Xử lý đứa con suốt ngày “bấm bấm”?

Gia đình - Ngày đăng : 06:52, 31/03/2021

Trẻ vào tuổi teen, tâm sinh lý đổi thay, rất chướng. Thời công nghệ, chúng còn chướng kiểu tinh ranh hơn.

Con cái chúng ta làm gì trên mạng?

Chị Thu Thủy vừa gọi đồng nghiệp nhờ lấy trộm chiếc Iphone của... con gái chị. Thì ra, bị mẹ cấm dùng điện thoại, bé Thu Mai (lớp Chín trường THCS C., Q.3, TP.HCM) ra mặt lì lợm, không giao tiếp với ai, đêm ôm gối ra sofa ngủ.

Chị Thủy căng thẳng, không chỉ chuyện con chểnh mảng học hành, mà còn vì bé Vy, bên nhà hàng xóm mới học lớp Bảy đang yêu anh cùng trường… qua điện thoại. Con “khai” đã gọi nhau là vợ chồng sáu tháng.

Chị Thúy Nga, một phụ huynh trong group Zalo lớp chuyên Pháp quận Tân Bình, kể con trai chị xưa là mọt sách. Từ khi YouTube phổ biến, con nói cần lên mạng luyện ngoại ngữ, nên cha mẹ chấp thuận. Từ đấy, con chị ôm điện thoại tới 1-2 giờ đêm và không thể ép cậu đọc sách.

Hôm ca sĩ Phi Nhung giận cậu con nuôi, lên mạng “cầu cứu cộng đồng dạy con“, trong các diễn đàn của phụ huynh có con cấp II và cấp III bàn thảo rộn ràng.

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Bất lực là cảm giác chung của mẹ cha, bởi đứa trẻ nào hình như cũng giống hệt con của Phi Nhung: về tới nhà là vào phòng đóng cửa, suốt ngày cầm điện thoại, khó gọi ra ăn cơm.

Trẻ mê điện thoại thường có biểu hiện: Không thiết tha các hoạt động khác trong nhà; không thấy đói, lười vận động. Nhiều trẻ có thói quen vừa học bài vừa xem điện thoại, không thể rời điện thoại quá lâu và nổi khùng khi bị ai quấy rầy việc lên mạng.

Thần tượng là “sao” công nghệ

Hôm trước, anh Phạm Hùng, ở Bình Dương, chia sẻ trên Facebook nội dung: “Idol của đám trẻ bây giờ không phải những cái tên cũ rích như Khá Bảnh, Huấn Hoa hồng. Mà là game thủ với thu nhập 60 tỷ đồng/năm mang khuôn mặt thiên thần này”.

Anh giải thích, khi thông tin những người nộp thuế khủng năm 2020 được đăng tải, làn sóng hâm mộ những người trẻ tuổi giỏi game, giỏi làm YouTube  và Tiktok có thu nhập tiền tỷ bắt đầu bùng lên trong các trường phổ thông.

Cùng thời điểm đó, các thông tin về một hacker nổi tiếng từ Mỹ về Việt Nam khiến nhiều trẻ nuôi ước mơ giỏi lập trình.

Trẻ có xu hướng chuyên chú vào mục đích làm gì để nhiều tiền, làm gì để nổi tiếng. Đó là lý do các ngôi sao công nghệ được trẻ xem là idol, một bộ phận trẻ tiếp tục thần tượng các ngôi sao giải trí giàu có, sang chảnh.

Và để ra sức “cày view” phụng sự ngôi sao giải trí khi họ ra phim hay bài hát mới, đứa trẻ sẽ ôm điện thoại hoặc máy tính miệt mài xem YouTube.

Phụ huynh “vừa mềm vừa cứng”

Trẻ vào tuổi teen, tâm sinh lý đổi thay, rất chướng. Thời công nghệ, chúng còn chướng kiểu tinh ranh hơn. Trẻ đọc nhiều, học nhiều, chúng nắm luật và ý thức quyền cá nhân rất cao, cha mẹ không thể “phát xít” tịch thu điện thoại, càng không thể la mắng, đánh đòn, bởi chúng dễ dàng nghĩ ra các cách chống đối hiệu quả.

“Mẹ con lúc nào cũng căng thẳng vì đấu lý và đấu trí với nhau”, chị Thu Thủy băn khoăn không biết nên cư xử với con thế nào.

Cuối cùng, chị nhờ đồng nghiệp hỗ trợ phương án kỳ quái: Cuối tuần, chị đưa bé Mai đi uống trà sữa và nhân lúc bé lơ đễnh, chị trộm điện thoại của bé, chuyển ngay cho cô đồng nghiệp giữ. Sau khi con mất điện thoại, chị nói mẹ đang nghèo chỉ có tiền mua điện thoại loại bấm số để liên lạc.

Trẻ mê điện thoại thường có biểu hiện: Không thiết tha các hoạt động khác trong nhà; không thấy đói, lười vận động. Ảnh minh họa
Trẻ mê điện thoại thường có biểu hiện: Không thiết tha các hoạt động khác trong nhà; không thấy đói, lười vận động. Ảnh minh họa

Chị Nga, ở Tân Bình, chọn hô hào trong group phụ huynh. Đang mùa kiểm tra giữa học kỳ, chị Nga giao hẹn đúng 10 giờ tối, con phải trao đổi bài với bạn xong và đưa điện thoại mẹ giữ, sáng đi học mẹ trả lại. Để con quen, chị sẽ “tịch thu” sớm hơn, khoảng 9 giờ tối rồi tiến tới 8 giờ.

Chị khẩn cầu các phụ huynh khác cũng có phương án giảm giờ cầm điện thoại của bọn trẻ để chúng không còn ai mà “chat chít” và vì nếu chỉ mình chị “siết” thì con sẽ so sánh và bất mãn.

Phải cho cậu con lớp 11 luôn bận rộn việc nhà là cách của anh Phạm Hùng. Anh cho con học thêm các buổi học guitar, bóng rổ… “Con làm việc nhà nhiều quá hay đi học kín mít chẳng phải giải pháp hay ho, nhưng khổ nỗi rảnh rang là con sẽ lên mạng. Anh chị mình không kiên quyết nên đứa cháu nghiện game mất rồi, mình đành phải “thiết quân luật” thôi”, anh Hùng chia sẻ.