COVID-19 xuất hiện khi nào? Tiết lộ sốc của các nhà khoa học Anh

Tin Y tế - Ngày đăng : 14:30, 25/06/2021

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh vừa được công bố, trong đó trả lời câu hỏi COVID-19 xuất hiện khi nào.

Virus SARS-CoV-2 có thể đã bắt bắt đầu lây lan ở Trung Quốc từ đầu tháng 10 năm 2019, hai tháng trước khi Trung Quốc công bố ca bệnh COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán, theo một nghiên cứu mới.

Theo nghiên cứu mới công bố của các nhà nghiên cứu từ Đại học Kent của Anh, SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11 năm 2019.

Trong bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học PLOS Pathogens, các nhà nghiên cứu ước tính ngày 17 tháng 11 năm 2019 nhiều khả năng nhất là ngày virus xuất hiện. Virus có thể đã lây lan trên toàn cầu vào tháng 1 năm 2020, nghiên cứu cho biết.

Trung Quốc báo cáo ca bệnh COVID-19 chính thức đầu tiên vào tháng 12 năm 2019 và có liên quan đến chợ hải sản Huanan ở Vũ Hán. Tuy nhiên, một số ca mắc COVID-19 ban đầu không có mối liên hệ nào với chợ hải sản Huanan, có nghĩa là SARS-CoV-2 đã lưu hành trước khi xuất hiện tại khu chợ này.

[Đọc thêm: Chuyên gia Trung Quốc nêu lý do cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 nên tập trung vào Mỹ]

Một nghiên cứu chung do Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào cuối tháng 3 thừa nhận có thể đã có những ca mắc COVID-19 rải rác trước khi dịch bùng phát ở Vũ Hán.

Trong một nghiên cứu được công bố tuần này, Jesse Bloom của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ) đã khôi phục dữ liệu trình tự gen bị xóa từ các ca mắc COVID-19 ban đầu ở Trung Quốc.

COVID-19 xuất hiện khi nào? Tiết lộ sốc của các nhà khoa học Anh-1

Ảnh chụp bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán, Trung Quốc.

Dữ liệu cho thấy các mẫu lấy từ chợ Huanan "không phải là đại diện" của SARS-CoV-2 nói chung mà là một biến thể đã lưu hành trước đó. Biến thể này cũng đã lây lan sang các vùng khác của Trung Quốc, theo dữ liệu.

Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ xác nhận với Reuters rằng các mẫu được sử dụng trong nghiên cứu của Jesse Bloom đã được gửi lên hệ thống cơ sở dữ liệu Sequence Read Archive vào tháng 3 năm 2020 và sau đó bị xóa theo yêu cầu của các nhà điều tra Trung Quốc.

Các nhà phê bình cho rằng việc xóa dữ liệu là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang cố gắng che đậy nguồn gốc COVID-19.

"Tại sao các nhà khoa học lại yêu cầu cơ sở dữ liệu quốc tế xóa dữ liệu quan trọng về cách COVID-19 bắt đầu ở Vũ Hán?", Alina Chan, một nhà nghiên cứu tại Viện Broad thuộc Đại học Harvard (Mỹ), viết trên Twitter.

SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm?

Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Úc, được công bố ngày 24/6 trên tạp chí Scientific Reports, sử dụng dữ liệu bộ gen để phát hiện SARS-CoV-2 liên kết với các thụ thể của con người dễ dàng hơn nhiều so với các loài virus khác, cho thấy nó đã thích nghi với con người khi mới xuất hiện.

Nghiên cứu nói rằng có thể có một loài động vật không xác định đóng vai trò là loài trung gian, nhưng không thể loại trừ giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

COVID-19 xuất hiện khi nào? Tiết lộ sốc của các nhà khoa học Anh-2

Các nhà khoa học làm việc trong Viện Virus học Vũ Hán, Trung Quốc.

Hồi cuối tháng 5, hai chuyên gia Anh và Na Uy thậm chí tuyên bố rằng họ có bằng chứng SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Ông Dominic Dwyer, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Westmead của Úc, người thuộc nhóm điều tra nguồn gốc COVID-19 của WHO, cho biết: "Rõ ràng là virus ngay từ đầu có xu hướng liên kết với các thụ thể của con người, nhưng điều đó không có nghĩa chúng là 'nhân tạo'".

Ông nói: "Những kết luận như vậy vẫn chỉ là suy đoán".

Hôm 6/6, hai chuyên gia Mỹ cũng tuyên bố SARS-CoV-2 là ‘quái vật do con người tạo ra’. Viết trong một bài báo trên The Wall Street Journal, Tiến sĩ Steven Quay và Richard Muller đã chỉ ra hai bằng chứng quan trọng cho thấy SARS-CoV-2 được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Stuart Turville, phó giáo sư tại Viện Kirby, một tổ chức nghiên cứu y tế của Úc, nói: Các mẫu huyết thanh vẫn cần được kiểm tra để xác định rõ hơn nguồn gốc của COVID-19.

Ông nói về nghiên cứu của Đại học Kent: "Thật không may, với áp lực hiện tại của giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm và sự nhạy cảm trong việc thực hiện các nghiên cứu kiểu này ở Trung Quốc, có lẽ phải một thời gian nữa chúng ta mới thấy được những báo cáo như vậy".

Tin tức về nghiên cứu của Đại học Kent xuất hiện trong bối cảnh chủ đề về nguồn gốc COVID-19 gần đây 'nóng' trở lại trên các trang báo quốc tế. Thế giới đang có 2 giả thuyết chính về nguồn gốc COVID-19. Giả thuyết được bàn tán xôn xao nhất là SARS-CoV-2 rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc. Nhưng một giả thuyết khác quan trọng không kém đó là virus này xuất hiện từ động vật và được truyền sang người trong một quá trình tự nhiên.

(Nguồn: Reuters)