Cúng rằm tháng bảy: Nên làm cỗ chay hay mặn?

Gia đình - Ngày đăng : 07:25, 30/08/2020

Trước băn khoăn của nhiều gia đình về việc làm cỗ chay hay cỗ mặn để cúng rằm tháng 7, Đại đức Thích Minh Quang có những kiến giải bất ngờ.

Không nhiều Phật tử băn khoăn về điều này vì thường họ cúng cỗ chay. Tuy nhiên, nhiều người khác lại thấy "khó nghĩ" vì truyền thống làm lễ vu lan báo hiếu và xá tội vong nhân đều có nguồn gốc Phật giáo, trong khi cỗ cúng của người Việt thường có gà và các đồ mặn khác.

Về điều này, Đại đức Thích Minh Quang - trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam), cho rằng mọi người không cần quá cứng nhắc, căng thẳng về chuyện cỗ chay hay mặn.

"Chay hay mặn thì theo cá nhân thầy phụ thuộc phong tục, tập quán của từng gia đình, địa phương. Ví như anh học Phật, anh muốn cúng chay nhưng vợ anh, bố mẹ, anh chị lại không muốn cúng chay. Vì mong muốn của bản thân mà gia đình phải cãi vã, bất hòa với nhau thì mâm cơm chay đó có còn thanh tịnh nữa không? Vậy nên hãy tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Thuận duyên thì mình cúng chay thanh tịnh, không thuận duyên mình có thể mua đồ chế biến sẵn khác lên cúng".

Cúng rằm tháng bảy: Nên làm cỗ chay hay mặn? - 1

Thầy Thích Minh Quang cũng lưu ý: "Nếu có cúng mặn thì ta cần hiểu rõ, ngày xưa người ta gọi bàn thờ là giường thờ. Giường là nơi để nghỉ của mỗi chúng ta, còn giường thờ là nơi về nghỉ của các cụ. Nếu bày thịt cá tanh hôi lên đó thì rất khó chịu. Vì thế nên bày cúng đồ chay hoa quả xôi chè, còn phía dưới mình có thể đặt một bàn nhỏ bày mâm cơm. Nôm na có thể hiểu các cụ ai ăn chay thì lên trên, ăn mặn thì bên dưới”.

Về việc cần bày, sắm những gì cho mâm lễ cúng rằm tháng 7, Đại đức Thích Minh Quang chia sẻ “công thức” 6 yếu tố một ban thờ cần có, đó là: Nhang – đăng (đèn) – quả - thực (cơm canh) – nước – hoa. Công thức này áp dụng cả trong các ngày rằm, mùng một hay lễ tết khác.