'Mọt phim' Việt thời 4.0: Hãy là người xem có văn hóa!

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 13:45, 27/06/2021

Với tốc độ phát triển chóng mặt của Internet, đặc biệt là mạng xã hội, văn hóa xem phim của cư dân mạng tại Việt Nam đang diễn ra thế nào? Hãy cùng khám phá qua góc nhìn dưới đây.

Cuộc chiến phim lậu vẫn không có hồi kết

Xem phim trên Internet đã trở thành thói quen thường ngày của nhiều khán giả trong thời đại nay, thậm chí có người còn giảm hẳn việc xem phim trên vô tuyến, còn băng đĩa gần như chính thức bị thất sủng. Thành ra, đây là cơ hội “kiếm ăn” trong 2 thập kỷ qua của rất nhiều trang phim lậu khắp cả nước.

Các nhà chức trách hay đơn vị mua bản quyền phim cũng đã vào cuộc, ngăn chặn và đánh sập rất nhiều trang phim lậu. Tuy nhiên, họ đều phải “bó tay” vì còn nhiều trang đặt sever tại nước ngoài, hay thậm chí đổi hẳn địa chỉ truy cập, chỉ cần thêm vào vài chữ cái là quá đủ để tồn tại.

Thật ra, giá tiền để xem phim trên mạng của một trang phim có bản quyền không hề đắt. Netflix nổi tiếng khắp thế giới cũng chỉ tốn hơn 200 ngàn/tháng là có thể thưởng thức điện ảnh khắp 5 châu. Thậm chí, ứng dụng Iqiyi – chuyên cập nhật phim bộ Hoa Ngữ và Hàn Quốc mới nhất còn có giá tiền khoảng 50 ngàn/1 tháng, kèm theo ưu đãi phim HD rồi không chèn quảng cáo. Nhưng tất cả vẫn không thể chiều nổi khán giả Việt.

Theo lời giải thích của một dân mạng: các trang phim lậu bây giờ chất lượng cũng đạt tới HD và còn cập nhật đa dạng phim hơn, khiến người xem dễ dàng lựa chọn. Còn với trang phim mua bản quyền, việc thương lượng để mua phim mới thường mất kha khá thời gian, trong khi trang phim lậu đã cập nhật từ lâu. Đơn cử phim Alive của Hàn Quốc, bản lậu đã có từ hồi đầu tháng 8/2020 nhưng phải đợi đến tận cuối tháng 9/2020, Alive mới được Netflix cập nhật.

'Mọt phim' Việt thời 4.0: Hãy là người xem có văn hóa!
Alive là một trong những phim được chiếu lậu sớm nhất

Các diễn đàn phim ảnh tự phát, mặt lợi và hại

Mỗi khán giả đều có thể trở thành một nhà phê bình phim, nhất là khi họ đang sở hữu cho mình một trang cá nhân trên mạng xã hội, tương tác với hàng trăm, hàng ngàn người. Họ có thể đi lân la khắp các diễn đàn phim, bàn luận về điện ảnh, bàn luận về bộ phim mình vừa xem một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Thế hệ làm điện ảnh ngày xưa nhiều khi hay phiền lòng, cho rằng văn hóa xem phim ở khán giả Việt bị “thấp”, xem phim xong là dễ quên ngay, khó đọng lại chút gì đó. Ít ra ngày nay điều đó đã khác đi rất nhiều. Một bộ phim có hàm lượng nội dung cao sẽ khiến nhiều bạn trẻ nổi hứng tò mò và phân tích chúng một cách rành rọt theo ý hiểu.

The Platform của Tây Ban Nha – tac phẩm kinh đị có đề tài đẫm máu, gây sốt đầu năm 2020 được chiếu trên Netflix. Nếu tìm từ khóa “Giải thích The Platform” trên mạng video Youtube, chúng ta sẽ thấy hàng loạt các trang đưa ra giải thích. Ở đó, người xem được nghe những quan điểm khác nhau về cách giải thích phim, họ cảm thấy vô cùng thú vị và công nhận rằng mình đang khám phá điều gì đó hay ho.

'Mọt phim' Việt thời 4.0: Hãy là người xem có văn hóa!
The Platform của Tây Ban Nha – tac phẩm kinh đị có đề tài đẫm máu

Các trang kể trên cũng sở hữu fanpage trên facebook, thu hút hàng triệu lượt tương tác mỗi tháng, thường xuyên cập nhật tin tức phim ảnh, không hề thua báo mạng. Thêm một điều bất ngờ nữa là có những trang hoạt động phi lợi nhuận, người quản lý (hay còn gọi là admin) nhiều khi không được trả tiền để làm việc này, họ thỏa mãn với đam mê vừa tìm tòi về điện ảnh, vừa chia sẻ với những ai đó cùng sở thích.

Điều này cũng có mặt “hại” của nó. Những diễn đàn về phim kể trên thường chỉ đi sâu vào giải thích nội dung, đôi khi còn yếu về nghề nghiệp, sẽ làm người theo dõi vô tình hiểu sai, hoặc cảm thấy “lười” không muốn tìm hiểu thêm về điện ảnh, hoặc chỉ thấy điện ảnh là khái niệm đơn giản. Chưa kể, các trang đó lấy nguồn tư liệu ở đâu, liệu đó là “chất xám” hay mượn tư liệu từ ai khác? Gần đây, có nhiều dân mạng đã phát hiện một fanpage về phim được hàng trăm ngàn lượt theo dõi cố tình mượn ý tưởng phân tích một số bộ phim từ diễn đàn Reddit của nước ngoài mà không ghi nguồn.

Với một cộng đồng yêu phim khổng lồ trên mạng, nhiều khả năng sẽ lọt vào tầm ngắm của các nhà phát hành, nhà sản xuất. Họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua đánh giá từ các trang đó. Về bản chất là không hề xấu nhưng sẽ dẫn tới sự mất tin tưởng và quay lưng của khán giả với phim Việt.

Cũng nhờ mạng xã hội mà các nhà làm phim, người trong nghề thăm dò được ý kiến của khán giả một cách miễn phí. Chỉ cần một bài đăng từ một cá nhân nổi tiếng là hoàn toàn có thể tiếp nhận được ý kiến của cả ngàn người. Đây là một ưu điểm mà chúng ta nên tận dụng tối đa trong tương lai.

Tâm lý đám đông vẫn rất đáng sợ

Nhờ Internet rồi mạng xã hội mà khán giả có dịp cởi mở và tiếp xúc nhiều hơn với nhiều khía cạnh mới của điện ảnh. Kể cả vậy, họ vẫn phải đối mặt với một thực trạng “đáng sợ”, đó là tâm lý bầy đàn. Nếu bạn không đủ dũng cảm, bạn sẽ không thể nói lên ý kiến cá nhân mà nếu có nói ra, bạn rất dễ bị “đánh hội đồng” không thương tiếc.

Đơn cử như trường hợp của Tenet – đây được coi là bom tấn “khó hiểu” nhất của Christopher Nolan từ trước tới nay, bạn không hề có tội nếu cảm thấy phim khó hiểu nhưng đứng giữa một nhóm sùng bái “thánh” Nolan, bạn rất dễ bị chê là người không biết thưởng thức điện ảnh, không chịu tìm tòi “cái đẹp” trong các bộ phim hại não ông ấy làm ra.

'Mọt phim' Việt thời 4.0: Hãy là người xem có văn hóa!
Phim Tenet

Tương tự tại Việt Nam, trường hợp của phim Ròmbộ phim của đạo diễn Trần Thanh Huy đoạt giải tại LHP phim Quốc tế Busan, nhưng không đồng nghĩa đây là tác phẩm hoàn hảo. Giữa một làn sóng tôn vinh Ròm đợt tác phẩm này mới ra rạp, cùng cái mác “phản ánh một Sài Gòn chân thực và sống động”, bạn rất dễ trở thành “vật tế” của dân mạng nếu “nhỡ mồm” chê Ròm.

Bên cạnh đó, vẫn còn những khán giả trang bị đủ kiến thức, chưa cần nói tới điện ảnh mà chỉ riêng cuộc sống xung quanh thôi cũng đã đủ nhận biết những phim như Ròm mắc điểm yếu là cách xây dựng tình tiết cùng nhân vật thiếu thông tin trầm trọng, cao trào bị rời rạc và nhất là chưa thể thoát ra tầm vóc của một bộ phim ngắn.

'Mọt phim' Việt thời 4.0: Hãy là người xem có văn hóa!
Phim Ròm

Thật ra mỗi người có một cách xem phim khác nhau, chúng ta không thể ép buộc người khác xem phim theo một khuôn khổ nào đó, nhưng việc trang bị cho mình một lượng kiến thức nhất định về các lĩnh vực đời sống, nếu là điện ảnh càng tốt thì dĩ nhiên, bạn có thể phát biểu ý kiến của mình một cách đúng đắn mà không sợ bản thân bị biến thành nạn nhân của tâm lý bầy đàn.

Văn hóa ứng xử vẫn là quan trọng nhất!

Trong rất nhiều bài viết, tôi đã từng đề cập tới việc “dạy” xem phim cho khán giả. Chúng ta nên suy nghĩ rộng hơn, không riêng việc dạy cho khán giả biết bộ phim có ý nghĩa ra sao, mà còn nên dạy “ý thức” xem phim với những người xung quanh.

Tôn trọng ý kiến cá nhân, phản bác một có văn hóa là điều mà cư dân mạng hiện nay rất ít khi có được khi bàn luận về một bộ phim nào đó. Có người làm phim chưa hoàn hảo, chúng ta có quyền chê họ những hãy “chê” để thể hiện chúng ta có văn hóa và thực sự quan tâm tới sự phát triển của điện ảnh.

Về vấn đề phim lậu và phim bản quyền, người viết sẽ để cho các bạn tự quyết định nên hay không nên. Nhưng cứ thử hình dung nếu bạn là một nhà sáng tạo, tác phẩm của bạn bị rao bán bừa bãi mà bạn không được chia một đồng nào, không hiểu lúc đó bạn sẽ cảm thấy sao…?

'Mọt phim' Việt thời 4.0: Hãy là người xem có văn hóa!
Nhiều lơp học điện ảnh mở ra phần nào cải thiện văn hóa xem phim

Vũ Anh