Biển Đông - Phép thử đối với nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ quốc tế

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:05, 28/06/2021

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 (tháng 11/2020) khép lại đã hơn 6 tháng nhưng những phát triển mới liên quan Biển Đông thời gian qua về cơ bản tương đồng với những chiều hướng đã được thảo luận.
Tình hình Biển Đông  sau Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông tháng 11/2020Toàn cảnh Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12

Kể từ năm 2009, chuỗi Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông đã và đang trở thành một diễn đàn quan trọng với nhiều đóng góp thực chất vào sự phát triển của khu vực và quốc tế.

Bất chấp dịch bệnh Covid-19, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì hòa bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” do Học viện Ngoại giao, Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức đã thu hút sự tham dự trực tiếp của hơn 300 đại biểu cùng hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến, trong đó có gần 60 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia tại các châu lục khác nhau.

Việc so sánh tình hình Biển Đông thời gian qua với những nội dung trao đổi tại Hội thảo lần thứ 12 không chỉ cho thấy sự quan tâm sâu sắc của nhiều bên đến tình hình Biển Đông mà còn cho thấy Hội thảo đang tiếp tục trở thành một trong những diễn đàn hợp tác quan trọng nhất về vấn đề này tại khu vực với nhiều nhận định có độ tin cậy và mang tính dự báo cao trong một lĩnh vực phức tạp và có nhiều biến động.

Covid-19 - Tác nhân không nhỏ

Từ 8 phiên làm việc lớn và 1 phiên đặc biệt với các chủ đề khác nhau kéo dài trong suốt 2 ngày làm việc, các diễn giả và đại biểu tham dự Hội thảo đã tiến hành thảo luận nhiều nội dung khác nhau liên quan tình hình Biển Đông và khả năng duy trì hòa bình và hợp tác trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang có nhiều biến động.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao (hiện là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), đánh giá đại dịch Covid-19 đã gây nhiều xáo trộn trong quan hệ quốc tế, bộc lộ nhiều mâu thuẫn trong các xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin giữa các quốc gia, tác động đến môi trường hòa bình, ổn định chung giữa các nước. Trong bối cảnh đó, Biển Đông là phép thử đối với nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ quốc tế.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã dành nhiều thời gian để trao đổi về việc Covid-19 là một tác nhân khiến cho quan hệ giữa các nước lớn tiếp tục phức tạp và ảnh hưởng đến quan hệ giữa các nước liên quan vấn đề Biển Đông. Trong đó, nhiều ý kiến quan ngại rằng bất chấp đang có đại dịch, Trung Quốc vẫn tiếp tục có nhiều hoạt động tại các vùng biển tranh chấp và khiến các bên cảm nhận rõ về việc Trung Quốc đang tăng cường răn đe quân sự.

Mỹ sau một thời gian “chững lại” do tác động của Covid-19 cũng đã nối lại các hiện diện quân sự và hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông song nhấn mạnh thông điệp về pháp lý.

Hội thảo cũng cho rằng Biển Đông đang thu hút ngày càng nhiều hơn sự quan tâm của các nước khác song ASEAN vẫn đóng vai trò tích cực trong quản lý vấn đề Biển Đông, đồng thời cho rằng Biển Đông tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội hợp tác mới liên quan các vấn đề pháp lý, tránh va chạm trên biển, hợp tác nghề cá, nghiên cứu khoa học biển, phát triển bền vững…

Hàm ý mới trong chính sách

Hơn 6 tháng sau khi Hội thảo kết thúc, trong bối cảnh đại dịch tiếp tục kéo dài và tình hình liên quan Biển Đông tiếp tục sôi động, những nội dung lớn đã được thảo luận tại Hội thảo lần thứ 12 cho thấy những phát triển mới liên quan Biển Đông thời gian qua về cơ bản tương đồng với những chiều hướng đã được thảo luận. Cạnh tranh nước lớn và mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga tiếp tục phát triển và có thể sẽ còn có các hàm ý mới đối với tình hình Biển Đông.

Dư luận quốc tế và khu vực tiếp tục bày tỏ sự quan ngại với việc Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc dùng “mọi biện pháp cần thiết” đối với tàu cá nước ngoài tại vùng biển Trung Quốc cũng như việc quốc gia này neo đậu một lượng lớn tàu cá tại khu vực đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa đồng thời tiến hành rất nhiều cuộc tập trận và hiện diện quân sự tại Biển Đông với mức độ và tần suất hơn hẳn cùng kỳ 2020.

Trong khi đó, Mỹ dự kiến phân bổ khoản tiền hơn 5 tỷ USD cho năm tài chính 2022 trong khuôn khổ “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương” với hàm ý tăng khả năng ứng phó với các thách thức cũ và mới tại khu vực, bao gồm tại Biển Đông; tiếp tục duy trì hiện diện quân sự và tuần tra tự do hàng hải (thậm chí sớm hơn so với thời chính quyền Trump) cũng như đề cao các lập trường về luật pháp liên quan Biển Đông, cho thấy sự nối tiếp mạnh mẽ của chính quyền Biden trong vấn đề này.

Mỹ tăng cường sử dụng biện pháp ngoại giao, tích cực làm sâu sắc quan hệ với các nước đồng minh và đối tác ở khu vực, khẳng định lại cam kết với Nhật Bản và Philippines ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Mỹ cũng tiếp tục thúc đẩy hợp tác với châu Âu, NATO và cải thiện quan hệ với Nga, một động thái cho thấy Mỹ có thể có điều kiện hơn trong việc tăng cường quan tâm tới các vùng biển tranh chấp tại khu vực và trên thế giới.

Hợp tác giữa nhiều quốc gia khác cũng được củng cố và tiếp nối đà hợp tác liên quan Biển Đông. Đáng chú ý trong 6 tháng qua đã nổi lên những hoạt động mà tại Hội thảo lần thứ 12 các đại biểu dù quan tâm cao song vẫn còn chưa thể khẳng định.

Một là, hợp tác giữa 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia (nhóm Bộ tứ - Quad) đã có bước phát triển rất mới với việc họp Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 3/2021 và ra Tuyên bố chung đề cập tinh thần hợp tác, bao gồm cả vấn đề an ninh hàng hải để giải quyết những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Hội nghị cũng cho biết 4 nước sẽ thành lập các nhóm công tác về vaccine, công nghệ và khí hậu và tiếp tục họp Hội nghị thượng đỉnh vào cuối năm nay.

Hai là, các tuyên bố chung Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn nhân các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước này đến Mỹ vào tháng 4 và 5 đều đề cập Biển Đông và tầm quan trọng của luật pháp quốc tế.

Ba là, nhiều nước châu Âu bày tỏ quan tâm đến khu vực và tăng hiện diện quân sự tại đây. Ngày 4/3, giới chức Đức cho hay tàu chiến nước này dự kiến tới khu vực vào tháng 8; ngày 22/5, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh bắt đầu hành trình 7 tháng tới khu vực; ngày 8/2, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cho hay tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude cùng tàu hỗ trợ BSAM Seine đã thực hiện tuần tra ở Biển Đông trong tháng 2; tháng 4, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố về sự kiện Đá Ba Đầu, phản đối các hành vi đơn phương gây bất ổn khu vực và trật tự dựa trên luật lệ.

ASEAN duy trì vai trò trung tâm

Do đại dịch Covid-19 được dự báo còn diễn biến phức tạp với những đợt lây nhiễm mới, ASEAN và các nước Đông Nam Á tiếp tục phải ứng phó song duy trì tương đối tốt vai trò trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng và thúc đẩy hợp tác quốc tế, bao gồm trong vấn đề Biển Đông.

ASEAN và Trung Quốc tổ chức một loạt cuộc họp nhằm thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sau hơn một năm gián đoạn. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc ngày 7/6 cũng khẳng định hai bên xúc tiến đàm phán COC bằng hình thức trực tuyến, song đàm phán trực tiếp vẫn là phương thức chính.

Biển Đông - Phép thử đối với nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ quốc tếNgày 16/6, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Biển Đông một lần nữa làm nóng chương trình nghị sự với nhiều ý kiến ủng hộ thúc đẩy giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.

Vừa qua, vào ngày 15/6, Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ 15 cũng nhấn mạnh cần sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra ngay sau đó, Biển Đông một lần nữa làm nóng chương trình nghị sự với nhiều ý kiến ủng hộ thúc đẩy giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982. Cùng với sự ủng hộ của nhiều quốc gia Đông Nam Á, những diễn biến trên cho thấy quan tâm sâu sắc và ngày càng gia tăng của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực vẫn mong muốn giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế để hướng tới các hợp tác nhiều mặt.

Tìm kiếm đồng thuận, thúc đẩy hợp tác

Phù hợp với những đề xuất hợp tác đã được gợi mở tại Hội thảo lần thứ 12, trong 6 tháng qua, nhiều bên tiếp tục tích cực thúc đẩy hợp tác phát triển liên quan Biển Đông.

Một là vấn đề Biển Đông được tiếp tục quan tâm thảo luận ở nhiều diễn đàn và cấp độ khác nhau và rất đa dạng (từ Tuyên bố chung Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật cho đến các cuộc thảo luận với châu Âu, NATO…; nhiều nước tăng mạnh số hội thảo trực tuyến về an ninh biển và liên quan đến Biển Đông).

Hai là các nước tiếp tục thúc đẩy các hợp tác phát triển liên quan biển và đại dương (trong đó có Biển Đông): Ngày 7/1, Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức đàm phán trực tuyến vòng XIV Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và Vòng XI Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển Việt Nam-Trung Quốc; vào tháng 4, công ty Petronas của Malaysia đã ký một thỏa thuận với Brunei để cùng khai thác 2 mỏ dầu ngoài khơi; gần đây, Nga và Australia cũng nêu quan điểm ủng hộ việc nhiều quốc gia khác đang thúc đẩy một thỏa thuận đa phương về ứng phó rác thải nhựa địa phương…

Ba là việc thúc đẩy hợp tác tăng cường năng lực biển tiếp tục được quan tâm: Vào tháng 4, EU lần đầu đưa ra dự thảo chiến lược về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và dù không trực tiếp nhắc đến Biển Đông song đề ra 3 chương trình hợp tác nhằm đến tăng cường nhận thức và năng lực về biển cho các nước tại khu vực; tháng 6, Mỹ chuyển giao tàu cảnh sát biển thứ hai cho Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA)…

Trong bối cảnh các kênh đối ngoại chính thức gặp nhiều khó khăn do tình hình đại dịch phức tạp, những kết quả tích cực của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 một lần nữa cho thấy đây vừa là một kênh hợp tác học giả hiệu quả vừa đóng vai trò bổ sung quan trọng cho các kênh chính trị - ngoại giao chính thức.

Với bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và thế giới còn phải đối mặt với nhiều khó khăn truyền thống và phi truyền thống, có thể và cần tiếp tục tranh thủ kênh Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông để thảo luận sâu tình hình Biển Đông và các vấn đề an ninh - phát triển liên quan, tìm kiếm và tạo đồng thuận trong việc thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa nhiều nước trong và ngoài khu vực để hướng tới các giải pháp mới cho hòa bình, ổn định và phát triển tại Biển Đông trong bối cảnh mới.

Cũng như vấn đề Biển Đông, bản thân thành công của Hội thảo cũng có thể được xem là một “phép thử” đối với hợp tác khu vực và hợp tác quốc tế.

Cùng với thời gian, vai trò của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông đang vượt ra khỏi một hội thảo quốc tế thông thường và có thể hướng dần tới con đường trở thành một trong những diễn đàn hàng đầu về an ninh biển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

(TGVN)