Nhiều người hôn mê do nắng nóng, bác sĩ chỉ cách thoát khỏi sốc nhiệt ai cũng nên áp dụng

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 14:30, 22/06/2021

Việt BáoĐang gặt lúa dưới trời nắng nóng, cụ bà 87 tuổi (Bắc Giang) bị sốc nhiệt, bỏng hai chân, khi vào đến bệnh viện đã hôn mê.

Trong 20 ngày 3 người nhập viện vì sốc nhiệt

Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, từ đầu mùa hè đến nay, bệnh viện liên tục tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh do say nắng, sốc nhiệt mức độ từ nhẹ đến nặng. Điển hình chỉ trong 20 ngày qua, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện đã điều trị cho 3 bệnh nhân.

Người thứ nhất là nữ bệnh nhân 57 tuổi, địa chỉ phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang. Người này có bệnh lý tâm thần, thường đi lang thang ngoài đường. Mới đây, chị được người nhà phát hiện, đưa đến Bệnh viện đa khoa Bắc Giang cấp cứu trong tình trạng suy kiệt, hôn mê, sốt cao liên tục.

Nhiều người hôn mê do nắng nóng, bác sĩ chỉ cách thoát khỏi sốc nhiệt ai cũng nên áp dụng-1
Trong 20 ngày, Bệnh viện tỉnh Bắc Giang tiếp nhận 3 bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiệt do đi dưới trời nắng nóng trong thời gian dài. Sau một tuần điều trị, bệnh nhân đã thoát sốc nhiệt và đang tiếp tục điều trị các bệnh lý nền kèm theo.

Người thứ hai là cụ bà 87 tuổi, địa chỉ tại Thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa. Bà nhập viện ngày 3/6 với chẩn đoán sốc nhiệt.

Người nhà cho biết, trước đó, bà gặt lúa dưới trời nắng trong thời gian dài. Lúc mới nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, kích thích, bỏng nhiệt cẳng chân trái độ 2,3 và rối loạn thân nhiệt 40 độ, 41 độ C. Sau khi được điều trị, bệnh nhân đã hồi phục và ra viện.

Trường hợp nặng nhất là nam bệnh nhân 40 tuổi, địa chỉ tại xã Bình Sơn, huyện Lục Nam, làm nghề đi rừng. Trước đó, người bệnh đi rừng đốn củi qua đêm và về nhà với tình trạng lơ mơ, nói nhảm, ngã xuống nền đất 2 lần, sốt cao liên tục và bất tỉnh.

Người bệnh nhập viện ngày 19/6 trong tình trạng hôn mê kích thích, xoắn vặn toàn thân, da tái lạnh, không tiếp xúc được, sốt trên 40 độ C và được chẩn đoán sốc nhiệt do làm việc dưới nhiệt độ cao trong thời gian dài. Khi nhập viện, bệnh nhân Sau khi được bác sĩ thăm khám, chụp CT não và làm các xét nghiệm đánh giá.

Bệnh nhân được chỉ định phải lọc máu liên tục kết hợp bù dịch qua Catheter, hạ sốt, lợi tiểu. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, bệnh nhân tiên lượng nặng, cần tiếp tục điều trị và theo dõi.

Những việc cần làm để tránh sốc nhiệt

Những ngày này, các tỉnh miền Bắc nước ta đang phải trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm, có lúc, nhiệt độ lên tới 40, 41 độ C. Theo các bác sĩ, nếu không có những biện pháp phòng tránh kịp thời chúng ta rất dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe như say nắng, sốc nhiệt.

Nhiều người hôn mê do nắng nóng, bác sĩ chỉ cách thoát khỏi sốc nhiệt ai cũng nên áp dụng-2
BS.CKII Vi Thị Thanh Hương đang khám cho bệnh nhân sốc nhiệt nặng tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Sốc nhiệt tưởng chừng chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể khi tiếp xúc lâu dưới trời nắng nóng nhưng thực tế thì không đơn giản như vậy.

Theo BS.CKII Vi Thị Thanh Hương, Phó khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang, cơ thể con người có cơ chế điều hòa thân nhiệt để giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức cân bằng là 37 độ C. Nếu cơ thể ở trong thời tiết nắng nóng kéo dài, trên 41 độ C, sẽ làm ảnh hưởng đến các chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận. Đặc biệt, khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng, dẫn đến hôn mê, co giật.

Bác sĩ Hương cho biết, những người có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là những người lao động ngoài trời nắng nóng với cường độ liên tục. Nếu sốc nhiệt xảy ra trên đối tượng có bệnh lý mãn tính, người già, trẻ nhỏ.. rất dễ diễn biến nặng, khả năng phục hồi sẽ khó khăn hơn.

Bác sĩ Hương cho rằng, để phòng tránh sốc nhiệt trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, chúng ta cần hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm. Nếu bắt buộc phải làm việc dưới trời nắng nóng chúng ta cần làm các điều sau:

+ Cần chia nhỏ thời gian làm và nghỉ ngơi xen kẽ.

+ Khi đi ra đường thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang, thoa kem chống nóng.

+ Cần uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả.

+ Bổ sung đồ uống giàu chất điện giải.

+ Bôi kem chống nắng và tăng cường rèn luyện sức khỏe.

+ Khi phát hiện bị sốc nhiệt cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.

Ngọc Hân