ năm 1979 đến năm 2016, băng quyển toàn cầu bị mất khoảng 87.000 km vuông - một vùng diện tích tương đương với Hồ Thượng, là hồ lớn nhất trong Ngũ Đại Hồ của Bắc Mỹ.

Băng quyển là những vùng có băng tuyết bao phủ quanh năm trên đất liền và trên biển.

HỆ QUẢ CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Thực trạng đáng báo động này là hệ quả của biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. Nghiên cứu này là công trình đầu tiên đưa ra ước tính toàn cầu về diện tích bề mặt Trái Đất được bao phủ bởi biển băng, lớp tuyết bao phủ và mặt đất đóng băng.

Mức độ bao phủ bởi nước đóng băng của đất cũng quan trọng như khối lượng của nó vì bề mặt trắng sáng phản chiếu ánh sáng Mặt Trời rất hiệu quả, làm mát hành tinh. Những thay đổi về kích thước hoặc vị trí của băng và tuyết có thể làm thay đổi nhiệt độ không khí, thay đổi mực nước biển và thậm chí ảnh hưởng đến các dòng hải lưu trên toàn thế giới.

Một phần khổng lồ của Trái Đất đang co rút lại mỗi năm: 87.000 km vuông đánh đổi tính mạng con người? - Ảnh 1.

Băng tan ở Bắc Băng Dương. Nguồn ảnh: NASA / Kathryn Hansen

Xiaoqing Peng, nhà địa lý vật lý tại Đại học Lanzhou (Trung Quốc), một trong những tác giả của công trình nghiên cứu cho biết: "Băng quyển là một trong những chỉ số khí hậu nhạy cảm nhất và là chỉ số đầu tiên chứng minh một thế giới đang thay đổi. Sự thay đổi về quy mô của nó đại diện cho một sự thay đổi lớn trên toàn cầu, mà không phải là một vấn đề khu vực hoặc địa phương".

Băng quyển chứa gần 3/4 lượng nước ngọt của Trái Đất, việc diện tích băng quyển ngày càng bị thu hẹp sẽ đe dọa trực tiếp đến đời sống con người, từ việc hứng chịu nắng nóng, bão lũ, mực nước dâng đến khủng khoảng nước sạch.

Thậm chí, trong bản báo cáo dày 4.000 trang của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc bị rò rỉ hồi cuối tháng 6/2021, có đoạn: Điều tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu vẫn chưa xảy ra cho đến năm 2050. Khi đó, 130 triệu người trên toàn thế giới đối mặt với nạn đói kinh niên; 350 triệu người bị hạn hán; 420 triệu người nữa phải chịu những đợt nắng nóng khắc nghiệt và có khả năng gây chết người. Đây chính là lời cảnh báo rõ ràng nhất về việc biến đổi khí hậu khiến con người khổ sở thế nào.

Nhiều nhà khoa học đã ghi nhận các tảng băng đang co lại, lớp tuyết phủ giảm dần và lượng băng ở biển Bắc Cực mất đi riêng lẻ do biến đổi khí hậu. Nhưng không có nghiên cứu nào trước đây xem xét toàn bộ phạm vi của băng quyển trên bề mặt Trái Đất và phản ứng của nó với nhiệt độ ấm lên cho đến khi công trình của các tác giả Đại học Lanzhou ra đời.

Để tổng hợp ước tính toàn cầu của họ về phạm vi của băng quyển, các tác giả đã chia bề mặt hành tinh thành một hệ thống lưới. Họ đã sử dụng các bộ dữ liệu hiện có về phạm vi băng biển toàn cầu, lớp phủ tuyết và đất đóng băng để phân loại từng ô lưới. Sau đó, họ ước tính mức độ của băng quyển hàng ngày, hàng tháng và hàng năm và kiểm tra xem nó đã thay đổi như thế nào trong suốt 37 năm nghiên cứu của họ.

Xiaoqing Peng và các đồng tác giả của ông từ Đại học Lanzhou đã tính toán mức độ hàng ngày của băng quyển và lấy trung bình các giá trị đó để đưa ra các ước tính hàng năm. Họ phát hiện ra rằng diện tích trung bình được bao phủ bởi băng quyển của Trái Đất đã thu hẹp tổng thể kể từ năm 1979, tương quan với nhiệt độ không khí tăng lên.

Một phần khổng lồ của Trái Đất đang co rút lại mỗi năm: 87.000 km vuông đánh đổi tính mạng con người? - Ảnh 3.

Biến đổi khí hậu đang khiến hành tinh của chúng ta ngày càng nóng lên. Ảnh: Getty Images

Các ước tính cho thấy không chỉ băng quyển toàn cầu bị thu hẹp mà nhiều khu vực bị đóng băng trong thời gian ngắn hơn. Ngày đầu tiên đóng băng trung bình hiện nay trên phạm vi toàn cầu xảy ra muộn hơn khoảng 3,6 ngày so với năm 1979 và băng tan sớm hơn khoảng 5,7 ngày.

Shawn Marshall, chuyên gia băng học tại Đại học Calgary (Canada), người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết:

"Phân tích này là một ý tưởng hay cho một chỉ số toàn cầu hoặc chỉ số về biến đổi khí hậu. Bước tiếp theo sẽ là sử dụng những dữ liệu này để kiểm tra thời điểm băng và tuyết phủ khiến Trái Đất có độ sáng cao nhất, để xem những thay đổi về suất phản chiếu/suất phản xạ tác động như thế nào đến khí hậu theo mùa hoặc hàng tháng và điều này đang thay đổi như thế nào theo thời gian".

Các tác giả nói rằng bộ dữ liệu toàn cầu hiện có thể được sử dụng để thăm dò thêm tác động của biến đổi khí hậu đối với băng quyển và những thay đổi này tác động như thế nào đến hệ sinh thái, trao đổi carbon và thời gian của vòng đời động thực vật.

Trong bối cảnh liên quan đến biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu, hiện các nhà khoa học đã và đang đưa ra rất nhiều tài liệu dẫn chứng và cảnh báo cho con người về hệ quả của chúng.

Earth's Future là tạp chí của AGU dành cho nghiên cứu liên ngành về quá khứ, hiện tại và tương lai của hành tinh chúng ta và cư dân của nó.

Tham khảo: Scitechdaily

Trang Ly