Bị mắng vì không lo học hành, nhiều học sinh quẫn trí tìm đến cái chết

Xã hội - Ngày đăng : 10:56, 21/06/2021

Việt BáoNhiều trường hợp, cha mẹ la mắng con vì thương yêu nhưng lại vô tình đẩy con trẻ vào bi kịch.

Liên tục tiếp nhận trẻ tự tử vì uống thuốc trừ sâu

Ngày 17/6, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận bệnh nhi L.H. (15 tuổi, quê Kiên Giang) được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến trong tình trạng tím môi, tím tay chân toàn thân và mệt.

Gia đình bệnh nhi cho biết, hiện H. đang học lớp 9, chuẩn bị thi lên lớp 10. Thấy con trai không chịu học mà ham chơi game vi tính nên cha em la mắng. Giận cha, H. uống 1 nắp thuốc trừ cỏ  hiệu Cantanil, hoạt chất là propanil và butachlor để tự tử..

Sau uống 2h em nôn, ói, tím môi, tay chân, than nhức đầu, mệt, môi, tay chân tím. May mắn, người nhà phát hiện đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu. Do tình trạng nặng rồi chuyển em đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Bị mắng vì không lo học hành, nhiều học sinh quẫn trí tìm đến cái chết-1
May mắn, bé G. được người nhà phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, em H. được chuyển đến bệnh viện trong trình trạng lừ đừ, thở mệt, môi tím, đầu chi tím, nhịp tim nhanh. Độ bão hòa oxy máu giảm còn 74% (bình thường 94-98%).

Kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy, máu bệnh nhi chuyển sang màu đen chocolate sang màu đỏ. Bệnh nhi được các bác sĩ chẩn đoán methemoglobine máu do hóa chất.

Ngay lập tức, bệnh nhi được cho thở oxy, uống than hoạt tính để hấp thu các độc chất còn lại trong đường tiêu hóa và dùng thuốc giải độc xanh methylen tiêm mạch liều 1mg/kg. Tuy nhiên, do tình trạng nặng, bệnh nhi phải truyền đến 4 lần xanh methylene mới cải thiện dần, hết tím tái, không cần thở oxy và được khám tư vấn với chuyên gia tâm lý.

“Đây là trường hợp methemoglobine máu hiếm gặp ở trẻ lớn do propanil gây ra. Thuốc diệt cỏ này còn gây ra thiếu oxy mô, ức chế thần kinh trung ương, ức chế hô hấp dẫn đến tử vong nếu uống nhiều và không được điều trị thích hợp”, bác sĩ Tiến nói.

BS.CK1 Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực cho biết, thời gian qua khoa Hồi Sức Tích Cực - Chống Độc của bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhi trong độ tuổi thiếu niên tự tử bằng hóa chất. Nguyên nhân khi các bác sĩ khai thác được là nỗi cô đơn, những trăn trở và nỗi niềm tuổi mới lớn. Khi không được chia sẻ, các em bị dồn nén, bức bách và muốn tìm đến kết thúc buồn.

Mới đây nhất là trường hợp của bé Th.G. (13 tuổi, quê Cái Bè, Tiền Giang) vừa được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố để điều trị ngộ độc thuốc trừ sâu rầy vì bị cha la mắng do hay đi chơi với bạn, sử dụng mạng xã hội nhiều và không lo học hành.

Khi thấy con gái than mệt, miệng tiết nhiều đàm dãi, khó thở người nhà đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu và được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Tại đây, G. được rửa dạ dày và cho uống than hoạt, tiêm atropine, truyền pralidoxime giải độc, truyền dịch dinh dưỡng.

Một tuần sau, độc chất dần tan biến, chức năng chống trả chất độc trong cơ thể dần phục hồi và cai thở máy. Tuy nhiên, ánh mắt của G vẫn thẫn thờ, chứa nhiều nỗi buồn khó chia sẻ. “Sau khi hồi phục sức khỏe, bệnh nhi sẽ được làm việc với bác sĩ tâm lý của bệnh viện”, bác sĩ Vũ thông tin.

Mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ mỗi 40 giây trên thế giới có một người tìm cái chết (800.000 ca tự tử/năm). Mặc dù xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng theo thống kê, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 – 29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông.

Bị mắng vì không lo học hành, nhiều học sinh quẫn trí tìm đến cái chết-2
Trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới.

Cũng theo tổ chức Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới.

Đặc biệt, hiện nay tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.

Hiện nay các nghiên cứu đã cho thấy nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên là lo âu, trầm cảm. Lo âu, trầm cảm là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên (giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn). Đây là độ tuổi rất nhạy cảm trước những tác động của môi trường, xã hội do những thay đổi về tâm sinh lý ở lứa tuổi này.

Theo chuyên gia, ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra trầm cảm ở trẻ vị thành niên là do áp lực học tập, thi cử.

Lịch học quá dày gồm học chính khóa, học thêm đã chiếm hầu hết thời gian làm cho trẻ cảm thấy luôn căng thẳng và mệt mỏi. Ngoài ra, một số trẻ dễ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý” và nghĩ đến chuyện tiêu cực thậm chí kết thúc cuộc đời sau những thất bại trong học tập, thi cử.

Hiện nay, trên thực tế ở Việt Nam, vấn đề sức khoẻ tâm thần đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều.

Theo số liệu của 1 số nghiên cứu tại Việt nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%,  trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Ngoài ra, mâu thuẫn trong cuộc sống cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên tự tử. Những mối quan hệ bất hòa, mẫu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết. Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự sát và xem việc tự sát như là một cách để giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống.

Bác sĩ Vũ cho rằng, hiện nay, điện thoại, mạng xã hội đang lôi cuốn các em ở độ tuổi thiếu niên. Vì vậy, nếu bị vội vàng dập tắt sẽ vô tình mang lại những rắc rối cho trẻ. Bởi, lứa tuổi này, các em thường có tâm lý bồng bột, thích làm theo ý mình nhiều hơn. Vì vậy, bác sĩ Vũ khuyên các phụ huynh hãy trở thành bạn của con, luôn quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và thấu cảm theo từng bước đi của các con.

Ngọc Hân